Sau Tổng thống Obama, thượng viện Mỹ cũng từ bỏ điện thoại BlackBerry
ictnews Thay vào đó, cơ quan này sẽ chuyển qua dùng Galaxy S6 của Samsung, và iPhone SE 16 GB của Apple.
Từng là thiết bị di động được các nguyên thủ quốc gia cũng như tổ chức chính phủ tin dùng nhờ khả năng bảo mật cao, thế nhưng có vẻ như những ngày tươi đẹp đó của BlackBerry cũng đã kết thúc.
Trong một công bố hồi đầu tuần, Thượng viện Mỹ cho biết, các nhân viên của mình không còn có thể yêu cầu một thiết bị chạy BlackBerry OS 10 để dùng trong công việc như trước. Như vậy, các máy Q10, Z10, Z30, Passport và Classic của BlackBerry sẽ không thể được đem vào sử dụng. Thay vào đó, cơ quan này sẽ chuyển qua dùng Galaxy S6 chạy Android của Samsung hoặc iPhone SE bản 16 GB của Apple.
Điều này không đồng nghĩa với việc, người dùng BlackBerry ở thị trường phổ thông sẽ bị bỏ rơi. Ít nhất là trong một tương lai gần, "Dâu đen" vẫn sẽ tiếp tục có các hỗ trợ cho các khách hàng trung thành của mình. Tuy nhiên, việc bị Thượng viện Mỹ "tẩy chay" đánh dấu một cột mốc đáng buồn trong lịch sử BlackBerry.
Hãng một thời là kẻ thống trị thị trường điện thoại nhờ khả năng bảo mật tốt, hệ thống email tiên tiến, bàn phím vật lý xuất sắc. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi quá nhanh. Khi màn hình cảm ứng trở nên phổ biến, người dùng chấp nhận sử dụng bàn phím ảo để đổi lại các tiện ích mà BlackBerry không có. Các ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội mọc lên khiến cho những thế mạnh trước đây của BlackBerry dần bị xoá nhoà. Trong ít năm, iOS và Android nhanh chóng đuổi kịp rồi vượt mặt "Dâu đen", khiến doanh số bán của hãng liên tục tụt giảm.
BlackBerry được hưởng lợi nhờ một thị trường "ngách": Các cơ quan chính phủ. Đây là nơi mà việc thích ứng với các công nghệ mới thường chậm hơn. Tuy nhiên, dù chậm thì cuối cùng ngày điện thoại BlackBerry bị từ bỏ cũng đã đến. Chiếc BlackBerry quen thuộc trong nhiều năm của Tổng thống Obama mới đây cũng đã được thay thế bằng Galaxy S4. Thiết bị BlackBerry được dùng trong Quốc hội Mỹ cả thập kỷ nay, tuy nhiên, mọi thứ đã đi đến hồi kết.