Sau thương vụ bất thành với MobiFone, AVG vừa tìm được bến đỗ mới
AVG đã được chuyển nhượng sang đối tác khác. Tuy nhiên, AVG chưa chính thức công bố thông tin về thương vụ mua bán này.
Nguồn tin của ICTnews cho hay, Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã được chuyển nhượng sang đối tác mới. Tuy nhiên, thương vụ mua bán này vẫn “trong vòng bí mật”, khi công ty chưa đưa ra thông tin chính thức.
Nguồn tin này còn tiết lộ, một ngân hàng lớn của Việt Nam và một công ty công nghệ đã tham gia vào thương vụ, với mục tiêu để hoàn thiện hệ sinh thái số của ngân hàng trên và cung cấp cho khách hàng loạt dịch vụ số tiện ích.
Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 11/11/2011 với thương hiệu Truyền hình An Viên. Đến tháng 1/2016, MobiFone mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã đổi tên dịch vụ Truyền hình An Viên thành Truyền hình MobiTV.
MobiFone đã chi 8.890 tỷ đồng để mua lại 344,66 triệu cổ phiếu, tương đương 95% cổ phần của AVG với mức giá mua đạt xấp xỉ 25.800 đồng/cổ phần.
Sau đó, AVG tỏ ra dè dặt khi đưa thông tin lên truyền thông sau thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG bất thành.
Sau khi nhận trở lại dịch vụ Truyền hình MobiTV, AVG đang có khoảng gần 1 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó, AVG cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng các kênh truyền hình địa phương và một số kênh xã hội hóa trên hai hệ thống truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh.
Hồi tháng 12/2020, AVG đã công bố chiến lược mới với tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình và nội dung đa nền tảng. Thời điểm gia nhập thị trường truyền hình cách đây 10 năm, AVG là đơn vị tư nhân duy nhất sở hữu nền tảng hạ tầng kép công nghệ truyền hình vệ tinh và số mặt đất đơn tần phủ sóng toàn quốc, được đánh giá là “những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới về truyền dẫn và phát sóng truyền hình kỹ thuật số”.
Dựa trên tiền đề đó, bước vào giai đoạn mới, công ty tiếp tục đầu tư về công nghệ, nội dung lẫn hệ thống phân tích dữ liệu thông minh nhằm tạo nên hệ sinh thái "vòng tròn lan tỏa" sản phẩm dịch vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm dựa trên 3 trụ cột hạ tầng truyền dẫn đa dạng gồm: Truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình kỹ thuật số vệ tinh, truyền hình Internet và các nền tảng số giúp sản phẩm, dịch vụ của AVG vượt lên mọi khoảng cách, mang tới chọn lựa không giới hạn và tiện ích tối ưu cho khách hàng.
Đại diện AVG cho biết, cùng với hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, AVG còn kết hợp triển khai đa kênh (Multichannel) và đa kênh liên kết (Omnichannel) nhằm phát triển “đa điểm chạm người dùng” một cách thuận lợi, nhanh chóng”. Đây cũng chính là điểm cốt lõi trong chiến lược phát triển của AVG xây dựng sản phẩm và dịch vụ đa nền tảng để kiến tạo nên những giá trị thực đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường.
AVG đã đưa ra gói kênh cao cấp nhất lên tới hơn 150 kênh với 34 kênh HD chất lượng cao được nhiều người yêu thích như: HBO, FOX Movies, AXN, National Geographic, FOX Sports HD, WarnerTV, HTV2, THVL1, Thuần Việt…. Điểm nổi bật của các gói kênh mới là khách hàng được thêm các kênh đang “hot” trên thị trường, đồng thời danh sách kênh cũng sẽ được sắp xếp theo các nhóm nội dung giúp khán giả tiện theo dõi và thưởng thức.
Hiện thị trường truyền hình được xem là cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty của Việt Nam với nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài như Netflix, Facebook, Google… Tuy nhiên, những dịch vụ truyền hình xuyên biên giới và mạng xã hội xuyên biên giới đang chiếm miếng doanh thu rất lớn của các đơn vị truyền hình. Mạng xã hội và các phương thức truyền thông đa phương tiện, các thiết bị thông minh, xu hướng số hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ khiến các đơn vị truyền hình gặp nhiều thách thức trong việc duy trì lượng khán thính giả và phát triển các nền tảng số.