Sau khi bán con, FPT sẽ lại càng thêm "đau đầu" với lượng tiền mặt có thể lên đến cả chục nghìn tỷ đồng
Với gần 8.000 tỷ tiền, các khoản tương tiền và tiền gửi có kỳ hạn, chưa kể chuẩn bị nhận thêm hơn 2.000 tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phần tại FPT Retail và FPT Trading, FPT sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp giữ nhiều tiền mặt nhất hiện nay.
Một ngày trước sinh nhật lần thứ 29, FPT đã hoàn tất thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Synnex để bán 47% cổ phần tại FPT Trading. Tổng giá trị thương vụ theo thỏa thuận bao gồm tiền mặt nhận từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, FPT cũng đạt được thỏa thuận chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu - tương đương 30% vốn tại FPT Retail - đơn vị chủ quản của hệ thống FPT Shop, cho các quỹ có liên quan với Dragon Capital và VinaCapital. Dự kiến trong cuối năm, FPT sẽ tiếp tục bán tiếp 10% tại FPT Retail để đưa tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức kiểm soát. Theo ước tính của một số công ty chứng khoán, với mức định giá P/E khoảng 10 lần, giá trị của thương vụ này bán cho 2 quỹ đầu tư có thể đạt gần 800 tỷ và tổng thương vụ khoảng 1.100 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng 2 thương vụ mới thực hiện, số tiền FPT thu về sẽ không dưới 2.000 tỷ đồng. Tất nhiên khi thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail thì lượng tiền mặt mà 2 doanh nghiệp này nắm giữ cũng sẽ bị loại trừ khỏi báo cáo hợp nhất của FPT.
Việc thoái vốn khỏi lĩnh vực "bán buôn-bán lẻ" với mục đích đưa FPT trở thành một công ty công nghệ thực sự có nguồn thu chủ đạo từ viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin. Một hệ quả từ động thái thoái vốn này là lượng tiền mặt của FPT vốn đã khá lớn cũng sẽ nhiều thêm.
Liên tục từ năm 2011 đến nay, trong khi tổng tài sản của FPT tăng gần gấp đôi từ 15.000 tỷ lên hơn 28.000 tỷ đồng thì số dư tiền mặt, các khoản tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn tăng hơn 3 lần. Tính đến thời điểm cuối quý II, FPT đang giữ gần 8.000 tỷ tại những khoản mục này.
Tuy vậy, các công ty con của FPT cũng đang vay nợ ngắn và dài hạn gần 9.000 tỷ tại thời điểm cuối quý 2. Tuỳ thuộc vào đặc thù kinh doanh, khả năng tạo lợi nhuận cũng như tỷ lệ sở hữu của FPT mà các công ty con của FPT có "chiến lược" nắm giữ tiền mặt/vay nợ khác nhau.
Khác với những lĩnh vực kinh doanh khác khi giữ nhiều tiền mặt để “chờ thời”, FPT là một doanh nghiệp công nghệ đứng đầu hiện nay – một lĩnh vực hoạt động liên tục biến đổi với sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới.
Trong bối cảnh nhiều startup công nghệ chật vật tìm vốn đầu tư, thì “anh cả” trong ngành đang cầm một lượng tiền mặt có thể lên cả chục nghìn tỷ đồng nhưng ban lãnh đạo của doanh nghiệp 30 tuổi này vẫn chưa có thấy một định hướng đầu tư rõ ràng.
Trường hợp của FPT cũng không phải hiếm ở thị trường Việt Nam hiện tại. Những doanh nghiệp bỗng nhiên nhận được khoản tiền kếch xù sau khi thoái vốn tại công ty con, nhưng loay hoay không có định hướng tái đầu tư rõ ràng và sau cùng là quyết định chia lại cho cổ đông.
Mới đây nhất CTCP truyền thông VMG đã quyết định chia cổ tức với tỷ lệ 195% (tương đương 19.500 đồng mỗi cổ phiếu), dù thị giá cổ phiếu ABC của công ty chỉ hơn 40.000 đồng. Động thái này xuất hiện khi VMG nhận về gần 800 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 62,25% vốn tại VNPT Epay cho đối tác Hàn Quốc.