Sau vụ sụp đổ ngân hàng SVB, thị trường sẽ chú ý tới các sự kiện kinh tế - tài chính nào trong tuần tới?
Dữ liệu lạm phát của Mỹ, cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu, đánh giá về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và ngân sách của Vương quốc Anh là những vấn đề có thể đưa ra định hướng cho các thị trường vốn đang trong giai đoạn bất ổn do cổ phiếu ngân hàng trượt dốc.
Dưới đây là những sự kiện kinh tế - tài chính đáng chú ý nhất trong tuần tới.
1/ Lạm phát ở Mỹ có thể lại
Do dữ liệu lạm phát của Mỹ là điểm mấu chốt đối với thị trường nên báo cáo lạm phát công bố vào thứ Ba (14/3) có thể sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư đánh giá liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có quay trở lại các đợt tăng lãi suất quy mô khổng lồ - đã làm rung chuyển thị trường vào năm ngoái - hay không?
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, mới đây đã nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng ngân hàng trung ương có thể cần phải tăng lãi suất cao hơn dự đoán trước đó nếu dữ liệu tiếp tục cho thấy lạm phát vẫn nóng bất chấp một loạt các đợt tăng lãi suất.
Đó có thể là tin xấu đối với các nhà đầu tư, những người hồi đầu năm hy vọng rằng chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng, sau đó hy vọng tan biến khi đối mặt với lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và thái độ mới nhất của Fed cho thấy họ chưa có dấu hiệu dừng tăng lãi suất. Hiện tại, các thị trường đang chuẩn tinh thần bị cho việc Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ như đã làm vào cuối năm qua. Các nhà đầu tư hôm 9/3 đã định giá khoảng 70% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 22 tháng 3.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự đoán giá tiêu dùng của Mỹ sẽ tăng 0,4% trong tháng 2, sau khi tăng 0,5% trong tháng 1.
2/ Trung Quốc với mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn
Liệu mục tiêu của Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 5% có phải do khiêm tốn như nhiều người nói hay không? Câu trả lời có thể sẽ có vào thứ Tư tới, khi Trung Quốc công bố dữ liệu của các nhà máy và nhà bán lẻ đầu tiên trong năm, hai ngày sau khi Đại hội Nhân dân Toàn quốc kéo dài một tuần kết thúc.
Phần cuối của kỳ họp quốc hội Trung Quốc hàng năm đã chứng kiến ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nhiệm kỳ thứ 3.
Ông Lý Cường, nổi tiếng với việc giám sát việc phong tỏa chặt COVID-19 ở Thượng Hải, hôm thứ Bảy (11/3) đã được bổ nhiệm vào vị trí người lãnh đạo quan trọng thứ 2 của Trung Quốc – Thủ tướng.
Nhiệm vụ của ông Lý bây giờ sẽ là thúc đẩy sự cải thiện kinh tế Trung Quốc sau đại dịch. Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022, mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Dữ liệu tháng 12 không quá hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ, vì số ca nhiễm COVID gia tăng sau khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ khiến mọi người phải ở nhà.
3/ Lãi suất của châu Âu sẽ cao như thế nào?
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 3 điểm phần trăm kể từ tháng 7 năm ngoái lên 2,5% hiện nay và có vẻ sẽ tăng nửa điểm nữa vào thứ Năm (16/3).
Sự gia tăng bất ngờ về lạm phát cơ bản của khu vực đồng euro vào tháng trước đã khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng áp lực giá cả có thể còn nghiêm trọng hơn so với dự đoán. Giám đốc ngân hàng trung ương của Áo, Robert Holzmann, muốn ECB tăng lãi suất nửa điểm mỗi lần trong mỗi bốn cuộc họp tiếp theo.
Các thị trường đã sẵn sàng đánh giá xem lãi suất sẽ tăng cao như thế nào, và đã nhanh chóng chuyển hướng dự đoán rằng lãi suất sẽ được tăng tới 4% vào cuối năm nay. Hai ngân hàng Morgan Stanley và BNP Paribas cũng cho rằng lãi suất đỉnh sẽ ở 4%.
Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, đang rất thu hút sự chú ý của thị trường khi sẽ quyết định lãi suất sẽ tăng cao như thế nào.
4/ Anh công bố ngân sách 2024.
Bộ trưởng tài chính Anh, Jeremy Hunt, sẽ công bố Ngân sách mùa xuân vào ngày 15 tháng 3. Sau tình trạng hỗn loạn thị trường vào tháng 9 năm ngoái, khi người tiền nhiệm của ông Hunt, Kwasi Kwarteng, và cựu Thủ tướng Liz Truss công bố các đợt cắt giảm thuế mạnh mẽ, các nhà phân tích kỳ vọng ông Hunt sẽ ưu tiên giữ ổn định tài chính công, chống lại những thứ có thể gây bất ổn cho đồng bảng Anh hay cổ phiếu Anh.
Vì vậy, trọng tâm chính của các nhà giao dịch là dự báo tăng trưởng và mức vay nợ của Anh, sẽ được công bố cùng với ngân sách.
Văn phòng phụ trách ngân sách của Anh (OBR) đã dự đoán mức tăng trưởng GDP năm 2024 là 1,3%, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh dự báo sẽ gảm nhẹ. Việc OBR hạ dự báo về tăng trưởng GDP của Anh có thể ảnh hưởng đến đồng bảng Anh, song đồng tiền này dao động chủ yếu do mức chênh lệch lãi suất, với lãi suất của Mỹ dự báo sẽ tăng nhanh hơn của Anh.
5/ Các thị trường mới nổi chịu ảnh hưởng từ các ngân hàng lớn
Các thị trường mới nổi phải đối mặt với cơn ác mộng khi các nhà giao dịch cân nhắc liệu Fed có nâng lãi suất lên tới 6% hay không, mức mà nhiều người coi là thử thách ngưỡng chịu đựng đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Đó không chỉ là quy mô của các đợt tăng lãi suất mà còn là tốc độ khiến những người nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ từ các nền kinh tế mới nổi lo ngại.
Các thị trường mới nổi rủi ro hơn, mong manh hơn, đặc biệt là những thị trường có thâm hụt kép, có thể cảm thấy động thái của Fed (tăng lãi sất tới 6%) như một “cú đấm” nặng nề. Các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế mới nổi đã vượt các ngân hàng trung ương lớn trong việc tăng lãi suất, và hiện lại đng dẫn đầu trong việc giảm lãi suất, như Hungary, Ba Lan, Chile hoặc Brazil. Nhưng thời gian của bất kỳ động thái nào như vậy giờ đây có vẻ ngày càng thay đổi.
Tham khảo: Refinitiv