Sau 6 lần nhảy việc, cô gái 34 tuổi chia sẻ kinh nghiệm thương lượng để có mức lương khủng, tăng gần 40% mỗi lần đổi công ty, hướng tới mục tiêu kiếm được triệu USD
Santos, 34 tuổi, hiện đang là chuyên viên tư vấn nghề nghiệp và tài chính cá nhân tại Mỹ. Cô đã “nhảy việc” 6 lần và có nhiều kinh nghiệm trong việc thương lượng được mức lương khủng. Dưới đây là chia sẻ của cô.
Tôi bắt đầu làm công việc toàn thời gian vào năm 2010, ở tuổi 22. Kể từ đó, tôi đã nhảy việc sáu lần, với mức lương tăng gần 194.000 USD (tăng trung bình 39% mỗi lần tìm cơ hội mới).
Từ mức lương 31.200 USD/năm vào năm 2010, đến năm 2020, tôi đã nhận được mức lương lên đến 225.000 USD/năm. Đó chỉ là mức lương cơ bản, chưa tính đến khoản tiền thưởng mà tôi đã thương lượng được khi ký hợp đồng, rơi vào khoảng 160.000 USD/năm trong suốt 10 năm qua. Ở tuổi 34, tôi đang trên đà đạt được giá trị tài sản ròng 1 triệu USD vào sinh nhật lần thứ 40 của mình.
Dưới đây là những lời khuyên trong công việc cũng như trong quá trình đàm phán lương được đúc kết từ chính kinh nghiệm của tôi.
1. Đừng bỏ việc chỉ vì một khoản tiền lớn hơn
Mặc dù tốc độ “nhảy việc” nhanh hơn so với bình thường đã giúp tôi nâng cao thu nhập, nhưng nếu công việc mới không thực sự giúp bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp, tôi thành thật khuyên bạn không nên rời bỏ công việc hiện tại. Một khoản tiền lương lớn cùng với cương vị mới là điều rất tuyệt vời, nhưng bạn cũng nên xem xét, hiểu rõ điều kiện và tình trạng hiện tại của bản thân.
Tôi luôn chăm chỉ tìm kiếm những cơ hội phù hợp với bản thân, những cơ hội giúp tôi nâng cao kỹ năng và tích lũy thêm kinh nghiệm. Trên thực tế, một trong những lần “nhảy việc” của tôi là theo hình thức nhận mức lương cạnh tranh hơn từ công ty khác, vì ở đó tôi sẽ có nhiều cơ hội học hỏi hơn.
2. Đừng bao giờ là người đầu tiên đưa ra mức lương
Ngay từ đầu trong quá trình thương lượng, nhà tuyển dụng có thể hỏi mức lương mà bạn mong muốn. Việc này một phần nhằm xem xét liệu ngân sách của họ có thể đáp ứng được mức lương mà bạn đưa ra hay không. Nhưng nếu bạn đưa ra một con số trước khi hiểu được đầy đủ về phạm vi công việc của vị trí tuyển dụng, bạn có thể sẽ phải “bán rẻ” sức lao động của mình.
Khi được một nhà tuyển dụng hỏi về mức lương kỳ vọng, tôi đã trả lời rằng: “Tôi muốn biết thêm về vai trò của tôi và kỳ vọng của công ty đối với vị trí này trước khi thảo luận về mức lương. Chúng ta có thể quay lại chủ đề này sau khi tôi có cơ hội được nói chuyện với đội ngũ công ty và xác định xem mình có phù hợp với vị trí này hay không?”
Nhà tuyển dụng cũng có thể hỏi mức lương hiện tại của bạn. Nếu bạn đang phỏng vấn một vị trí có trách nhiệm cao, tôi khuyên bạn không nên trả lời câu hỏi này.
Nhưng khi được hỏi như vậy, đây là cách tôi trả lời: “Tôi không muốn tiết lộ mức lương của mình vào thời điểm này, vì tôi muốn thảo luận một cách cụ thể hơn về mức lương này dựa trên những kỹ năng, những điều tôi có thể đóng góp cho đội ngũ công ty và cho lợi ích của công ty. Anh/chị có thể cho tôi biết anh/chị đã dự liệu mức lương như thế nào cho vị trí này không?”
3. Thực hành kỹ năng thương lượng khi mức lương đưa ra thấp
Việc thương lượng một mức lương cao hơn có thể là một trải nghiệm khiến chúng ta căng thẳng. Đó chính là lý do tại sao bạn nên thực hành kỹ năng này từ sớm và làm điều này một cách thường xuyên, đặc biệt là khi bạn được đề nghị một mức lương thấp.
Ví dụ: Thương lượng với chủ nhà giảm 100 USD tiền thuê nhà trước khi gia hạn hợp đồng. Nếu nhà hàng phục vụ sai món, hãy yêu cầu người phục vụ trả lại hoặc bỏ món đó ra khỏi hóa đơn. Việc tập thương lượng từ những điều nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đã giúp tôi xây dựng được sự tự tin và loại bỏ xu hướng làm hài lòng mọi người.
Bạn cũng có thể thực hành ngay tại nơi làm việc. Vài tháng sau khi làm việc không lương trong kỳ thực tập đầu tiên, tôi được yêu cầu đảm đương nhiều trách nhiệm hơn mong đợi. Tôi nhận thấy rằng lẽ ra tôi nên được trả tiền cho công việc vừa được giao thêm. Sau khi nói chuyện với sếp, ông ấy đã đồng ý trả cho tôi 100 USD/tuần.
Tuy số tiền này không nhiều, nhưng tôi biết sẽ chẳng có vấn đề gì nếu tôi hỏi một cách rõ ràng. Thêm vào đó, thành công trong cuộc đàm phán đầu tiên giúp tôi có thêm tự tin và kinh nghiệm trong những lần đàm phán sau này.
4. Lời đề nghị làm việc đầu tiên không phải lúc nào cũng là lời đề nghị cuối cùng
Khi đã đi sâu vào vòng trong của quá trình tuyển dụng và nhận được lời đề nghị làm việc, rõ ràng bạn đang nằm trong danh sách ưu tiên của nhà tuyển dụng. Và đây chính là một lợi thế đàm phán của bạn. Không có một nhà tuyển dụng nào muốn dành thêm nhiều giờ đồng hồ để xem xét hồ sơ, phỏng vấn và rà soát lại những tài liệu đối chiếu.
Khi nhận được lời đề nghị làm việc đầu tiên, bạn hãy cảm ơn nhà tuyển dụng và nói rằng bạn sẽ liên hệ lại với họ trong vòng 24 giờ tới để bạn có thời gian xem xét. Sau đó, hãy lên kế hoạch liên lạc lại để thương lượng mức lương hoặc vị trí cao hơn.
Cuối cùng, hãy lịch sự kết thúc cuộc đàm phán bằng việc nói với nhà tuyển dụng rằng bạn sẽ rất vui khi họ dành thời gian để xem xét lời đề nghị của bạn.
5. Đàm phán qua điện thoại thay vì email
Dù rất khó xử, nhưng tôi vẫn thích làm việc qua điện thoại hơn. Nếu bạn thẳng thắn, chuyên nghiệp và lịch sự, bạn sẽ giải quyết được những cuộc thương lượng khó nhằn này mà không ngại phải đấu tranh cho những điều bạn mong muốn.
Chỉ với một cuộc điện thoại, tôi đã có thể thương lượng được mức tiền thưởng cao gấp đôi so với công việc ở công ty cũ. Đây là cách tôi bắt đầu cuộc trò chuyện: “Cảm ơn lời đề nghị làm việc của công ty anh/chị! Tôi rất vui khi được anh/chị trao cho cơ hội này. Nhưng rất tiếc, tôi thấy rằng mức lương này chưa thực sự tương xứng với những giá trị tôi có thể mang lại cho công ty. Dựa trên kỹ năng và trách nhiệm của tôi ở vị trí này, tôi cảm thấy mức lương “X” USD sẽ hợp lý hơn.”
6. Đừng chỉ bận tâm vào mức lương cơ bản
Khi mới vào nghề, một nhà tuyển dụng đã tỏ ra ngần ngại khi tôi yêu cầu mức lương cao hơn. Nghe vậy, ở đầu dây bên kia, tôi vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng đã miễn cưỡng trả lời rằng họ sẽ hỏi ý kiến cấp trên xem liệu có đáp ứng được yêu cầu của tôi hay không.
Trong vòng một tuần, họ thông báo sẽ không thay đổi mức lương cơ bản nhưng sẽ tăng tiền thưởng khi ký hợp đồng để đáp ứng con số mà tôi mong muốn.
Tổng thu nhập của bạn sẽ bao gồm nhiều khoản ngoài mức lương cơ bản. Bạn có thể thương lượng thêm các yếu tố khác, chẳng hạn như tiền thưởng khi ký hợp đồng, tiền thưởng hàng năm, các quyền lợi (ví dụ: bảo hiểm sức khỏe, kế hoạch nghỉ hưu, số ngày nghỉ phép, giờ làm việc linh hoạt) hoặc thậm chí là khoản thưởng bằng vốn chủ sở hữu (ví dụ: quyền chọn cổ phiếu và đơn vị cổ phiếu hạn chế).
7. Xin ý kiến từ những người cố vấn đáng tin cậy
Đừng bao giờ xem nhẹ vai trò của những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn. Họ sẽ là người khơi dậy cho bạn sự tự tin trước khi bước vào một cuộc đàm phán.
Mỗi khi tôi nhận được một lời mời làm việc, tôi lại tìm đến ít nhất hai vị cố vấn để xin lời khuyên. Tôi hỏi họ về mức lương, những đặc quyền và lợi ích nào mà tôi nên yêu cầu nhà tuyển dụng và với mức lương này cùng khối lượng công việc trên có hợp lý hay không.
Các mối quan hệ đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Hãy tìm những người đáng tin cậy trong ngành, những người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn và luôn giữ liên lạc với họ trong suốt quá trình phỏng vấn là mẹo để tôi có thể khảo sát đúng mặt bằng lương mỗi khi “nhảy việc”.
Theo CNBC