Sau gần 2.000 năm, hậu thế vẫn không tìm thấy ngôi mộ của Gia Cát Lượng: Bí mật nằm ở đâu?

10/05/2019 21:39 PM | Sống

Nổi tiếng là một chiến lược gia, nhà phát minh kiệt xuất cùng với nhiều giai thoại hấp dẫn nhưng ngôi mộ của “bậc thầy quân sự” Gia Cát Lượng sau gần 2.000 năm vẫn còn là ẩn số.

Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, sinh năm 181 ở Dương Đô, ngày nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông là một chiến lược gia, nhà quân sự kiệt xuất, đồng thời là một nhà phát minh tài ba trong thời Tam Quốc (220-280), một thời kỳ nhiều biến động trong lịch sử Trung Hoa.

Gia Cát Lượng cũng chính là một nhân vật cực kỳ quan trọng, góp phần hình thành nên "thế chân vạc", giúp Thục Hán liên minh với Đông Ngô để chống lại Tào Ngụy.

Không chỉ có tài năng xuất chúng trong lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao, ông còn là nhà phát minh với nhiều "vũ khí" đáng sợ trên chiến trường như liên nỏ (loại nỏ có thể bắn ra được nhiều tên liên tục), bát trận đồ,...

Chưa hết, nhiều tài liệu ghi chép và dân gian lưu truyền về việc Gia Cát Lượng có tài tiên đoán, liệu việc như thần, là một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Thậm chí, người ta còn cho rằng vị thừa tướng của nhà Thục Hán còn sắp xếp rất chỉn chu cho việc hậu sự của chính mình.

Vào năm 234, Gia Cát Lượng bị bệnh nặng và đã qua đời trong doanh trại khi đang đóng quân tại Ngũ Trượng Nguyên. Khi đó, vị quân sư lỗi lạc ra đi ở tuổi 54.

Với tài năng "bậc thầy" về thiên văn, địa lý, Gia Cát Lượng dường như sớm đã có dự liệu cho nơi chôn cất của mình. Tuy nhiên, điều lạ lùng là sau gần 2.000 năm, hậu thế vẫn chưa thể tìm thấy ngôi mộ của ông.

Không đồ bồi táng, xa quê hương: Bí ẩn ngôi mộ của Gia Cát Lượng gần 2.000 năm vẫn chưa tìm ra

Kể từ đầu thời nhà Hán, các lăng mộ của những vị hoàng đế thường được chôn cất cùng với rất nhiều kho báu quý giá. Những món đồ tạo tác, vật phẩm xa hoa được cho là góp phần thể hiện địa vị cao quý của người được an táng trong lăng mộ. 

Điều này thực sự trở thành một vấn đề đáng lo ngại khi những lăng mộ này dễ dàng rơi vào tầm ngắm của bọn trộm mộ liều lĩnh.

Tuy nhiên, vị quân sư tài ba Gia Cát Lượng đã có sự chuẩn bị thấu đáo cho nơi chôn cất của mình, đồng thời còn tránh được sự dòm ngó của mộ tặc.

Theo nhiều ghi chép sử học vào thời Tam Quốc, trước khi qua đời, di nguyện của Gia Cát Lượng là được chôn cất ở núi Định Quân, nằm ở phía nam của huyện Miễn, tỉnh Thiểm Tây. 

Đây được coi là nơi có rất tốt về mặt phong thủy, yếu tố rất được người xưa coi trọng khi chọn nơi an táng. Người ta cho rằng, nhà quân sự này lựa chọn nơi yên nghỉ ở đây để vẫn có thể bảo vệ đất nước sau khi qua đời, cũng như tránh được việc bị kẻ thù quấy phá.

 Sau gần 2.000 năm, hậu thế vẫn không tìm thấy ngôi mộ của Gia Cát Lượng: Bí mật nằm ở đâu? - Ảnh 1.
 Sau gần 2.000 năm, hậu thế vẫn không tìm thấy ngôi mộ của Gia Cát Lượng: Bí mật nằm ở đâu? - Ảnh 2.

