Sau phiên giảm sâu 39 điểm, chứng khoán Việt Nam có đang quá nóng?
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giảm mạnh gần 39 điểm, xóa hết thành quả đạt được trong tháng 11. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dư địa tăng trưởng của VN-Index vẫn còn rất lớn.
Công ty chứng khoán VnDirect mới đay đã tổ chức tọa đàm "Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho 2022". Tại buổi toạ đàm, trung tâm phân tích của VnDirect đã đưa ra dự báo VN-Index sẽ đạt 1.700-1.750 điểm trong năm tới, tăng khoảng 20% so với thời điểm hiện tại.
Số điểm này được đưa ra trên cơ sở P/E đạt 16-16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 21%. Các ngành đáng chú ý gồm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, điện khí.
Thời điểm hiện tại và đặc biệt là sau khi thị trường vừa giảm tới 39 điểm trong phiên 3/12, nhà đầu tư đã đặt câu hỏi cho các khách mời: Liệu có nên lo ngại tình trạng bong bóng trên thị trường chứng khoán khi thời gian qua thị trường tăng trưởng quá nóng?
Ông Cao Minh Hoàng
Ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA cho biết: "Đầu tiên phải đặt câu hỏi nóng là tốt hay không tốt? Quan điểm của tôi, nóng là tốt, bởi nhà đầu tư sẽ luôn tìm đến những kênh đầu tư nóng. Nếu không phải chứng khoán nóng, thì sẽ là bất động sản nóng. Mọi người luôn có xu hướng đi tìm những cái hấp dẫn, những câu chuyện mới. Hiện tại, những doanh nghiệp nắm bắt được đà tăng trưởng của nền kinh tế đều hội tụ hết trên thị trường chứng khoán.
Chính vì vậy, trong báo cáo phân tích của VnDirect, VN-Index được dự báo tăng trưởng hơn 20% trong năm sau, trên cơ sở dự báo lợi nhuận tăng 21%. Điều đó có nghĩa, trên sàn đang hội tụ các doanh nghiệp "nóng" về mặt tăng trưởng, bởi nguồn lực của nền kinh tế được sử dụng không đồng đều và các doanh nghiệp sử dụng được hiệu quả tốt hơn thì ở trên thị trường chứng khoán và chính vì vậy thị trường chứng khoán có sức tăng trưởng khác biệt so với GDP trung bình của toàn Việt Nam.
Tuy nhiên, mức độ nóng của thị trường chứng khoán là "chấp nhận được". Nhìn lại dòng ngân hàng, quá trình nóng diễn ra từ tháng 1 cho tới tháng 6 năm 2021 nhưng từ tháng 7 đến hiện tại không hề nóng. Các cổ phiếu ngân hàng như LienVietPostBank, MBBank giảm hơn 20%.
Tức là, chúng ta nhìn thị trường chứng khoán có vẻ nóng ở tăng trưởng lợi nhuận, nhưng về giá cổ phiếu không phải tất cả các nhóm ngành đều nóng. Nhìn chi tiết từng nhóm ngành, thời điểm hiện tại nhóm cổ phiếu bất động sản đang rất nóng. Trong tháng 11 vừa qua, mặt bằng định giá cổ phiếu bất động sản ở mức rất hợp lý, nhà đầu tư nếu bỏ tiền vào cổ phiếu bất động sản thì sinh lời khá ổn định trong tháng 11.
Như vậy, tôi cho rằng cái "nóng" của thị trường chứng khoán chia theo từng nhóm ngành và được duy trì trên nền tảng lãi suất tăng hơi nhẹ một chút, kết hợp với đà tăng trưởng hai con số thì sức nóng này sẽ tiếp tục duy trì đến quý 1 và quý 2/2022."
Bà Trần Khánh Hiền
Trong khi đó, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích của VNDirect cho rằng thị trường vẫn chưa nóng và còn nhiều dư địa tăng trưởng: "Để nói thị trường chứng khoán Việt Nam có nóng hay không, chúng ta phải nhìn vào các thị trường đã đi trước, bởi dù đã phát triển được 20 năm nhưng có thể coi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn non trẻ. Do đó, nhà đầu tư trải qua rất nhiều cung bậc thăng trầm, hầu như chưa quen với việc thị trường chứng khoán có thể tăng rất ổn định trong nhiều năm.
Nếu nhìn vào thị trường Mỹ chẳng hạn, dù nền kinh tế Mỹ có lúc trồi sụt nhưng nếu nhìn vào giai đoạn dài thì Dow Jones hay S&P 500 đều có mức tăng ổn định hàng năm.
Tôi tin rằng khi thị trường của chúng ta đến một mức độ trưởng thành, các lớp nhà đầu tư tích lũy được kinh nghiệm đáng kể thì thị trường chứng khoán của chúng ta cũng sẽ tăng trưởng ổn định như thế.
Giải thích cho việc tại sao thị trường chứng khoán của chúng ta tăng thời gian gần đây, thì chúng ta không khác biệt gì so với thế giới. Thời gian qua, thị trường thế giới cũng tăng giống hệt như thế, các thị trường phát triển và các thị trường Asean cũng đều tăng mạnh, khi các nhà đầu tư cá nhân chưa biết làm gì với nguồn vốn nhàn rỗi của mình thì họ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Như vậy, khi chúng ta giải thích được cho hiện tượng này thì chúng ta thấy rằng hiện tượng này cũng không phải là nóng.
Dựa trên số liệu so sánh định giá giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với các nước trong khu vực, có thể thấy định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở một mức hợp lý, và chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng hơn nữa. Do đó, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa nóng và vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng."