Sau một thời gian dài liên tục "đồng pha", VPBank vừa hụt hơi trong cuộc đua lợi nhuận với Techcombank
Trong khi lợi nhuận Techcombank đạt gần 4.000 tỷ đồng trong quý 3/2020 thì lợi nhuận VPBank vừa giảm mạnh, xuống thấp nhất hơn 1 năm qua. Khoảng cách lợi nhuận giữa 2 ngân hàng là hơn 1.100 tỷ đồng, dù quy mô tài sản tương đương nhau.
Trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay, Techcombank và VPBank là 2 ngân hàng liên tục có sự so kè trong nhiều năm qua. Đây là 2 ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhau và cũng liên tục công bố lợi nhuận cùng tăng, cùng giảm và không hơn kém nhau quá nhiều.
Về tài sản, từ mức 250.000 tỷ đồng năm 2017, cả 2 ngân hàng đều đã nâng quy mô lên trên 300.000 tỷ đồng trong năm 2018, vượt 350.000 tỷ đồng trong năm 2019. Và đến quý 3/2020 vừa qua, tài sản của cả Techcombank và VPBank đều cùng vượt mốc 400.000 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, trong phần lớn thời gian, Techcombank có lợi nhuận lớn hơn VPBank. Điểm thú vị của 2 ngân hàng này là lợi nhuận liên tục "đồng pha" trong suốt 2 năm qua. Nếu như Techcombank công bố lợi nhuận tăng lên, thì VPBank cũng có lợi nhuận tăng và ngược lại, khi Techcombank công bố lợi nhuận giảm, thì mức lãi của VPBank cũng đi xuống.
Giai đoạn 2016-2017, lợi nhuận VPBank cao hơn Techcombank, nhưng đến năm 2018-2019, Techcombank lại vượt lên. Đến quý 1/2020 vừa qua, khoảng cách lợi nhuận giữa 2 ngân hàng chỉ còn là 200 tỷ đồng và sang quý 2/2020, VPBank đã vượt qua Techcombank với mức lãi 3.673 tỷ đồng, chỉ cao hơn đối thủ khoảng 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang quý 3/2020, tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Trong khi lợi nhuận Techcombank tiếp tục đi lên, đạt mức gần 4.000 tỷ đồng, cao thứ 2 trong lịch sử thì lợi nhuận VPBank lại giảm mạnh, xuống sát 2.813 tỷ đồng, thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Khoảng cách lợi nhuận giữa 2 ngân hàng trong quý vừa qua là hơn 1.100 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về tài sản và lợi nhuận, nhưng nợ xấu của Techcombank và VPBank lại chênh lệch rất lớn. Tại thời điểm 30/9, nợ xấu hợp nhất của Techcombank là 1.384 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,6% tổng cho vay khách hàng. Trong khi đó, nợ xấu VPBank đã tăng vọt lên 10.147 tỷ đồng, chiếm tới 3,65% tổng cho vay khách hàng.
Với việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, VPBank cũng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn so với Techcombank. Sau 9 tháng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VPBank là hơn 10.300 tỷ đồng, còn Techcombank chỉ là hơn 2.200 tỷ đồng.