Sau 50 tuổi, nếu đi qua đủ 3 "trạng thái cao nhất của đời người", số phận của bạn sẽ thay đổi

13/04/2022 21:20 PM | Sống

Cuộc sống là một quá trình trải nghiệm, người trải nghiệm càng nhiều thì càng tỉnh táo, khôn ngoan hơn.

Trong cuộc sống, bạn thường bối rối trước vẻ bề ngoài, mắc kẹt trong thành công hay thất bại, bị ám ảnh bởi danh vọng và tài sản, hoặc chìm đắm vào những mất mát.

Trải nghiệm những cung bậc cảm xúc, những trạng thái khác biệt sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân, phá bỏ những ảo tưởng bên ngoài, đồng thời nâng cao cảnh giới bên trong. Vì vậy, người càng trải đời thì càng đạt tới một cảnh giới tâm trí cao hơn, từ đó góp phần thay đổi số mệnh cuộc đời.

Đặc biệt, với những người bước qua ngưỡng cửa trung niên, sau 50 tuổi, nếu đi qua đủ 3 trạng thái cao nhất của đời người, họ ắt có được tầm nhìn khoáng đạt, một trí tuệ bao la và tâm thái khoan dung độ lượng. Cuộc sống sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều lần.

Vậy theo đó, 3 trạng thái cao nhất của đời người là gì?

[01] Hiểu bản thân:

Nhận ra những hạn chế và bắt đầu thay đổi

Người hiểu thấu yếu điểm của mình là khôn ngoan; người không nhận ra bản thân vô tri mới là người ngu muội.

Những người thực sự bản lĩnh sẽ không ngừng tự suy ngẫm về mình, qua đó có thể phát hiện ra những mặt hạn chế của bản thân, tìm cách thay đổi để hoàn thiện chính mình, rồi dần dần đạt tới một tầm cao mới.

Nhà thư pháp nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc là Vương Hi Chi đã có một trải nghiệm như vậy khi còn trẻ. Ông là người rất có năng khiếu về thư pháp, nhưng lại không thể tiến bộ thêm trong một thời gian dài.

Một ngày nọ, ông vô tình nhìn thấy tác phẩm của Trương Chi, một nhà thư pháp thời Đông Hán, Trung Quốc. Càng quan sát và suy ngẫm, Vương Hi Chi càng nhận ra từng nét chữ của Trương Chi đều lộ ra một bầu không khí trầm ổn, bình tĩnh.

Nhìn lại bản thân mình, ông mới nhận ra, khi tập luyện, bản thân ông luôn nóng lòng muốn được thành công nên tâm khí bồn chồn, không thể tập trung hoàn toàn.

Từ đây, Vương Hi Chi đã thay đổi suy nghĩ. Ông từng bước cải thiện cảnh giới tâm linh của mình, dồn hết tinh thần vào từng nét chữ chứ không còn vội vàng, bất an như trước. Đó cũng là lúc khả năng thư pháp của ông bắt đầu có những bước đột phá mới, cuối cùng đạt thành tựu ghi danh sử sách.

 Sau 50 tuổi, nếu đi qua đủ 3 trạng thái cao nhất của đời người, số phận của bạn sẽ thay đổi  - Ảnh 1.

Ảnh gốc: @weandthecolor

[02] Hiểu thế giới:

Thuận theo tự nhiên chính là đạo lớn

Nếu một người không biết sự rộng lớn của thiên địa, của thế giới xung quanh thì rất dễ quá mức đề cao bản thân, đi lệch khỏi quỹ đạo của tự nhiên, cuối cùng chuốc lấy rắc rối.

Tăng Quốc Phiên là danh nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc với cách đối nhân xử thế khôn ngoan, nhưng ông cũng từng có thời tự cao tự đại, đấu đá lung tung. Vì cho rằng mình giỏi, khi mới lần đầu làm quan, ông luôn nói chuyện không biết trước sau, do đó đắc tội với nhiều người.

Đến nỗi khi Tăng Quốc Phiên dẫn quân đi đánh giặc, thuộc hạ dưới trướng đều thà trung thành với người khác rồi lần lượt bỏ đi. Không có tướng tài phụ tá, ông liên tiếp bại trận, bị quở trách nặng nề.

Sau này tự suy ngẫm lại bản thân, ông nhận ra đạo lý: “Chuyện gì tới thì nên thuận theo, chuyện gì chưa tới thì không nên xao động, chuyện đã qua thì không lưu luyến, chuyện của hiện tại thì không được bỏ qua.”

Khi một lần nữa trở lại với quan trường, ông hành xử khiêm tốn, ít nói, cư xử chừng mực, biết trước biết sau, nhờ vậy mà làm nên sự nghiệp lớn.

Tập trung vào hiện tại, thuận theo tự nhiên, không vướng bận bởi phiền nhiễu, không lo lắng cho tương lai, không tiếc nuối quá khứ là cách sống tuyệt vời nhất.

Mọi chuyện trong cuộc sống không thể đoán trước được. Chỉ khi chúng ta hiểu thấu đạo lý đó, giữ vững sự bình an nội tâm thì mới có thể thu hoạch thành tựu, không bị thế giới xung quanh ảnh hưởng.

 Sau 50 tuổi, nếu đi qua đủ 3 trạng thái cao nhất của đời người, số phận của bạn sẽ thay đổi  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: @weandthecolor

[03] Hiểu nhân sinh:
Lý giải người khác, giữ chữ thiện trong lòng

Người khôn ngoan thường giỏi nhận ra ưu điểm của người khác, hiểu thấu cả những khuyết thiếu của đối phương. Họ sẽ không bỏ qua công lao của mọi người, cũng không coi nhẹ sự đóng góp của bất cứ ai. Đối xử không phân biệt và luôn đối xử bình đẳng với người khác là điều mà ai cũng hiểu, nhưng không phải ai cũng làm được.

Khi đã hiểu nhân sinh, biết cách lý giải người khác thì tâm trí sẽ trở nên khoan dung, độ lượng. Mọi người sẽ đối mặt với mọi sự trên đời bằng một tâm thái bình tĩnh, khôn ngoan hơn rất nhiều.

Có một vị thiền sư sống trên núi một mình, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, ông nhìn thấy một tên trộm đang lục lọi chỗ ở của mình nhưng không tìm được gì đáng giá. Vị thiền sư chỉ lặng lẽ đứng ngoài cửa mà không nói gì.

Đến khi tên trộm chán nản quay ra, đương lúc hốt hoảng vì bị bắt gặp tại trận thì thiền sư đã nói: “Đường xá xa xôi, vất vả như thế mà anh vẫn tới thăm tôi, tôi không nỡ để anh tay không đi về. Trời đêm khuya lạnh lẽo, anh khoác tạm chiếc áo cho ấm.”

Nói rồi, vị thiền sư cởi áo khoác ngoài trên người, choàng cho tên trộm. Đối phương xấu hổ cúi đầu, sau đó chạy thẳng vào bóng đêm.

Vị thiền sư nhìn vậy, thương cảm mà nói rằng: “Thật đáng thương, nếu có thể, tôi muốn tặng anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường xuống núi.”

Vài hôm sau, khi thiền sư thức giấc và ra cửa thì nhìn thấy chiếc áo mà mình đã cho tên trộm được giặt sạch sẽ, xếp ngay ngắn trước cửa. Ông giật mình, sau đó vui vẻ nói: “Tốt quá, vậy là anh đã có được cả vầng trăng sáng rồi.”

Cuộc sống là một tấm gương có khả năng phản chiếu. Bạn hiểu nhân sinh thì nhân sinh hiểu bạn. Bạn lý giải cho người khác thì người khác cũng sẽ khoan dung với chúng ta.

Lần lượt đi qua 3 giai đoạn, từ hiểu bản thân, hiểu thế giới, tới hiểu lòng người khác, bạn đã bắt đầu thay đổi số phận của chính mình.

*Theo SC/Nguồn ảnh: @weandthecolor

Theo Thúy Phương

Cùng chuyên mục
XEM