Sân bay đóng cửa vì núi lửa, 59.000 du khách bị mắc kẹt ở đảo Bali

28/11/2017 09:46 AM | Xã hội

Ước tính, ngành du lịch đảo Bali sẽ chịu thiệt hại ít nhất 110 triệu USD.

Indonesia vừa nâng cảnh báo lên mức cao nhất sau đợt phun trào lớn của núi lửa Agung trên hòn đảo du lịch Bali buộc giới chức phải đóng cửa sân bay. Nhiều du khách bị mắc kẹt tại đây và hàng nghìn người dân phải sơ tán, theo CNN.

Theo Cục Khí tượng Australia, vào sáng thứ 2 (27/11), khói đen được nhìn thấy bốc cao tới 9.100m trên đỉnh núi Agung khiến sân bay chính của đảo Bali phải đóng cửa.

Tại sân bay quốc tế Ngurah Rai đảo Bali (Indonesia) có khoảng 59.000 du khách nội địa và quốc tế bị mắc kẹt, theo báo cáo mới nhất của sân bay này.

Ngày 27/11, Cơ quan Kiểm soát Thiên tai Quốc gia của Indonesia đã đưa ra cảnh báo mức độ 4 với lo ngại sẽ có thêm đợt phun trào lớn hơn nữa và yêu cầu sơ tán người dân trong phạm vi 8 - 10 km từ đỉnh núi.

Ngày trước đó, Trung tâm Nghiên cứu núi lửa và Giảm nhẹ thiên tai địa chất Indonesia đã nâng lên mức báo động đỏ - mức độ cao nhất.

Chiều ngày 27/11, 40.000 cư dân của hòn đảo này đã được sơ tán, đồng thời sân bay phía quốc tế Lombok trên đảo Lombok - phía đông Bali, cũng tạm thời bị đóng cửa, Ari Ahsan - người phát ngôn của sân bay Ngurah Rai cho biết.

Bali là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indosia với hơn 1 triệu khách tới thăm mỗi năm.

Các khu nghỉ dưỡng chính của hòn đảo này gồm Ubud, Kuta và Seminyak cách vị trí núi lửa từ 30 - 70km.

Du khách tên Derek Du Chesne, 30 tuổi, cho biết anh không thể bắt được chuyến bay trở về Mỹ.

"Hai ngày qua chúng tôi bị mắc kẹt ở đây. Giao thông tắc nghẽn, hàng dài xe bus trên đường phố để sơ tán mọi người. Chúng tôi không thể đặt bất cứ chuyến bay nào qua điện thoại và đã bị phải chờ kết nối cả tiếng đồng hồ, thật đáng sợ", Chesne nói.

Ước tính, ngành du lịch đảo Bali sẽ chịu thiệt hại ít nhất 110 triệu USD.

Phạm vi sơ tán từ 8-10km quanh đỉnh núi Agung
Phạm vi sơ tán từ 8-10km quanh đỉnh núi Agung

Khói đen bắt đầu bốc lên sau khi ngọn núi lửa Agung phun trào 3 lần vào hôm thứ 7 cao tới 4.000m, theo Sutopo Purwo Nugroho, giám đốc trung tâm tin tức và dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát Thiên tai Quốc gia Indonesia.

Trước đó, khi cảnh báo đầu tiên được đưa ra hồi tháng 9, hàng chục nghìn người dân sống quanh khu vực núi lửa Agung đã phải sơ tán. Khi đó, phạm vi sơ tán là 12 km quanh khu vực Agung và du khách được cảnh báo tránh xa khu vực này.

Phạm vi sơ tán được đưa ra dựa trên đợt phun trào núi lửa cuối cùng của ngọn núi lửa này vào năm 1963, khiến 1.700 người thiệt mạng, thiêu rụi nhiều làng mạc.

Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương - khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa. Tại đây có hơn 130 núi lửa đang hoạt động.

Theo Hoài Thu

Cùng chuyên mục
XEM