San hô bị tẩy trắng trên diện rộng ở Côn Đảo

20/07/2024 15:39 PM | Xã hội

Chỉ tính riêng trong hai tháng vừa qua, đã có khoảng 800 ha san hô ở Côn Đảo bị tẩy trắng, tỷ lệ có nơi lên đến 70%.

Các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư được ghi nhận trong lịch sử do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục. Vùng biển miền Nam nước ta, đặc biệt là Côn Đảo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vườn Quốc gia Côn Đảo và các nhà nghiên cứu hiện đang gấp rút đánh giá mức độ ảnh hưởng của hiện tượng này đối với hệ sinh thái biển Côn Đảo.

Hai năm trước, Jurgen - khách du lịch người Áo đã có dịp đến Côn Đảo và rất ấn tượng với hệ sinh thái san hô phong phú và đa dạng nơi đây. Trở lại hòn đảo trong mùa hè này và chứng kiến rạn san hô đang bị tẩy trắng hàng loạt, Jurgen cho biết anh thấy rất buồn.

''So với 2 năm trước, rất nhiều san hô đang chết dần và trở nên trắng xóa. Rạn san hô đã thay đổi rất nhiều và tôi khá lo lắng về điều đó'', anh Jurgen Kallee cho biết.

San hô bị tẩy trắng trên diện rộng ở Côn Đảo- Ảnh 1.

Các nhóm, loài san hô bị tẩy trắng chủ yếu là san hô khối, san hô cành, nhóm san hô phiến và nhóm loài san hô nấm. Độ sâu các loài san hô bị tẩy trắng từ 3 đến 15m, từ mức triều cạn đến độ sâu hết phân bố rạn san hô. Nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường vượt ngưỡng 30 độ C dẫn đến tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi cơ thể san hô, làm cho khung xương san hô bị mất màu, san hô có nguy cơ bị chết cao.

San hô có thể sống sót sau sự kiện tẩy trắng nếu vùng nước xung quanh mát hơn, tảo quay trở lại và môi trường sinh trưởng không có rác thải. Chính vì vậy, các biện pháp tạm thời đã được Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện ngay như dọn rác dưới đáy biển, giảm các hoạt động du lịch.

Anh Nguyễn Văn Vững, Phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết: ''Phía Vườn quốc gia Côn Đảo cũng có giải pháp tạm thời là tạm ngưng dịch vụ lặn ngắm san hô đến cuối tháng 9. Nơi nào san hô bị tẩy trắng mà không thể phục hồi được thì giải pháp là trồng phục hồi''.

San hô bị tẩy trắng trên diện rộng ở Côn Đảo- Ảnh 2.

Rạn san hô dưới đáy biển Côn Đảo là môi trường lý tưởng để rùa dưỡng thai. Hằng năm, vùng biển này đón nhiều rùa biển di cư đến đẻ trứng. Mất đi rạn san hô đồng nghĩa mất đi nguồn lợi thủy hải sản và môi trường sinh đẻ của rùa biển. Nghề cá ven biển sẽ phải gặp khó khăn chưa từng thấy khi không còn khu vực sinh sản cho các loài sinh vật biển. 

Cuối tháng 7 này, các nhà khoa học cũng sẽ đánh giá lại khả năng phục hồi của rạn san hô ở Côn Đảo sau tẩy trắng, khu vực nào không thể phục hồi sẽ được đề xuất nhân giống và cấy ghép lại.


Theo Hoài Thu, Mạnh Thắng, Quang Khải

Cùng chuyên mục
XEM