Sau năm 2030, tỉnh hơn 500 năm tuổi sẽ hình thành sân bay đầu tiên?
Theo Quy hoạch, địa phương nàyphấn đấu tạo bước đột phá về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của Vùng, cả nước và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch...
Được thành lập năm 1499, Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, có vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước. Cao Bằng giáp các tỉnh miền núi phía Bắc là Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Lạng Sơn; ở phía Đông giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài hơn 300km.
Với vị trí địa lý trên, tỉnh Cao Bằng cách xa các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội (khoảng 280km). Tuy nhiên, lợi thế của tỉnh nằm ở nằm ở tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua phát triển kinh tế cửa khẩu cùng với phát triển du lịch nhờ tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn hạn chế, khi Cao Bằng là tỉnh miền núi chỉ có duy nhất giao thông đường bộ. Các loại hình giao thông khác chưa phát triển do điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc chưa được đầu tư. Việc đầu tư xây dựng sân bay Cao Bằng là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.
Hiện, một trong những dự án giao thông nổi bật mà tỉnh đang triển khai là đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Dự án giúp kết nối tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc qua thành phố Bách Sắc (Quảng Tây) đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Cao Bằng của Việt Nam; kết nối với các nước ASEAN theo đường Hồ Chí Minh và nối trục Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo Quy hoạch hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời kỳ 2021-2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không quốc nội.
Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.
Trong đó, cảng hàng không Cao Bằng thuộc cấp 4C, có công suất thiết kế dự kiến 2050 là 2 triệu hành khách/năm, diện tích đất dự kiến là 350ha. Ước tính chi phí đầu tư cảng hàng không theo quy hoạch là 5.688 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2026-2030, sẽ hoàn thành công tác nghiên cứu, lập quy hoạch Cảng hàng không Cao Bằng.
Ngày 24/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phú Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản có bước phát triển mới.
Từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của Vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hoá, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN.
Tỉnh phấn đấu tạo bước đột phá về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của Vùng, cả nước và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch..., tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của Cao Bằng với các tỉnh trong Vùng và cả nước.
Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh Cao Bằng có nhiều điểm đặc biệt, trong đó, đề cập đến phương án hình thành cảng hàng không Cao Bằng sau năm 2030. Trường hợp huy động được nguồn lực, tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho đầu tư trước năm 2030.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng chỉ ra phương án phát triển mạng lưới giao thông: Giao thông đường bộ gồm: 2 đường bộ cao tốc, 7
tuyến quốc lộ, 45 tuyến đường tỉnh và các tuyến đường tuần tra biên giới; xây dựng cảng cạn tại huyện Trùng Khánh với quy mô 50.000 Teu/năm; đường thủy nội địa trên sông Bằng từ khu vực cửa khẩu Tà Lùng đến thành phố Cao Bằng đạt quy mô cấp V...