Samsung Pay: Thời điểm vàng của thanh toán di động
Giải pháp thanh toán di động như Samsung Pay đang giúp Việt Nam tận dụng cơ hội của bùng nổ internet và di động để tiến nhanh đến một nền kinh tế không tiền mặt.
Sự phân mảnh của thanh toán điện tử
Doanh nhân Đức Lộc, 35 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất nhựa tại TP.HCM đang sở hữu hàng chục thẻ tín dụng và ví điện tử. Số thẻ này khiến anh thường xuyên gặp phiền toái khi phải mang theo người và không ít rắc rối khi thanh toán chi tiêu hằng ngày. Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến tính bảo mật và vấn đề hack thẻ ngân hàng thời gian gần đây cũng là điều khiến anh Lộc vô cùng lo lắng.
Phiền toái của anh Đức Lộc cũng là tình trạng chung của nhiều người khi thanh toán di động tại Việt Nam còn bị phân mảnh bởi có quá nhiều đơn vị cung cấp. Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Bên cạnh đó là hơn 20 ví điện tử đang hoạt động cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, ngoại trừ các ứng dụng do ngân hàng phát hành thì chưa có một nền tảng thanh toán nào có thể thuận lợi vượt ra được giới hạn mạng lưới của bản thân. Kèm theo đó là rất nhiều giải pháp thanh toán như ứng dụng công nghệ không chạm, mã QR, ví điện tử...vốn thiếu liên kết rộng khắp nên phạm vi sử dụng thu hẹp trong nội bộ hoặc giới hạn về đối tác thanh toán, mua hàng.
Đó là lý do mặc dù hình thức thanh toán di động dù nở rộ thời gian gần đây nhưng dường như Việt Nam vẫn đang chậm hơn so với các nước trong khu vực. Theo World Bank, tỷ lệ thâm nhập của thẻ tín dụng ở Indonesia, Philippines và Việt Nam đều thấp hơn 5% từ năm 2014. Trong khi đó tại Malaysia, tỷ lệ này là 20%, chỉ đứng sau Anh với 62% và Nhật Bản 66%.
Sự phân mảnh của thanh toán di động tại việt Nam có thể được giải quyết khi có một hệ thống cho phép tương tác trên tất cả các mạng lưới thanh toán. Đó cũng là mục tiêu mà Samsung Pay - giải pháp thanh toán di động đột phá dù chỉ mới ra mắt cách đây 6 tháng nhưng đã nhận được sự đón nhận tích cực từ phía ngân hàng và người dùng, đang muốn hướng đến khi gia nhập thị trường Việt Nam. Bởi Samsung Pay có thể tích hợp một tiêu chuẩn chung cho nhiều ngân hàng, mạng lưới thanh toán chỉ với thao tác đơn giản, không phụ thuộc vào tiền mặt, tính minh bạch cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các giao dịch tài chính…
Samsung Pay là ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động Samsung, hoạt động trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hóa thanh toán của Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), Visa hoặc Mastercard kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động một cách đơn giản, an toàn và tiện lợi.
Do tương thích với cả NFC và MST - loại máy quẹt thẻ đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Á, Samsung Pay có thể hoạt động hầu như ở bất cứ nơi nào chấp nhận thanh toán thẻ. Hỗ trợ cho các hình thức thanh toán rộng rãi này, các mẫu Galaxy có hỗ trợ Samsung Pay luôn bảo vệ người dùng bằng cả mật khẩu, kỹ thuật mã hóa/tokenization cũng như các biện pháp sinh trắc học tiên tiến.
Cú hích kinh tế lớn từ Samsung Pay
Tính đến thời điểm này, mạng lưới thánh toán Samsung Pay đã có đến 15 ngân hàng và 3 tổ chức chuyển mạch thẻ tham gia, chiếm 75% thị trường thẻ thanh toán nội địa. Theo NAPAS, toàn thị trường hiện có khoảng 270.600 máy POS và sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu thanh toán của khách hàng qua Samsung Pay.
Người dùng giờ đây có thể bỏ lại mọi phiền toái với vô số thẻ tín dụng khi chuyển sang sử dụng giải pháp Samsung Pay. Thậm chí, giờ đây người dùng đã có thể thanh toán Samsung Pay thông qua đồng hồ thông minh Gear S3.
Gia nhập mạng lưới của Samsung Pay, đại diện của Ngân hàng Maritime Bank cho biết: “Maritime Bank đánh giá cao vai trò hợp tác chiến lược với Samsung để mang lại những trải nghiệm tốt cho khách hàng của Maritime Bank, đặc biệt là người dùng thiết bị Samsung khi thanh toán tích hợp thẻ Maritime Bank Mastercard trong các chi tiêu hằng ngày tại hầu hết các điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam cũng như trên thế giới”.
Trong khi đó, đại diện của Ngân hàng Sacombank cũng cho biết, hầu hết các thẻ Sacombank đều đã có thể thanh toán qua Samsung Pay, bao gồm thẻ thanh toán Plus, thẻ thanh toán/thẻ tín dụng Visa và Mastercard. Đây cũng là bước tiến tiếp theo của công nghệ thanh toán không tiếp xúc (contacless) mà Sacombank vừa triển khai trước đó, tất cả nhằm giúp khách hàng có được những trải nghiệm thanh toán tốt nhất.
Sự hấp dẫn và hiệu quả của Samsung Pay có thể thấy qua số người dùng và giao dịch tăng vọt. Sau hơn 6 tháng hoạt động kể từ 29/9/2017 cho đến nay, Samsung Pay đã có gần 400.000 người dùng đăng ký với 500.000 giao dịch đã được thực hiện. Tổng giá trị giao dịch qua Samsung Pay trong 6 tháng vừa qua đạt gần 350 tỷ đồng.
Các tính năng mới đầy hấp dẫn của Samsung Pay hứa hẹn tiếp tục thu hút thêm người dùng cũng như mở rộng mạng lưới kết nối thanh toán tại Việt Nam. Mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái “thanh toán một chạm” và kinh tế không tiền mặt của Việt Nam vì thế đang đặt nhiều kỳ vọng vào Samsung Pay.