Sau cái ‘búng tay’ thắt chặt định lượng của các NHTW, tiền trên thị trường 'bốc hơi' đi đâu?
Sau hai năm nới lỏng định lượng, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã bắt đầu thu nhỏ quy mô bảng cân đối kế toán. Chỉ trong vài tháng, một lượng lớn thanh khoản đã bốc hơi khỏi thị trường, từ đó bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng của hệ thống tài chính. Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đang trở nên khó khăn và rủi ro hơn bao giờ hết.
Thấy gì sau khi BOE ‘giải cứu’ thị trường công trái Anh?
Một nền kinh tế phát triển mà lại xuất hiện trục trặc trên thị trường công trái là cảnh báo sớm cho những bất ổn tài chính tiềm tàng.
Ở Anh, ngân sách ngắn hạn mà chính phủ nước này mới đề xuất đã gây hoang mang về nợ công bất ổn và dẫn đến lãi suất trái phiếu chính phủ tăng đáng kể trong dài hạn. Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường công trái trong hệ thống tài chính, Ngân hàng Anh Quốc (BOE) đã có những can thiệp hợp lý.
BOE đã ngưng kế hoạch giảm lượng trái phiếu để thu nhỏ bảng cân đối kế toán, không những vậy còn tuyên bố thu mua trong vòng hai tuần lượng trái phiếu tương đương doanh số dự kiến trong toàn bộ mười hai tháng tiếp theo.
Phản ứng nhanh nhạy này của BOE đã giúp thị trường bình tĩnh hơn, lãi suất công trái ở Anh đã ổn định lại. Nhưng thanh khoản trên thị trường trái phiếu – đánh giá bằng chênh lệch giá mua bán – rốt cuộc lại không hề cải thiện.
Bên kia Đại Tây Dương, thị trường trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ cũng đang gây lo ngại về thanh khoản. Nhiều chỉ số đang đỏ ngầu không khác gì thời đại dịch COVID-19 năm 2020 hay sau sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008.
Sau hai năm nới lỏng định lượng – tức các NHTW thu mua trái phiếu dài hạn từ khu vực tư nhân để bơm tiền vào thị trường – NHTW khắp thế giới đang bắt đầu thu nhỏ quy mô bảng cân đối kế toán, thanh khoản dường như ‘bốc hơi’ khỏi thị trường chỉ trong vài tháng. Vì sao việc thắt chặt định lượng lại dẫn đến kết quả này?
Nới lỏng - Khu vực tài chính lệ thuộc thanh khoản
Một bài nghiên cứu gần đây của tác giả Rahul Chauhan (ĐH Chicago) và Sascha Steffen (Trường Tài chính & Quản trị Frankfurt) cho thấy, nới lỏng định lượng gây ra hệ quả rất khó đảo ngược vì khu vực tài chính (bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính, vân vân) đã trở nên lệ thuộc vào các loại thanh khoản dễ có được. Sự lệ thuộc này thể hiện dưới nhiều hình thức.
Trong thời gian nới lỏng định lượng, NHTW bơm tiền cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Các NHTM thường cất giữ khoản dự trữ này rồi tự mua tài sản bằng tiền gửi không kỳ hạn ngắn hạn, mà các chủ tài khoản có thể ào ạt rút ra trong thời kỳ khó khăn.
Hơn nữa, các khoản dự trữ trong NHTW của một nền kinh tế vững mạnh là những tài sản an toàn nhất trên đời nhưng chúng lại sinh lời kém. Do đó, các NHTM đã tạo ra dòng thu bổ sung qua việc tung ra các hình thức bảo đảm thanh khoản dựa vào chính các khoản dự trữ này.
Ví dụ như tăng giới hạn thẻ tín dụng cho các hộ gia đình, hạn mức tín dụng dự phòng cho các chủ tài sản và tập đoàn phi tài chính, cùng hợp tác môi giới-đại lý giúp giới đầu cơ đáp ứng lệnh ký quỹ (tức đề nghị nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp).
Tình hình ở Anh cho chúng ta một bài học rằng các nhà đầu cơ không chỉ hoạt động ở các quỹ phòng hộ. Họ còn để mắt tới các quỹ hưu trí trước nay vốn ổn định và có tham gia vào cái gọi là ‘đầu tư thâm dụng nợ’.