Ngôi mộ trên ngọn núi Định Quân, nhưng việc đây có phải là mộ thật của Gia Cát Lượng hay không thì vẫn chưa được khẳng định chính xác.


Trên thực tế, địa hình của ngọn núi Định Quân vô cùng phức tạp và rộng lớn nên nhiều nghi vấn về việc không rõ các thuộc hạ đã chôn cất ông ở đâu. Thế nhưng, Gia Cát Lượng cũng có sự tính toán kỹ lưỡng cho việc này khi dặn dò những thuộc hạ thân tín rằng, sau khi qua đời thì đem xác ông bỏ vào quan tài, buộc dây thừng vào những đòn khiên rồi di chuyển về phía nam.

Điều đặc biệt là hễ dây thừng đứt ở đâu thì chôn chiếc quan tài ở đó. Ngoài ra, Gia Cát Lượng còn nhấn mạnh rằng mộ phần của ông chỉ được mai táng một cách đơn giản, không được chôn theo bất cứ vật tùy táng xa hoa nào, cũng như không trồng cây hay xây mộ lớn.

Ngôi mộ của một nhân vật nổi tiếng nhưng lại không hề có báu vật xa xỉ tùy táng nên dĩ nhiên không phải là đối tượng mà những kẻ trộm mộ nhắm tới.

Mặt khác, cũng giống như Tào Tháo với bí ẩn về 72 ngôi mộ giả, người đời sau này cũng đã xây dựng rất nhiều ngôi mộ giả cho ông để nhằm chống lại những kẻ trộm mộ.

 Sau gần 2.000 năm, hậu thế vẫn không tìm thấy ngôi mộ của Gia Cát Lượng: Bí mật nằm ở đâu? - Ảnh 3.

Ngôi đền thờ Gia Cát Lượng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, thu hút rất đông du khách tới tham quan.


Chính vì vậy, cho tới tận bây giờ, không ai biết ngôi mộ thật sự của Gia Cát Lượng nằm ở đâu, dù có ngôi mộ lớn nằm ở núi Định Quân.

Được biết, khu lăng mộ ở ngọn núi này có diện tích rất lớn, trong đó có cả ngôi đền thờ và tượng của Khổng Minh.

Tuy nhiên, cũng có giai thoại cho rằng, do quá mệt mỏi nên bốn người lính phụ trách khiêng quan tài của Gia Cát Lượng đã chôn bừa ở một chỗ. Sự việc bị phát giác và những người này đều bị Lưu Thiện ra lệnh giết chết. Kể từ đó, vị trí thực sự của ngôi mộ Gia Cát Lượng cũng không rõ ở đâu.

Theo các nhà khảo cổ học suy đoán rằng ngôi mộ của Gia Cát Lượng được bảo tồn trong gần 2000 năm có thể một phần là do nhiều người đời sau đều tôn kính, ngưỡng mộ tài năng và phẩm chất của ông. Vị thừa tướng tài ba cả đời cống hiến hết mình cho nhà Thục Hán nên người dân ở đây chắc chắn sẽ không thể xâm phạm tới mộ phần của ông.

Thậm chí, Gia Cát Lượng còn được lập miếu thờ và nơi này thu hút rất đông người tới tham quan và để tỏ lòng tưởng nhớ tới một nhân vật cực kỳ lỗi lạc trong lịch sử Trung Hoa.

Cho tới nay, cũng như nhiều nhân vật lừng lẫy thời Tam Quốc như Tào Tháo, Lưu Bị,.... ngôi mộ của Gia Cát Lượng vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải mã. Tuy nhiên, cuộc đời cùng tài năng xuất chúng và nhân cách của ông vẫn luôn được nhiều triều đại sau đó và ngay cả những thế hệ ngày nay hết lòng tôn kính.

Tham khảo ảnh/nguồn: KKnews, Baidu

Theo Nguyễn Hằng

Cùng chuyên mục
XEM