Sếp Trung Nam Group: “Về trái phiếu phát hành, tôi khẳng định với các anh chị là tôi ăn ngon, ngủ yên, không vấn đề gì hết”
Sự xuất hiện của ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Trung Nam Group tại buổi tọa đàm “Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng” do VnDirect tổ chức chiều 26/10 đã xoa dịu phần nào sự bất an và lo lắng của nhiều nhà đầu tư, trước những tin đồn tiêu cực thời gian gần đây về lượng trái phiếu của doanh nghiệp này.
“Cuộc sống của tôi đơn giản lắm, (người) bắt tôi chỉ có con tôi đón đưa đi học về. Còn hỏi ông Thịnh trốn chưa? Có. Tôi có trốn. Nhưng tôi trốn vợ tôi đi chơi với người yêu là có. Cái đó là thừa nhận”, Vị chủ tịch vốn kín tiếng của Trung Nam Group đã bắt đầu phần trả lời câu hỏi một cách vui vẻ, cũng là một cách khẳng định với mọi người, những tin đồn vừa qua trên thị trường chỉ là... tin đồn.
Theo lời bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VND): “Thịnh (ông Nguyễn Tâm Thịnh - PV) là người đàn ông khó gặp, nếu không phải vì tin đồn lần này, có lẽ ông Thịnh sẽ không ra mặt tham gia những buổi như thế này".
Tại sao Trung Nam góp vốn “thần tốc”?
Theo ông Thịnh, Trung Nam Group hiện nay có 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm. Trong đó, điện gió 700MW và 120MW là thủy điện, còn lại là điện mặt trời.
Giải thích về việc Trung Nam Group tăng vốn nhanh, ông Thịnh cho biết, ngành năng lượng có giá FiT (*), giá FiT chỉ có thời hạn nhất định. Ví dụ điện Mặt trời đến 30/6/2019 một đợt và một đợt 30/12/2020; điện gió là 30/10/2021.
(*) Hiểu ngắn gọn giá FiT là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện . Quy định mức giá mua điện cụ thể cho từng loại công nghệ khác nhau (gió, mặt trời, sinh khối…) sao cho đảm bảo các nhà đầu tư có lợi nhuận.
Riêng điện gió Trung Nam hòa lưới vào ngày 31/10/2021 với tổng công suất 700MW trong đó 100 MW làm ngoài biển. Chính nhà thầu lớn Việt Nam cũng như quốc tế khi nói làm 10 tháng xong nhà máy điện gió trên biển thì không ai tin. Ông Thịnh tự tin với sự chuẩn bị kỹ Trung Nam Group hoàn thành 100MW trên biển làm trong điều kiện Covid khó khăn. Khi đó, chuyên gia không vào được, Tập đoàn phải dùng tất cả các biện pháp để đưa chuyên gia nước ngoài vào.
Điện gió thứ hai là điện gió Ea Nam Đak Lak 400MW cũng làm trong vòng hơn 10 tháng để kịp phát thành công trước ngày 30/10.
" Chúng tôi làm dự án nhanh thì tỷ lệ thuận vốn góp đi nhanh, vốn chậm làm sao làm được? Vốn thì có nhiều nguồn từ công ty con công ty mẹ góp vào, anh em bạn bè, cổ đông… ai có nhu cầu thì góp vốn thôi. Có câu hỏi sao phát hành 10 lần cho dự án Dak Lak thì như khoản vay, có kỳ hạn và lãi suất. Không lẽ chúng tôi phát hành một lần về trả lãi cho các tổ chức à? Chúng tôi phải chia ra phát thành 10 giai đoạn thôi ", ông Thịnh nói.
2.800 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu lấy đâu ra để trả nhà đầu tư?
Chủ tịch Trung Nam tự tin cho biết: Đến giờ, Trung Nam Group đầu tư 1.700 MW, tổng mức đầu tư 55.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu 27.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư 55.000 tỷ đồng thì "không là gì hết".
Ông Thịnh tự tin khẳng định: "Các bên đi kiểm tra thực tế dự án đều biết, chúng tôi đã lắp đặt thiết bị rồi mới giải ngân ngân hàng, vốn tự có đã giải ngân trước".
“Mọi người nói ông Thịnh bị bắt rồi, tôi ngồi đây tôi thu tiền chứ. Doanh thu của tôi một năm hơn 8.000 tỷ đồng, trả lãi 2.800 tỷ đồng không là vấn đề gì với chúng tôi. Tôi bán điện tôi trả cho nhà đầu tư chứ.
Nói thật với các anh chị ngồi đây, tôi dám nói bằng danh dự trái phiếu của tôi, tôi muốn trả trước hạn. Tối qua tôi đàm với ngân hàng trả trước hạn, ngân hàng bắt tôi cộng thêm 2% trả trước hạn. Tôi rất đau đầu với việc trả trước hạn" , ông Thịnh nhấn mạnh.
“Về trái phiếu phát hành ra, tôi khẳng định với các anh chị là tôi ăn ngon, ngủ yên, không vấn đề gì hết”, Chủ tịch Sơn Nam khẳng định.
"Chúng tôi phát hành trái phiếu ra là đi vào dự án. Nhiều khi phát hành là chúng tôi trả luôn cho nhà thầu sản xuất thiết bị nước ngoài luôn vì chúng tôi gần làm xong thì bên này (VND) mới phát hành trái phiếu. Quy mô của mảng năng lượng Trung Nam, tới đây sẽ có báo cáo đánh giá của đơn vị quốc tế định giá 3,5 tỷ USD. Với quy mô hơn 1 tỷ USD trái phiếu phát hành sẽ không là gì" , Chủ tịch Trung Nam Group khẳng định.
Ông Thịnh cũng chia sẻ thêm một số mảng kinh doanh khác của Trung Nam ngoài các nhà máy điện, như làm cầu Bạch Đằng từ Hải Phòng đi Quảng Ninh hiện nay cũng thu phí.
“Hay như đoạn đường trên cao Trường Chinh ở Hà Nội; ở Đà Nẵng có khu Golden Hills 381 ha, tôi làm xong 100% hạ tầng, đang xây dựng, không vay vốn ngân hàng” , ông Thịnh nói
"Ở Đà Nẵng, Trung Nam còn làm hạ tầng khu công nghệ thông tin, sản xuất được bo mạch, máy tính bảng cho học sinh, cho thuê văn phòng tại Đà Nẵng, làm cao tốc Bắc - Nam, cầu Mỹ Thuận 2, hệ thống ngăn mặn miền Tây.
Về dự án chống ngập Tp.HCM, dự án này hiện nay thi công đạt hơn 90% khối lượng, vừa qua thành phố với nhà đầu tư chưa thống nhất phương thức thanh toán, thời gian. Hai bên họp thống nhất phương án thực hiện, tháng 9/2023 chúng tôi xong và bàn giao.
Chúng tôi bước đầu triển khai hạng mục cuối cùng. Trước đây những dự án BT, BOT trục trặc chính sách pháp luật nhưng giải quyết được nút thắt rồi thì công việc sẽ chạy" , ông Thịnh chia sẻ thêm về các dự án của Trung Nam.