Để bù đắp cho lợi nhuận thấp của trái phiếu chính phủ dài hạn gây ra bởi nới lỏng tín dụng, họ chấp nhận rủi ro cao hơn đối với các tài sản khác, dùng nhiều đòn bẩy hơn và phòng ngừa rủi ro lãi suất bằng công cụ phái sinh.
Việc phòng ngừa rủi ro cho những gì họ đang nắm giữ sẽ đảm bảo rằng khi lãi suất tăng, tác động gây lên tài sản lẫn nợ sẽ là ngang nhau, đồng thời tạo ra các lệnh ký quỹ khi mua bán công cụ phái sinh. Nếu thiếu tiền để đáp ứng các lệnh này, họ tìm đến ngân hàng để được hỗ trợ nhờ nguồn thanh khoản dự phòng.
Tóm lại, trong giai đoạn nới lỏng định lượng, khu vực tài chính đã khiến tiền chảy ra nhiều hơn, từ đó sử dụng hết phần lớn lượng dự trữ đã nhận. Lượng thanh khoản dự phòng từ đó sẽ nhỏ hơn lượng dự trữ và có thể tạo nên vấn đề nghiêm trọng nếu có cú sốc xảy ra.
Thắt chặt - Khu vực tài chính lại trở tay không kịp
Về phần Mỹ, việc thắt chặt định lượng khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn vì các cơ quan tài chính không kịp làm gì để giảm lượng tiền chảy ra, ngay cả khi NHTW lấy lại dự trữ. Điều này cũng khiến hệ thống tài chính dễ lung lay trước các cú sốc, một điều thể nào cũng diễn ra.
Trong lần thắt chặt định lượng trước đó ở Mỹ, một sự tăng bất ngờ dù nhỏ trong nhu cầu thanh khoản cũng đã tạo ra xáo trộn lớn trên thị trường repo kho bạc. Đây chính là chuyện đã xảy ra năm 2019 khiến FED phải quay lại bơm tiền vào thị trường.
Sự bùng nổ của đại dịch vào tháng 3 năm 2020 đã gây ra cú sốc thanh khoản. Khi đó các tập đoàn rút bớt hạn mức tín dụng từ ngân hàng. Các nhà đầu cơ thì tìm kiếm trợ giúp để đáp ứng lệnh ký quỹ. Các NHTW đổ tiền ào ạt vào hệ thống.
Tình hình phải tồi tệ hệt như đợt khủng hoảng năm 2008 thì mới cần đến sự can thiệp rộng rãi như thế này. Khủng hoảng nặng nề hơn sẽ khiến người gửi đổ xô rút tiền, khiến một số ngân hàng phải tích trữ thanh khoản dự phòng để đáp ứng các yêu cầu bất ngờ.
Nói cách khác, nới lỏng định lượng càng lâu, càng rộng thì thị trường tài chính càng quen với thanh khoản cao. Từ đó, càng mất nhiều thời gian để các NHTW bình thường hóa bảng cân đối kế toán. Nhưng các cú sốc tài chính và tài khóa trên thực tế đâu có tuân theo kế hoạch của NHTW. Mà chúng sẽ buộc NHTW phải chạy theo can thiệp như những gì đã xảy ra ở Anh.
Lời kết
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang ở thế bí. Một NHTW có thể tăng tỉ giá để giảm lạm phát. Nhưng nếu đồng thời phải cung cấp thanh khoản để ổn định thị trường công trái, lập trường chính sách của ngân hàng ấy trông sẽ khá mập mờ. Đồng thời, người ta sẽ lo ngại rằng ngân hàng này đang trở thành nguồn cung tài chính trực tiếp cho chính phủ. Điều này không chỉ khiến việc truyền đạt chính sách trở nên phức tạp mà còn kéo dài cuộc chiến chống lạm phát.
Các NHTW luôn có nhiệm vụ cung cấp thanh khoản khẩn cấp, tuy nhiên làm vậy trên quy mô lớn và lâu dài lại là một việc phức tạp. Hệ quả của nới lỏng định lượng không dễ để đảo ngược, nhất là khi thắt chặt định lượng khiến hệ thống tài chính càng thêm nhạy cảm với các cú sốc.
BOE xứng đáng được khen ngợi vì can thiệp đúng lúc nhưng các NHTW nhìn chung vẫn cần phải suy ngẫm về vai trò của mình trong việc duy trì ổn định hệ thống tài chính.
Tham khảo từ: Project-syndicate.org