Sắp tuyên án 'nữ siêu lừa' Elizabeth Holmes: Đối mặt án tù 20 năm để làm gương cho giới khởi nghiệp, ngăn nạn lừa đảo rót vốn vào những công ty 'rỗng tuếch'

18/11/2022 14:50 PM | Kinh doanh

Bản án của Elizabeth Holmes có thể được dùng để làm gương trong giới khởi nghiệp về hậu quả của hành vi lừa đảo nhà đầu tư hàng triệu USD.

Tờ Bloomberg đưa tin, hình phạt dành cho Elizabeth Holmes vì vai trò của cô này trong sự sụp đổ của Theranos cuối cùng sẽ được quyết định vào thứ sáu. Việc này sẽ khép lại một chương quan trọng của một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử tại Thung lũng Silicon.

Mười tháng sau khi bồi thẩm đoàn kết tội cựu giám đốc điều hành 38 tuổi, số phận của cô vì đã lừa đảo các nhà đầu tư hàng triệu USD trong công ty khởi nghiệp xét nghiệm máu Theranos hiện thuộc về Thẩm phán Edward Davila, người đã giám sát vụ án từ năm 2018.

Các chuyên gia pháp lý cho biết Holmes nổi bật trong số tội phạm cổ cồn trắng vì có tương đối ít phụ nữ bị kết án về tội lừa đảo nghiêm trọng như vậy. Bản án của cô này có thể được dùng để làm gương trong giới khởi nghiệp về hậu quả của hành vi lừa đảo. Trong một diễn biến khác, thẩm phán có thể cân nhắc bản án vì Holmes đang mang thai đứa con thứ hai.

Amanda Kramer, một luật sư bào chữa hình sự cho biết việc cân bằng tất cả các yếu tố để đi đến một bản án là “nghệ thuật hơn là khoa học”.

“Ngăn chặn hành vi sai trái”

“Thẩm phán sẽ cân nhắc các yếu tố khác nhau như thế nào ở đây? Ông ấy sẽ xem xét thế nào về vấn đề thai kỳ hiện tại của cô ấy và việc cô ấy cũng vừa có một đứa con mới biết đi? Tất cả những điều này là tương đối cần thiết để phản ánh mức độ nghiêm trọng của tội ác và để ngăn chặn hành vi sai trái, đó là một câu hỏi quan trọng”, Kramer nói.

Holmes, bị kết tội lừa đảo phải đối mặt với mức án tối đa là 20 năm tù, theo hướng dẫn tuyên án. Các công tố viên Mỹ đã yêu cầu 15 năm tù giam, trong khi các luật sư của cô ta nói rằng cô ta nên được quản thúc tại gia, hoặc nhiều nhất là 18 tháng tù giam. Holmes có thể sẽ kháng cáo bản án của mình.

Các công tố viên đã lập luận rằng một án tù dài hạn là hợp lý do phạm vi của vụ lừa đảo và sự cần thiết phải gửi một thông điệp răn đe đến lĩnh vực khởi nghiệp, nơi mà thói khoe khoang "Fake it until you make it" (phương châm sống kiểu nếu mình muốn trở thành 1 người nào đó, mình hãy hành động/cư xử giống như mình đã là người đó rồi, làm như thế đến khi mình thật sự trở thành người đó) trở nên phổ biến trong giới khởi nghiệp.

Đôi khi, Holmes cố gắng đổ lỗi cho người khác về tội ác của mình và vẫn "không hối hận", họ nói.

Các luật sư của Holmes cho rằng cô ta xứng đáng được khoan hồng vì  không phải là kẻ lừa đảo như các phương tiện truyền thông đưa tin. Họ đang hướng Davila xem Theranos không phải là một cú lừa mà là một doanh nghiệp có giá trị, được điều hành bởi vị CEO chăm chỉ và sáng tạo.

Các luật sư của Holmes cũng chỉ ra một vụ hãm hiếp mà Holmes nói rằng cô ta phải chịu đựng khi còn là sinh viên tại Đại học Stanford cũng như việc lạm dụng tâm lý, thể chất và tình dục mà họ nói là do đối tác cũ của cô ta và cựu Chủ tịch Theranos Ramesh “Sunny” Balwani gây ra. Về phần mình, Balwani đã bác bỏ cáo buộc và đối mặt với bản án của chính mình vì tội lừa đảo vào tháng 12.

“Steve Jobs phiên bản nữ”

Theranos từng được định giá lên tới 9 tỷ USD. Với tầm nhìn chiến lược bằng ý tưởng thử máu sử dụng công nghệ độc quyền chỉ dùng mẫu máu nhỏ, CEO Holmes đã trở thành một hiện tượng, được lên bìa các tạp chí kinh doanh lớn và lọt vào danh sách các nhà lãnh đạo hàng đầu. Nhưng sau đó, câu hỏi và nghi vấn được đặt ra xung quanh công nghệ của Theranos được hoạt động bằng cách nào.

Theo phóng viên của tờ Wall Street Journal, John Carreyrou đã đưa ra trong cuốn sách của ông, "Bad Blood: Secrets and Lies in a Silicon Valley Startup", (tạm dịch: Máu xấu: Những bí mật và dối trá trong một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon) các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Theranos đã xuất hiện những năm trước đó. Cuốn sách đã đưa ra cái nhìn từ phía sau hậu trường đã khiến cho Startup kỹ thuật y sinh học này trợ nên khủng hoảng trên bờ vực sụp đổ.

Những sự kiện đó đã tạo nên sự sụp đổ, suy tàn này và giờ đây nó dẫn đến những cáo phạm tội lừa đảo của công ty đã từng rất tiềm năng và đầy hứa hẹn này.

Elizabeth Holmes bỏ Đại học Stanford năm 2003 ở tuổi 19 để bắt đầu Theranos, trước đó được gọi là Real-time Cures. Cô lấy cảm hứng từ sự nghiệp y tế của ông cô và kì thực tập mùa hè năm 2003 tại Viện Gome của Singapore. Một thời gian ngắn sau khi thực tập, cô đã viết một ứng dụng sáng chế cho thiết bị theo dõi máu có khả năng chẩn đoán và điều trị về y tế

Shaunak Roy, một nghiên cứu sinh đang hỗ trợ phòng thí nghiệm của Giáo sư Channing Robertson, đã cùng gia nhập Theranos vào tháng 5 năm 2004 với tư cách là nhân viên đầu tiên. Robertson tham gia hội đồng quản trị của công ty với vai trò cố vấn.

Để gây quỹ ban đầu, Holmes đã tận dụng một số mối quan hệ từ gia đình. Hai nhà đầu tư đầu tiên ở Theranos là Tim Draper, cha của người bạn thời thơ ấu của cô và là người hàng xóm cũ, và Victor Palmieri, một trong những người bạn lâu năm của cha cô. Đến cuối năm 2004, Holmes đã huy động gần 6 triệu đô la.

Tuy nhiên sau đó, sự gian dối của những kẻ lãnh đạo mà trong đó Holmes đóng vai trò trung tâm đã khiến Theranos tụt dốc không phanh từ đỉnh vinh quang.

Nguồn: Bloomberg

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM