Savills: Khoảng 18.600 doanh nghiệp trên cả nước đã tạm dừng kinh doanh trong quý 1/2020

16/04/2020 14:55 PM | Kinh doanh

Đó là số liệu do Savills Việt Nam cung cấp trong báo cáo quý 1/2020 mới đây. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến quý 2/2020, Bộ Lao Động đã ước tính sẽ có khoảng 2-3 triệu lao động phải nghỉ việc tạm thời.

Báo cáo đơn vị này chỉ ra, hầu hết các công ty đã yêu cầu nhân viên luân phiên làm việc tại nhà để tuân thủ các quy định cách ly xã hội, điều này đã khiến nhiều văn phòng đóng cửa toàn bộ hoặc một phần.

Trong quý 1/2020, khoảng 18.600 doanh nghiệp trên cả nước đã tạm dừng kinh doanh, tăng 26% theo năm. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến quý 2/2020, Bộ Lao Động đã ước tính sẽ có khoảng 2-3 triệu lao động phải nghỉ việc tạm thời. Tại Tp.HCM, Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP (giảm -7 điểm phần trăm theo năm) và dòng vốn FDI (giảm -32% theo năm).

Dịch bệnh đã tác động đến ngành hàng không, vận tải, du lịch, sản xuất, bất động sản và tài chính. Trong đó, nhóm ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, thương mại và sản xuất, là những khách thuê chính tại các tòa nhà Hạng A và B, chiếm hơn 60% diện tích thuê.

Cụ thể, ngành vận tải và du lịch đã phải sa thải một lượng lớn nhân sự cũng như đóng cửa hàng loạt công ty.

Các công ty dịch vụ đang phải đánh giá lại nhân sự, xem xét các biện pháp cắt giảm chi phí.

Không gian làm việc chung (Co-working space) với thời hạn thuê ngắn sẽ được kiểm nghiệm tính hiệu quả trong bối cảnh cách ly xã hội. Nhu cầu từ các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp, là động lực thúc đẩy sự phát triển không gian làm việc chung, tuy nhiên, đây cũng là các khách thuê rất nhạy cảm với suy giảm kinh tế.

Theo Savills, các biện pháp cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gây áp lực cho các không gian làm việc chung. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội phát triển cho lĩnh vực này khi các doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng sau suy thoái và sự chuyển dịch nhu cầu đến các khách thuê mới.

Cơ hội phát triển được nhận thấy trong dịch bệnh đối với các ngành dịch vụ như tư vấn luật, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, phần mềm, công nghệ sinh học, chính phủ. Thương mại điện tử thu hút khách hàng và tăng trưởng mạnh nhờ các hoạt động mua sắm trực tuyến trong thời gian cách ly xã hội. Các ngành dịch vụ trên được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu văn phòng mới trong bối cảnh dịch bệnh.

Nói về triển vọng tích cực, báo cáo quý của Savills Việt Nam chỉ ra, mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Q1/2020 chỉ đạt 3,8%, thấp nhất trong 10 năm qua, triển vọng kinh tế vẫn rất lạc quan.

Theo dự báo gần nhất của ADB về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020, GDP của Việt Nam được dự báo tăng 4,8%, cao hơn các nước trong khu vực: Indonesia (2,5%), Singapore (0,2%), Philippines (2%), và Thái Lan (-4,8%).

Chính phủ và ngân hàng nhà nước đã có nhiều giải pháp giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thông qua các chính sách hỗ trợ và viện trợ tài chính. Việt Nam nằm trong nhóm 20 động lực tăng trưởng trên thế giới. 

Các biện pháp đã được đưa ra bao gồm: gói tín dụng trị giá 250.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, gia hạn thời gian nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất đến 5 tháng và miễn tiền phạt do chậm nộp, tạm ngưng đóng quỹ bảo hiểm xã hội và phí công đoàn đến 6/2020 hoặc xa hơn tùy vào diễn biến của dịch bệnh. Các biện pháp trên sẽ ngay lập tức giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí để duy trì hoạt động và việc làm.

Savills: Khoảng 18.600 doanh nghiệp trên cả nước đã tạm dừng kinh doanh trong quý 1/2020 - Ảnh 1.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM