SCMP: Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu quần áo hàng đầu vào Mỹ, thay vào đó là Việt Nam
Trang South China Morning Post nhận định: 7 tháng trước, Trung Quốc vẫn là nhà cung ứng lớn nhất cho các công ty thời trang ở Mỹ, nhưng lợi thế này đã biến mất bởi đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc (tính theo giá trị) giảm từ gần 30% vào năm 2019 xuống 20% ở nửa đầu năm 2020 và hiện đang ngang bằng với Việt Nam.
Các hãng thời trang Mỹ buộc phải giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng Trung Quốc để đối phó với căng thẳng giữa 2 quốc gia, đồng thời hạn chế tối thiểu thiệt hại từ Covid-19. Khảo sát ý kiến của 25 lãnh đạo điều hành các công ty thời trang hàng đầu, Hiệp hội ngành công nghiệp thời trang Mỹ cho biết hầu hết các hãng đều nhập khẩu sản phẩm từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm nay, 29% cho biết công ty họ nhập khẩu từ Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc. Năm ngoái, tỷ lệ này là 25%.
Theo dữ liệu từ văn phòng dệt may thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy về số lượng, Trung Quốc vẫn đóng góp ít nhất 30% kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, điều cốt yếu là mức giá mà các nhà cung ứng đưa ra thấp hơn nhiều so với mức trung bình, vì hầu hết các nhà sản xuất và thương nhân Trung Quốc đều giảm giá mạnh để duy trì các đơn hàng từ nước ngoài.
Đơn giá hàng may mặc của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm từ 2,25 USD/m2 (năm 2019) xuống còn 1,88 USD trong nửa đầu năm 2020, giảm 16%, lớn hơn nhiều so với mức giảm trung bình 3% của tất cả hàng may mặc nhập khẩu. Giá do các nhà cung cấp Trung Quốc đưa ra đã thấp hơn khoảng 30% so với các nước châu Á khác trong năm nay.
Tính đến tháng 7, khoảng 30 tỷ USD hàng dệt, may mặc và sản phẩm dệt gia dụng của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương 90% tổng số, phải chịu mức thuế 7,5% do chiến tranh thương mại.
"Nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, có khả năng các công ty thời trang Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể nguồn cung ứng từ Trung Quốc, ngay cả khi đó không phải là lựa chọn ưu tiên về mặt kinh tế", Sheng Lu, phó giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware.
Những lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức trong ngành sản xuất quần áo ở Khu tự trị Tân Cương miền Tây Trung Quốc là trở ngại mới nhất kìm hãm hoạt động nhập khẩu hàng may mặc và hàng dệt may khác của Mỹ từ Trung Quốc.
Một trong số các lãnh đạo được khảo sát cho biết họ đã hủy các đơn đặt hàng và chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực đó, trong khi một lãnh đạo khác cho biết họ đã làm việc với các kiểm toán viên của bên thứ ba để tăng cường các nỗ lực kiểm toán nhằm đảm bảo hàng nhập khẩu của họ không phải là sản phẩm của tình trạng cưỡng bức lao động.
Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã và đang thúc đẩy các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc tiến hành "di cư" sang các nước lân cận Trung Quốc để tận dụng chi phí lao động thấp hơn và tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch đã bị chậm lại trong năm nay do lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Sheng Lu từ Đại học Delaware cho biết thêm: "Đầu tư nước ngoài đóng một vai trò thực sự quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát triển và mở rộng năng lực sản xuất hàng may mặc."
Trong ba thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào ngành dệt may của Việt Nam đạt tổng cộng 19,5 tỷ đô la Mỹ, lớn nhất là Hàn Quốc, tiếp theo là Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xuất khẩu ít quần áo thành phẩm và nhiều nguyên liệu dệt hơn sang các nước khác, và tại đây chúng được sản xuất thành hàng may mặc. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc tăng 31%, trong khi các lô hàng may mặc và phụ kiện giảm 16%, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Khoảng 70% lãnh đạo được khảo sát bởi Hiệp hội ngành công nghiệp thời trang Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục giảm mạnh nguồn cung ứng từ Trung Quốc cho đến hết năm 2022. Một trong số đó cho biết: "Nhập khẩu từ một nguồn hàng bên ngoài Trung Quốc là rất khó. Tại các khu vực sản xuất khác, chúng tôi vẫn không thể tiếp cận các loại vải, mức giá và khối lượng phù hợp ngay cả khi bị áp thuế. Các khu vực khác phải tăng cường phát triển năng lực sản xuất để chúng tôi có thể chuyển đến. Do đó, chúng tôi đang xem xét tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí".