Sau khi tốt nghiệp Harvard, cô gái trẻ làm gia sư ở khu nhà giàu: Cách NUÔI DẠY con của họ thật khắc nghiệt!

17/03/2024 15:23 PM | Sống

Về áp lực của con cái, những bậc cha mẹ có tiềm năng kinh tế thường cho rằng: "Nếu cha mẹ có thể vượt qua được thì con cũng nhất định phải làm được".

Bryce Grossberg tốt nghiệp cử nhân Harvard, đã vô tình hiểu được sự thật về cách nuôi dạy con cái của những người giàu. Cô nhận thấy cuộc sống của những đứa trẻ được sinh ra đã ngậm thìa vàng này kém thoải mái hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. 

Upper East Side là một trong những khu vực giàu có nhất ở New York (Mỹ). Con cái của top 1% người giàu nhất New York đang theo học tại các trường tư thục ở Upper East Side, nơi có những giáo viên có trình độ học vấn cao tốt nghiệp các trường Đại học hàng đầu thế giới. 

Cuộc sống và việc học tập của những gia đình giàu có hàng đầu thực sự như thế nào? Bryce Grossberg đã tiếp xúc với hàng trăm đứa trẻ của các gia đình giàu có ở Brooklyn và Manhattan, giúp cô có sự đánh giá nhất định về tầng lớp thượng lưu. 

Cô chia sẻ: "Các bậc cha mẹ trên thế giới đều có một điểm chung, đó là mong muốn con mình có tương lai tốt đẹp hơn nhưng lại không biết phải làm gì". Cô nhận thấy rằng sự giàu có không khiến cha mẹ của những đứa trẻ này cảm thấy thoải mái, mà thay vào đó là nỗi lo âu. 

Đồng thời, cô cũng bị sốc khi phát hiện ra rằng ở phía bên kia hành trình đến trường Ivy League của những đứa trẻ ưu tú này và theo bước cha mẹ hướng tới vinh quang và thành công, các em có một thế giới tinh thần không được tốt. 

Đại lộ thứ 5 bận rộn và lo lắng

Đại lộ số 5 là trung tâm của Manhattan, một khu dân cư cao cấp. Sự giàu có của gia đình những học sinh này đủ để xếp vào top 1% hàng đầu ở New York. Cha mẹ của các em có thể là Giám đốc tài chính hoặc Giám đốc ngân hàng ở Phố Wall, có thể xuất thân từ những gia đình giàu có lâu đời hoặc có thể là những người nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí thời trang.

Họ sở hữu một biệt thự ở Hamptons trên Long Island, New York, đi du lịch vòng quanh thế giới và không gặp vấn đề gì khi cho con theo học tại những ngôi trường đắt đỏ, có học phí hàng năm lên tới 50.000 USD. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền để thuê gia sư cho con. Theo quan điểm của họ, nếu con làm bài thi không tốt có nghĩa là chưa đáp ứng tiêu chuẩn. 

Sau khi tốt nghiệp Harvard, cô gái trẻ làm gia sư ở khu nhà giàu: Cách NUÔI DẠY con của họ thật khắc nghiệt!
 - Ảnh 1.

Những bậc cha mẹ này có đủ nguồn lực và sự quan tâm để tham gia vào quá trình học tập của con mình. Họ giúp con chọn khóa học mỗi học kỳ, tổ chức các cuộc họp với cố vấn học tập, giáo viên và gia sư của con để thảo luận về kế hoạch đào tạo. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ còn thuê chuyên gia đánh giá, phân tích chuyên nghiệp về tình hình học tập của con. 

Các gia đình giàu có thường mua dịch vụ dạy kèm để giải quyết các vấn đề về thành tích học tập của con cái. Nếu chưa đạt yêu cầu thì chỉ cần đổi gia sư. Để tìm được gia sư phù hợp cho con, họ sẽ tiến hành phỏng vấn trực tiếp, sau đó dựa vào mối quan hệ giữa trẻ và gia sư. Chi phí học tập với gia sư khoảng 300 - 800 USD/giờ. 

Dạy kèm chỉ là một điểm dừng trong lịch trình không bao giờ kết thúc của những đứa trẻ giàu có. Lấy Lily, học sinh được Bryce dạy kèm làm ví dụ, cha mẹ cô bé đã thuê gia sư cho hầu hết mọi môn học. Mẹ Lily là nhân viên ngân hàng đã lên kế hoạch cẩn thận hàng ngày để đảm bảo rằng thời gian dạy kèm từng môn của con gái bà được xen kẽ. 

Lily từng gặp rối loạn tâm lý, cô bé nói với Bryce: "Cháu chỉ muốn trở thành nhà thiết kế thời trang nhưng không có thời gian tham gia thêm bất kỳ khóa học nào về thời trang". Trong những gia đình giàu có, có rất nhiều đứa trẻ như Lily không có quyền tự do lựa chọn hoặc thậm chí không có thời gian để giải trí.

Một cuộc sống không có hơi thở... 

1% những người giàu nhất dường như có một tương lai an toàn. Nhưng sau khi làm quen với họ, Bryce phát hiện ra rằng cuộc sống của họ tràn ngập nhiều lo lắng và cạnh tranh hơn.

Họ lo lắng hơn những gia đình bình thường về việc liệu con cái họ có có một tương lai đầy hứa hẹn hay không, và họ càng mong muốn uốn nắn con thành những người mà họ mong muốn. Vì vậy, nhiều học sinh mà Bryce tiếp xúc đều giống như sống trong nồi áp suất.

Áp lực này trước hết đến từ các trường tư thục hàng đầu. Khó khăn trong khóa học của các trường tư thục hàng đầu ở Manhattan là điều không thể tưởng tượng được ở nhiều trường công lập. Đồng thời, học sinh cũng tham gia vào một số lượng lớn các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, nhiều học sinh còn luyện tập các môn thể thao chuyên biệt để vào được các trường đại học hàng đầu. Bởi vì các trường Ivy League thường chấp nhận những học sinh đạt điểm cao nhất từ các trường tư thục ưu tú vào đội tuyển của trường.

Sau khi tốt nghiệp Harvard, cô gái trẻ làm gia sư ở khu nhà giàu: Cách NUÔI DẠY con của họ thật khắc nghiệt!
 - Ảnh 2.

Trevor, học sinh của Bryce, một cậu bé có gia đình làm nghề ngân hàng và bất động sản, là thành viên của đội bóng đá có tính cạnh tranh cao ở một trường tư thục. Cậu bé phải tập luyện đến 10 giờ mỗi đêm. Nếu thi đấu kém trên sân và làm cha mình xấu hổ, cậu sẽ bị chỉ trích nặng nề. Giấc ngủ ngon với cậu là điều xa xỉ, nhiều lúc cậu bé cảm thấy kiệt sức, chỉ biết bật khóc.

Dù vậy, cha mẹ vẫn không sẵn lòng để con mình từ bỏ bất kỳ hoạt động nào, như thể con cái sẽ rơi vào vực thẳm hủy diệt vĩnh viễn một khi lười biếng. Thời gian sau giờ học của họ đã đầy và họ không có lấy một phút để thở.

Trong số các học sinh của Bryce, Alex - một cậu bé 16 tuổi, có bố mẹ đều tốt nghiệp Đại học Pennsylvania, hy vọng rằng cậu có thể vào Harvard hoặc Yale. Để có thời gian cho việc học thể dục, bài tập về nhà của Alex đều do gia sư làm, mọi mặt trong cuộc sống của cậu đều được sắp xếp một cách có trật tự, phòng được dọn dẹp sạch sẽ, quần áo sạch sẽ được đặt trong tủ. Alex đã tìm đến ma túy, bị mắc chứng trầm cảm.

Dù vậy, đối với những gia đình giàu có, dường như đây không phải là vấn đề lớn, chỉ cần con cái họ vẫn đang trên đường đến trường Ivy League thì những chuyện khác đều không quan trọng.

Lời nguyền thế hệ khi phải theo học tại trường Ivy League

Trong cuộc chạy đua vũ trang về giáo dục toàn cầu, nguồn gốc lo lắng của những đứa trẻ nhà giàu thường có vẻ trực tiếp hơn – đó là chúng phải theo học tại một trường Ivy League hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ bỏ qua rằng có một yếu tố quan trọng khác trên con đường dẫn đến thành công, đó là sức khỏe tâm thần.

Bryce đã dạy kèm cho những học sinh bỏ học vì sức khỏe tâm thần kém; những người khác bị trầm cảm nặng và rối loạn lưỡng cực ở trường đại học.

Ngoài ra, những đứa trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu vốn đắm mình trong bầu không khí cạnh tranh từ nhỏ thường thừa hưởng tâm lý "kẻ mạnh nhất sinh tồn": "Chỉ có một số trường top đầu và công việc tốt. Hoặc là bạn thua hoặc tôi thua".

Chính tâm lý "chỉ có thắng, không thua" đã khiến một số gia đình giàu có liều mạng thuê người đi thi cho con, hối lộ huấn luyện viên thể thao đại học, làm sai lệch kết quả của con cái, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Có vẻ như trong khi sự giàu có mang lại nguồn tài nguyên vô tận cho con cái những người giàu thì nó cũng làm tăng thêm những rủi ro trong quá trình trưởng thành của trẻ.

Sau khi tốt nghiệp Harvard, cô gái trẻ làm gia sư ở khu nhà giàu: Cách NUÔI DẠY con của họ thật khắc nghiệt!
 - Ảnh 3.

Một nghiên cứu tiếp theo của Suniya Luthar - Giáo sư danh dự tại Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc Đại học Columbia, phát hiện trẻ em từ các gia đình giàu có có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn lạm dụng chất kích thích hơn trẻ em từ các gia đình bình thường. Đằng sau điều này là áp lực phải đạt được và sự thiếu vắng đồng hành hàng ngày giữa cha mẹ và con cái.

Trẻ con nhà giàu bị trầm cảm gấp đôi trẻ con nhà bình thường, trẻ giống như những bông hoa trong nhà kính, được cha mẹ và những người khác hỗ trợ nâng lên và gửi đến tận đại học, nhưng khó mà đoán trước được trẻ sẽ như thế nào về sau. 

Ngoài ra, Bryce cũng phát hiện ra rằng nhiều đứa trẻ nhà giàu tốt nghiệp từ các trường danh tiếng không thể tự hoạch định quỹ đạo cuộc sống của mình vì không được tự do lựa chọn nghề nghiệp và con đường mà mình mong muốn.

Kỳ vọng của các gia đình giàu có đối với con cái vẫn bị giới hạn trong các ngành công nghiệp hẹp. Chẳng hạn, con trai sẽ được cha mẹ dẫn dắt vào ngành tài chính, luật, bất động sản, công nghệ; con gái chủ yếu làm các ngành nghề như giáo dục, nghệ thuật, thiết kế, hoặc được khuyến khích vào ngành ngân hàng, luật và y học.

Khi Bryce tra cứu hồ sơ sinh viên trên LinkedIn, cô nhận thấy hầu hết sinh viên cô dạy đều sẽ nối nghiệp cha mẹ sau khi tốt nghiệp. Rất ít người đi chệch khỏi con đường truyền thống. 

Về áp lực của con cái, những bậc cha mẹ có tiềm năng kinh tế thường cho rằng: "Nếu cha mẹ có thể vượt qua được thì con cũng nhất định phải làm được". Đây có thể cũng là tâm lý của nhiều bậc cha mẹ - trên con đường đi đến thành công và giàu có, không có chuyện muốn làm gì thì làm, chỉ có sự kiên nhẫn và đau khổ là khác với người thường.

 

Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM