Shark Hưng dùng mô hình mặt cười SHIH để khen Startup Shondo, vậy mô hình SHIH là gì?

19/06/2022 11:05 AM | Kinh doanh

Mặc dù không đầu tư nhưng Shark Hưng vẫn hào phóng dành lời khen cho Startup.

Xuất hiện đầu tiên trên tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 5, Trần Phạm Thông Hiệp – Founder kiêm CEO của Shondo kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần.

Sản phẩm của Shondo chủ yếu là giày sandal, dép, ba lô và mới ra mắt thêm giày thể thao; giá niêm yết trung bình từ 350.000 - 500.000 đồng/đôi, tệp khách hàng chính là học sinh – sinh viên.

Shark Hưng dùng mô hình mặt cười SHIH để khen Startup Shondo còn Shark Phú đồng cảm vì CEO khởi nghiệp từ sớm. - Ảnh 1.

Trần Phạm Thông Hiệp - Founder kiêm CEO của Shondo

Được biết, công ty TNHH Shat sở hữu thương hiệu Shondo được thành lập từ 2015, ban đầu chỉ có 2 thành viên góp vốn. Đến năm 2019, công ty nâng vốn điều lệ từ 500 triệu đồng lên 8 tỷ đồng và thay đổi danh sách thành viên góp vốn lên 3 người. Trong đó, CEO Trần Phạm Thông Hiệp sở hữu 69% cổ phần.

Trong chương trình Shark Tank, sau phần trình bày của Thông Hiệp, Shark Hưng dành lời khen: "Em đã định vị rất tốt. Hai năng lực chủ đạo của em là thiết kế sản phẩm và marketing là em giỏi. Trong cái mặt cười SHIH thì 2 cái đó tạo ra giá trị thặng dư cao nhất."

Mặt cười SHIH mà Shark Hưng nhắc đến sau đó đã được giải thích thêm bên lề chương trình. Trên thực tế, “đường cong nụ cười” SHIH là phát kiến của Chủ tịch hãng Acer, ông Stan Shih, vào năm 1992. Trục ngang của đồ thị thể hiện “quá trình sản xuất sản phẩm”, được cấu thành từ ba phần.

Phần trái là nghiên cứu, phát triển, thiết kế, thương hiệu, bản quyền. Phần giữa là phần gia công và lắp ráp. Phần phải là phân phối, tiếp thị, bán hàng, dịch vụ, hậu mãi.

Trục đứng của đồ thị thể hiện “lợi nhuận”. Có thể thấy, vị trí ở giữa đồ thị là vị trí đạt lợi nhuận thấp nhất. Hàm ý của “đường cong nụ cười” là: doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận thì tránh sa đà vào việc tập trung gia công và lắp ráp, mà hãy không ngừng đẩy mạnh hoạt động về hai phía đồ thị.

Shark Hưng dùng mô hình mặt cười SHIH để khen Startup Shondo còn Shark Phú đồng cảm vì CEO khởi nghiệp từ sớm. - Ảnh 2.

Đường cong nụ cười

Shark Hưng giải thích: Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn đi nghiên cứu phát triển để hình thành nên sản phẩm, là giai đoạn tạo ra giá trị rất cao. Sau đó trong quá trình sản xuất ra sản phẩm thì càng ngày nó càng giảm xuống.

Ở đáy chính là khâu gia công. Phần gia công là phần tạo giá trị ít nhất. Sau đó nó tiếp tục tăng lên, ở phần cuối là phần phân phối, lưu thông, marketing rồi làm thương hiệu.

Đỉnh cao nhất ở bên phải là làm thương hiệu, còn đỉnh cao nhất ở bên trái là R&D.Tức là trong giá bán 1 sản phẩm, 2 phần đóng góp quan trọng nhất để tạo ra giá trị gia tăng cao nhất là R&D và làm thương hiệu (branding).

Shark Hưng dùng mô hình mặt cười SHIH để khen Startup Shondo còn Shark Phú đồng cảm vì CEO khởi nghiệp từ sớm. - Ảnh 3.

Shark Phạm Thanh Hưng

Cùng với Shark Hưng, Shark Phú cũng có những chia sẻ về startup Shondo phía sau hậu trường

"Tôi thấy bạn này có 2 đặc điểm mà tôi chú ý nhất. Đó là nhìn vào sản phẩm, thiết kế, màu sắc nhìn thấy bạn rất đam mê. Thứ hai là nhìn vào con người, bạn đó trải qua 8 năm kiên trì với sản phẩm, cho đến khi đã đạt được doanh thu và có lãi với sản phẩm."

Shark Phú nói thêm: "Nhưng điểm yếu ở bạn là khả năng quản lý, quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt liên quan đến quản trị giá thành, giá vốn, quản trị tài chính. Điểm yếu này sẽ có nguy cơ rất lớn khi doanh nghiệp lớn lên, bạn rất dễ vấp ngã"

Dù chưa hài lòng song Shark Phú vẫn quyết định đề nghị đầu tư 23 tỷ đồng, với giá trị công ty được tính theo lợi nhuận bình quân 2 năm gần đây nhân với 15 lần (tương đương PE bằng 15).

Shark Hưng dùng mô hình mặt cười SHIH để khen Startup Shondo còn Shark Phú đồng cảm vì CEO khởi nghiệp từ sớm. - Ảnh 4.

Shark Nguyễn Xuân Phú

Nhìn vào cơ cấu giá vốn, chi phí của Shondo, Shark Phú nhìn thấy tiềm năng gia tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị sản phẩm. Mỗi sản phẩm giá bán 500 nghìn đồng, giá nguyên liệu 120 nghìn đồng, giá vốn 170 nghìn đồng thì còn khả năng tiết kiệm chi phí. Nhiều nhóm chi phí còn cao, ví dụ chi phí quản trị chiếm 70% giá vốn, nếu quản trị tốt chỉ rơi vào 20%.

Shark Phú cũng có sự đồng cảm với việc khởi nghiệp sớm của CEO Shondo: "Tôi khời nghiệp thậm chí sớm hơn bạn đó. Tôi khởi nghiệp từ 18 tuổi, tuy nhiên sau đó tôi quay lại đi học. Đó là câu chuyện chính người khởi nghiệp sớm, họ sẽ có khoảng thời gian trả giá cho cái sai. Khi có sai thì họ buộc phải học lại và làm lại. Tôi thấy bạn này rất giống tôi ở điểm đó và hi vọng bạn thành công trong tương lai."

Trên thực tế, Thông Hiệp mới chỉ 27 tuổi và bỏ học đại học để khởi nghiệp khi chưa đến 20 tuổi.

Kể lại hành trình khởi nghiệp, Hiệp cho biết, cách đây 8 năm, với số vốn 7 triệu đồng, Hiệp làm được 50 đôi giày và bán trên Facebook. Sau khi cảm thấy sản phẩm bán chạy, có khách hàng và thị trường, anh sản xuất thêm để bán thêm trên các sàn thương mại điện tử và hiện bán cả trên website của mình.

Hiện nay, theo Shondo họ đã bán được hơn 1 triệu đôi giày và hiện đang có 20 cửa hàng, 2 nhà máy sản xuất và hàng trăm đại lý bán hàng trên toàn quốc.

Sau khi nhận được 3 deal từ Shark Phú, Shark Bình và Shark Hùng Anh cũng như lắng nghe thông điệp từ các Shark, CEO Shondo lựa chọn đồng hành với Shark Hùng Anh. Thương vụ được chốt với mức đầu tư 23 tỷ đồng của Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation cho 30% cổ phần Shondo.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM