Sau 3 năm săn đón và chấp nhận trả giá cao để sở hữu cổ phần, quỹ ngoại đã mất kiên nhẫn với FPT Retail?

15/03/2021 13:33 PM | Kinh doanh

Động thái bán ra cổ phiếu liên tiếp của hai quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường khá hưng phấn, riêng FRT tăng trưởng mạnh mẽ một phần đến từ triển vọng của ngàng ICT, đặc biệt dòng sản phẩm Apple và laptop, máy tính xách tay.

Ngày 9/3/2021, VOF Investment Limited vừa bán ra 500.000 cổ phiếu FPT Retail (FRT), theo đó tổng sở hữu nhóm VinaCapital giảm từ 5,42% về 4,78% vốn và không còn là cổ đông lớn. Được biết, từ cuối năm 2020, nhóm quỹ này liên tục bán cổ phần FRT.

Cùng thời gian, nhóm quỹ Dragon Capital cũng hạ dần tỷ trọng tại cổ phiếu FRT, giảm tỷ lệ nắm giữ về 3,12% vốn và không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp từ 31/12/2020.

Trên thị trường, thị giá FRT từng đạt đỉnh tại mức 35.000 đồng/cp vào cuối năm 2020, hiện đang giảm dần về mức 28.750 đồng/cp. Hưởng lợi từ nhu cầu laptop tăng cao giữa đại dịch cũng như sự tăng trưởng của thương hiệu Apple (đặc biệt trước Nghị định mới siết hàng xách tay), tuy nhiên bức tranh chung so với trước đây vẫn tương đối kém sắc. Đặc biệt, chuỗi Long Châu vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng, đòi hỏi sự đánh đổi về lợi nhuận tại FRT theo như chia sẻ ban lãnh đạo.

 Sau 3 năm săn đón và chấp nhận trả giá cao để sở hữu cổ phần, quỹ ngoại đã mất kiên nhẫn với FPT Retail?  - Ảnh 1.

Và như vậy, có thể quỹ ngoại đang dần mất kiên nhẫn với khoản đầu tư từng đầy kỳ vọng tại FRT. Nhớ lại, năm 2018 khi FRT chính thức niêm yết trên sàn, 2 quỹ VinaCapital và Dragon đã sớm "săn đón" và sở hữu tổng hơn 34% vốn từ năm 2017.

Trong đó, thông tin bên lề cho hay VinaCapital chi hàng triệu USD để sở hữu 15% vốn tại FRT trong đợt thoái vốn của Tập đoàn FPT, tương ứng mức giá hơn 83.000 đồng/cp. Lúc bấy giờ, dù lên sàn trong bối cảnh ngành ICT giảm nhiệt, tuy nhiên với thành tích nhanh chóng vươn lên đứng thứ 2 ngành cùng kế hoạch đầu tư mở rộng, đặc biệt chuỗi F.Studio độc quyền bán sản phẩm Apple, FRT tỏ ra "hấp dẫn" trong mắt nhà đầu tư.

Đặc biệt, không đứng ngoài lề, cùng với hàng loạt "ông lớn" bán lẻ khác như MWG… FRT cũng gia nhập ngành dược với tham vọng lớn tại chuỗi Long Châu. Thêm một điểm cộng làm nên sức nóng của mã FRT ngày đầu chào sân. Ghi nhận, lúc bấy giờ nhà đầu tư đổ xô mua vào nhưng lượng bán ra rất thấp đẩy thị giá FRT đã tăng trần hết biên độ cho phép trong phiên giao dịch ATO, đạt 150.000 đồng/cp so với giá tham chiếu là 125.000 đồng/cp.

Dù vậy, FRT đã không thể duy trì phong độ trước áp lực sụt giảm của ngành ICT, trong khi mảng dược vẫn còn sơ khai. Từ năm 2018, doanh thu và lợi nhuận FRT liên tục giảm sút. Cùng với đó, do chi phí đầu tư cho Long Châu giai đoạn đầu lớn, biên lợi nhuận Công ty tương ứng giảm sâu. Thẳng thắn trao đổi về sự sụt giảm này, đại diện là bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết để nói chính xác về khó khăn hiện tại của FRT, bà Điệp khẳng định đây là câu chuyện thời điểm.

"Đơn vị khác bước vào thị trường ICT cách đây 12 năm, do đó họ có thời gian để xây dựng hệ thống, và đến khi ICT bão hoà nhanh chóng chuyển sang ngành khác, kết quả là tăng trưởng gối đầu. Còn FRT thì khác, chúng ta chỉ vừa bước vào thị trường ICT được 7 năm, chúng ta đã cấp tốc đẩy mạnh tăng trưởng, chúng ta vừa hoàn thành hệ thống ngay chính thời điểm thị trường bão hoà. Kết quả, chúng ta không đủ thời gian để phát triển mảng mới, mà chỉ mới bắt đầu đầu tư", bà Điệp nói.

Sang năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tiếp tục gây thêm áp lực lên hoạt động của Công ty. Theo đó, doanh thu FRT ghi nhận giảm 12% còn 14.666 tỷ, LNST giảm 95% chỉ còn 10 tỷ đồng, lãi ròng đạt khoảng 25 tỷ. Cần nhấn mạnh, sự sôi động của ngành hàng laptop hỗ trợ đỡ đà giảm đáng kể cho doanh nghiệp, đặc biệt những quý đầu năm 2020 (cao điểm dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội).

Trên thị trường, thị giá FRT dù tăng trở lại vẫn bỏ khoảng cách khá xa so với đỉnh cao năm 2018.

 Sau 3 năm săn đón và chấp nhận trả giá cao để sở hữu cổ phần, quỹ ngoại đã mất kiên nhẫn với FPT Retail?  - Ảnh 2.
 Sau 3 năm săn đón và chấp nhận trả giá cao để sở hữu cổ phần, quỹ ngoại đã mất kiên nhẫn với FPT Retail?  - Ảnh 3.

Năm 2021, một điểm đáng ghi nhận, nắm bắt cơ hội mới trước nhu cầu tăng cùng xu hướng cao cấp hoá tiêu dùng, đầu năm FPT Shop chính thức khai trương mới 30 trung tâm laptop trên khắp cả nước, mở đầu cho hành trình phát triển 68 trung tâm laptop đến từng tỉnh thành của hệ thống bán lẻ trong quý 1/2021. Thống kê trong những ngày đầu tiên mở bán (từ mùng 4 - mùng 6 Tết, nhằm ngày 15 - 17/2/2021), doanh thu laptop của FPT Shop tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020 và tăng gấp 2 lần so với doanh thu trung bình 2 tuần trước Tết.

Tri Túc

Từ khóa:  fpt retail
Cùng chuyên mục
XEM