Sáng nay, Thủ tướng chủ trì hội nghị với doanh nghiệp lớn nhất lịch sử, bàn cách vượt Covid-19

09/05/2020 07:40 AM | Kinh doanh

Hội nghị trực tuyến sẽ diễn ra tại 93 điểm cầu với hơn 6.000 đại biểu.Lãnh đạo Chính phủ sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, đánh giá mức độ hấp thụ chính sách và tìm kiếm giải pháp để khôi phục sản xuất, thúc đẩy kinh doanh, nắm bắt cơ hội mới.

Diễn ra trong nửa ngày với sự tham gia của hơn 6.000 đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo bộ ngành, địa phương... tại 93 điểm cầu trực tuyến trên cả nước, Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng sáng nay được các nhà tổ chức đánh giá là cuộc đối thoại lớn nhất từng diễn ra giữa người đứng đầu Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Quy mô và sự quan tâm này phần nào cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19 đến hơn 800.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước.

Với mục tiêu lắng nghe khó khăn và trưng cầu giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp, hội nghị trước hết sẽ dành thời gian đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng, bộ, ngành ban hành.

Sáng nay, Thủ tướng chủ trì hội nghị với doanh nghiệp lớn nhất lịch sử, bàn cách vượt Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị với doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh tư liệu: Reuters

Chính phủ cũng sẽ cùng doanh nghiệp nhận định các cơ hội, thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch. Cuối cùng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng góp những sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng, qua đó tìm ra các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Trước đó, kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp trong thời gian 10-22/4 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy 86% cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch, 58% doanh nghiệp bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm và 45% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh.

Trong bối trên, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động chia sẻ khó khăn lẫn nhau. Cụ thể, 90% doanh nghiệp sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp khác, trên 50% doanh nghiệp giãn công nợ và giảm giá sản phẩm. Đồng thời, các biện pháp như cho đối tác vay vốn, chia sẻ thị trường và khách hàng cũng được doanh nghiệp thực hiện.

Ngoài ra, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ ban hành trong thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận rất phù hợp nhưng quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, mới chỉ có gần 3% doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ từ chính sách, hơn 21% doanh nghiệp đã biết đến và được hướng dẫn nhưng chưa được nhận hỗ trợ, gần 65% doanh nghiệp đã biết tới chính sách những chưa có đầu mối để tiếp cận và hơn 11% doanh nghiệp chưa biết tới các chính sách.

Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó cốt lõi nhất là do thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, tinh thần và thái độ trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ thực thi chưa mang tính hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tại hội nghị, bên cạnh báo cáo chung của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng sẽ có báo cáo tổng hợp kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, đánh giá mức độ hấp thụ chính sách. Tiếp theo báo cáo này sẽ có khoảng 70 phút cho các phần phát biểu của doanh nghiệp, trong đó có cả đại diện một số đơn vị trong ngành thương mại điện tử, công nghệ... vốn được coi là có cơ hội và "phải" nắm bắt được thời cơ sau cuộc khủng hoảng này. Sau đó, các bộ ngành, địa phương cũng như các Phó Thủ tướng cũng sẽ cho ý kiến trước phần kết luận của người đứng đầu Chính phủ.

Hội nghị bắt đầu lúc 8h và được VTV truyền hình trực tiếp.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM