Sếp Sun Life: 47% phụ nữ mong truyền đạt kiến thức tài chính - đầu tư hơn là đơn thuần trao tiền cho con!
Khi được hỏi thế nào là sự ổn định tài chính, các bà mẹ đã có câu trả lời rất rõ ràng: 64% mong muốn có khoản tiết kiệm để ứng phó khi bất trắc xảy ra; 56% kỳ vọng có nguồn thu nhập thụ động ổn định; và 54% muốn dành sự ưu tiên cho sức khỏe và tinh thần.
Tại nhiều quốc gia châu Á, ngày càng có nhiều phụ nữ chủ động hơn trong việc xây dựng tương lai tài chính của chính mình. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, phụ nữ đang trở nên tự tin hơn, độc lập hơn trong các quyết định tài chính – và vì thế, họ cũng vững vàng hơn trước những biến động của cuộc sống.
Tại Việt Nam, chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy vai trò kinh tế của phụ nữ và tăng cường khả năng tự chủ tài chính, như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021–2030, trong đó khuyến khích phụ nữ tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng 11 bậc trong Báo cáo Chỉ số Giới toàn cầu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều tiến bộ trong vài thập kỷ qua, phụ nữ – đặc biệt là những người làm mẹ – vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trên hành trình hướng tới sự độc lập về tài chính.

Bà Nguyễn Liên Phương, Phó Tổng Giám đốc Khối Định phí, Sun Life Việt Nam
Áp lực kép trên vai người mẹ
Theo khảo sát "Tài sản phụ nữ dưới góc nhìn mới: Tự tin và Vững vàng" do Sun Life thực hiện vào đầu 2025, có đến 3/4 các bà mẹ Việt Nam cảm thấy mình đang sống trong điều kiện tài chính tốt hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, 48% vẫn chịu nhiều căng thẳng vì phải cùng lúc chăm lo cho con cái và cha mẹ già, trong khi 62% đặt nhu cầu tài chính của gia đình lên trước bản thân.
Những con số này cho thấy rõ một thực tế: làm mẹ đồng nghĩa với việc phải gánh vác rất nhiều vai trò, từ đi làm kiếm thu nhập, nuôi dạy con cái, đến chăm sóc cha mẹ. Đây đều là những trách nhiệm quan trọng, khiến phụ nữ vừa phải làm tròn thiên chức, vừa phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng lớn.
Vì vậy, không ít bà mẹ tại Việt Nam chia sẻ những nỗi lo chung về tài chính. Gần một nửa cho rằng việc tạm nghỉ việc để lo cho gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng độc lập tài chính của họ – so với chỉ 33% ở nhóm phụ nữ chưa có con. Trong khi 70% đang dành dụm để phụng dưỡng cha mẹ, chỉ có 24% tin rằng sau này sẽ được con cái hỗ trợ đầy đủ. Một mối lo khác cũng thường trực là chi phí y tế – 51% cho biết đây là trở ngại lớn khiến họ khó đạt đến một tương lai tài chính tươi sáng hơn.
Khi được hỏi thế nào là sự ổn định tài chính, các bà mẹ đã có câu trả lời rất rõ ràng: 64% mong muốn có khoản tiết kiệm để ứng phó khi bất trắc xảy ra; 56% kỳ vọng có nguồn thu nhập thụ động ổn định; và 54% muốn dành sự ưu tiên cho sức khỏe và tinh thần. Tin vui là những mục tiêu đó hoàn toàn khả thi nếu chúng ta có một kế hoạch tài chính phù hợp – bao gồm tiết kiệm, đầu tư, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.
Trong nhiều gia đình Việt, người phụ nữ vẫn là người quán xuyến chi tiêu hàng ngày. Khảo sát cũng cho thấy 80% nam giới thừa nhận vợ là người quyết định những khoản chi nhỏ cho gia đình. Tuy nhiên, những khoản chi lớn như giáo dục con cái hay đầu tư vẫn thường do người chồng quyết định.
Điều đó không có nghĩa là phụ nữ không thể tham gia sâu hơn vào các quyết định quan trọng. Khi được trang bị kiến thức tài chính tốt hơn, họ hoàn toàn có thể nâng cao vai trò và tiếng nói của mình trong việc hoạch định tương lai tài chính cho cả gia đình – đặc biệt khi chính họ là người cầm "tay hòm chìa khoá".

Phụ nữ ngày càng độc lập và chủ động về tài chính
Tăng cường hiểu biết tài chính là bước khởi đầu thiết yếu để phụ nữ tiến đến tự chủ tài chính. Khi nắm được kiến thức cơ bản về tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm, phụ nữ sẽ có thêm công cụ để đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai của mình.
Tuy nhiên, khảo sát cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn về kiến thức – hơn 56% bà mẹ Việt tự đánh giá trình độ hiểu biết tài chính của mình ở mức cơ bản hoặc mới bắt đầu. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về các chương trình giáo dục tài chính dễ tiếp cận, thực tiễn và phù hợp với nhu cầu của phụ nữ. Đây là lúc các doanh nghiệp tài chính và cơ quan quản lý cần cùng nhau vào cuộc để thúc đẩy thay đổi tích cực.
Ngành tài chính cũng có trách nhiệm thiết kế những sản phẩm phù hợp hơn với hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của các bà mẹ – từ bảo hiểm sức khỏe đến các giải pháp tiết kiệm cho tương lai. Hơn một nửa phụ nữ cho biết họ gặp khó khăn khi tìm kiếm sản phẩm tài chính phù hợp với mình, và gần 2/3 mong muốn được tư vấn bởi các chuyên gia nữ. Tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong ngành tài chính, cả ở vai trò chuyên gia lẫn người lãnh đạo, sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách này.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều tiến bộ trong việc trao quyền tài chính cho phụ nữ – nhưng hành trình này vẫn còn nhiều thử thách. Phụ nữ, đặc biệt là những người mẹ, cần một kế hoạch tài chính được thiết kế dựa trên mong muốn ngắn hạn lẫn dài hạn – để có thể giảm bớt áp lực và chủ động trước mọi biến cố trong cuộc sống.
Cuối cùng, các bà mẹ hiểu rõ hơn ai hết rằng giáo dục tài chính cần được bắt đầu từ sớm. 47% chia sẻ rằng một trong những kỳ vọng lớn nhất của họ là truyền đạt cho con kiến thức về tài chính và đầu tư – vì cho con hiểu giá trị của đồng tiền quý giá hơn nhiều so với chỉ đơn thuần trao tiền cho con.