Sau tiếng gõ chiêng sinh ra 200 triệu phú, FPT lỡ hẹn niêm yết sàn Singapore tới 16 năm và bước ngoặt phi thường vào cuối 2023
Hơn 17 năm kể từ ngày cổ phiếu chào sàn, ông Trương Gia Bình vẫn là Chủ tịch FPT và giấc mơ niêm yết sàn Singapore ngày đó đã "chậm deadline" tới 16 năm. Tuy nhiên, FPT đã có được bước ngoặt quan trọng, đó là việc chính thức bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới - sân chơi của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD trên toàn cầu với dấu mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài năm 2023.
Tiếng gõ chiêng chào sàn của FPT sinh ra 200 triệu phú
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tiết lộ một câu chuyện cũ: "Chúng tôi tự hào có 200 triệu phú đô la khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, nhân viên có được cuộc sống ấm no, lái xe công ty cũng có thể cho con đi du học... Phần lớn lãnh đạo các công ty công nghệ tại Việt Nam xuất thân từ FPT".
Quay ngược lại hơn 17 năm trước, vào ngày 13/12/2006, cổ phiếu FPT chính thức lên sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM. FPT là đơn vị thứ 78 có cổ phiếu niêm yết tại HOSE với 60.810.230 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng.
Sự kiện này không chỉ đánh dấu việc một doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông trở thành công ty đại chúng mà còn mở màn cho những triệu phú đô la nhờ sở hữu cổ phiếu FPT.
Nếu như trong giai đoạn OTC, cổ phiếu FPT chỉ giao dịch quanh mức 22.000 đồng/CP, đến sát ngày lên sàn vọt lên ngưỡng 40.000 đồng/CP thì chỉ sau vài tiếng gõ chiêng chào sàn, giá cổ phiếu FPT vọt ngay lên trên 400.000/CP.
Hết năm 2006, giá cổ phiếu FPT lên đến 460.000 đồng. Khi đó, VNIndex ở mức 751 điểm. Vào tháng 2/2007, đỉnh của chỉ số VNIndex đạt trên 1.000 điểm, thì mã FPT cũng lập đỉnh ở mức 665.000 đồng/CP (ngày 27/2/2007).
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, những người sở hữu cổ phiếu FPT khi đó đã nhân được tài sản của mình lên gấp 30 lần, một mức sinh lời đáng mơ ước. Tại thời điểm đó, ông Bình trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Các thành viên sáng lập chủ chốt khác của FPT như ông Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo, Lê Quang Tiến… cũng đều sở hữu lượng cổ phiếu trị giá vài trăm tỷ đến cả nghìn tỷ đồng.
Lỡ hẹn với mục tiêu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore và cột mốc 1 tỷ USD
Thời điểm mới lên sàn năm 2006, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình nhắm đích đến tiếp theo của FPT sẽ là sàn giao dịch chứng khoán tại Singapore vào năm 2008.
17 năm sau, ông Trương Gia Bình vẫn là Chủ tịch FPT và giấc mơ năm nào vẫn chưa trở thành hiện thực. Tuy nhiên, FPT đã có một bước ngoặt lớn trong năm nay, đó là dấu mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài được công bố vào những ngày cuối năm 2023. Sự kiện này giúp FPT chính thức bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới - sân chơi của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD trên toàn cầu.
Con số 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài đã đóng góp tới một nửa tổng doanh thu năm 2023 đạt 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra tại Đại hội đồng Cổ đông.
FPT ghi nhận lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8%, EPS (Earning Per Share) đạt 4.666 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 21,3% so với năm trước.
Ba thị trường trọng yếu của FPT là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, đều tăng trưởng trên 30%. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng 54%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho CNTT lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.
FPT đặt ra mục tiêu 5 tỷ USD cho năm 2030, nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD trên toàn cầu.