SCB điều chỉnh lãi suất cao nhất lên 8,90%, chi trả quyền lợi khách hàng bình thường
Lãi suất tiết kiệm theo biểu niêm yết vừa điều chỉnh mới của SCB đã tăng lên mức 8,90%, ngân hàng đảm bảo thanh khoản, hoạt động bình thường.
Cụ thể, theo biểu lãi suất điều chỉnh mới áp dụng từ ngày 8/10, sản phẩm tiền gửi đặc trưng cho khách hàng cá nhân đối với sản phẩm “Tiết kiệm Phát Lộc Tài” của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã tăng lên khoảng 1% tùy kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 36 tháng trả lãi cuối kỳ là 8,85%.
Đối với tiết kiệm online, lãi suất tiết kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 - 7,95%/năm, 7 tháng là 7,65- 8,05%, 9 tháng lên 8,01 - 8,25%, 12 tháng lên 8,2 - 8,55%.
Mức lãi suất cao nhất của tiết kiệm online tại SCB là 8,90%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi của SCB cũng lên 8,90%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Theo ghi nhận chung, trong ngày thứ 7 cuối tuần, lượng khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng tăng hơn so với trước ở cả trụ sở chính của ngân hàng và một số chi nhánh. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chi trả cho khách bình thường. Bên cạnh đó, có một số khách hàng đến gửi tiền và tái tục sổ đang gửi.
Trong sáng ngày 9/10, một đại diện truyền thông của SCB cho biết ngân hàng vẫn đảm bảo chi trả cho khách bình thường. Đối với trường hợp khách hàng gặp trục trặc khi giao dịch trên app, đó là do có thời điểm lưu lượng truy cập giao dịch cao bất thường dẫn đến hệ thống quá tải. Trong trường hợp khách hàng không thể giao dịch online, vẫn có thể đến giao dịch trực tiếp tại quầy.
Trước đó, tại buổi họp báo hôm qua 8/10, ông Hoàng Minh Hoàn - Phó Tổng Giám đốc điều hành SCB - cho hay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.
"Về vụ việc này, SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB. SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật”.
SCB cũng đã phát thông cáo với nội dung đồng nhất như nội dung ông Hoàn chia sẻ trên ngay trên website của ngân hàng trong sáng ngày 8/10.
Tính đến ngày 30/9/2022, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó có 7 cổ đông nước ngoài sở hữu 27,91% vốn điều lệ. Trong số 4.125 cổ đông trong nước có 11 cổ đông tổ chức, chiếm 15,7% vốn điều lệ; các cổ đông còn lại nắm 56,1% vốn điều lệ. Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB.
(Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc điều hành SCB).
Liên quan đến hiện tượng có nhiều người dân đến rút tiền tại các chi nhánh, phòng giao dịch SCB trong ngày cuối tuần, sáng ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chính thức phát thông cáo báo chí. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “NHNN và các bộ ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các TCTD. Thời gian tới NHNN đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng".
Bên cạnh đó, trước hiện tượng có một số ngân hàng đã lên thông tin rà soát khách hàng hiện hữu và khác để tiếp thị gửi tiền, lôi kéo khách hàng của SCB, NHNN đã ra công văn chỉ đạo, tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm.
Cùng ngày, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã lên tiếng khuyến cáo người dân cần thận trọng với các tin đồn, không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Theo Hiệp hội, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tin đồn tiêu cực về ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, các giải pháp điều hành của NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua cho thấy hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn.