Sam “Xoăn” FTX không nhận tội
Ngày 3/1, Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền số FTX, đã từ chối nhận tội trước các cáo buộc hình sự về việc lừa dối các nhà đầu tư và gây ra thiệt hại hàng tỉ USD.
Theo Nikkei Asia, trong phiên xét xử ngày 3/1, cựu CEO FTX không nhận tội đối với 8 tội danh, trong đó có lừa đảo theo đường dây, âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền và vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử. Phiên xét xử do thẩm phán quận Mỹ Lewis Kaplan làm chủ tọa tại tòa án liên bang Manhattan.
Thẩm phán Kaplan ấn định ngày diễn ra phiên tòa xét xử là ngày 2/10. Công tố viên liên bang, Danielle Sassoon, ước tính rằng phiên tòa có thể kéo dài 4 tuần và cho biết chính quyền sẽ sớm chuyển giao hàng trăm nghìn tài liệu bằng chứng cho các luật sư bào chữa.
SBF bị buộc tội lấy hàng tỷ USD tiền gửi của khách hàng trên sàn giao dịch tiền số FTX để dùng cho quỹ phòng hộ Alameda Research của mình, mua bất động sản và đóng góp hàng triệu USD vào các hoạt động chính trị.
Các bị cáo đối mặt với những cáo buộc tội danh hình sự thường ban đầu không nhận tội. Tuy nhiên, họ có thể thay đổi quyết định sau một vài phiên điều trần.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết Bankman-Fried đã “dàn dựng một vụ lừa đảo kéo dài nhiều năm” để che giấu các nhà đầu tư FTX về việc chuyển tiền của khách hàng sang Alameda Research, công ty giao dịch tiền điện tử khác mà người này thành lập. SEC cũng khẳng định họ đang tiến hành các cuộc điều tra về “các hành vi vi phạm luật chứng khoán khác”, đồng thời điều tra các tổ chức và cá nhân liên quan.
Trên thực tế, nếu bị buộc tội tất cả các tội danh, Sam Bankman-Fried có thể phải nhận mức án lên đến 115 năm tù.
Sam là một trong những người đã thúc đẩy sự bùng nổ về giá trị của Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác. Trong thời kỳ đỉnh cao, nhà sáng lập FTX từng sở hữu khối tài sản ròng trị giá 26 tỷ USD và trở thành một trong những tỷ phú tiền số giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, sau làn sóng rút tiền, FTX đã sụp đổ và tuyên bố phá sản vào ngày 11/11/2022. Điều này khiến giá trị tài sản của SBF gần như về 0. Nhà sáng lập FTX từng tuyên bố rằng anh chỉ còn khoảng 100.000 USD trong tài khoản ngân hàng.
Trước đấy, ngày 12/12/2022, Sam Bankman-Fried đã bị chính quyền Bahamas bắt giữ. Việc bắt giữ này được thực hiện sau khi đoàn luật sư Mỹ tòa án Southern District of New York (SDNY) chia sẻ một bản cáo trạng được niêm phong với chính quyền Bahamas, tạo tiền đề cho việc dẫn độ và xét xử tỷ phú tiền điện tử một thời sẽ diễn ra tại Mỹ.
Kể từ khi được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250 triệu USD vào ngày 22/12/2022, Sam Bankman-Fried đã bị giám sát từ xa và phải sống với cha mẹ, Joseph Bankman và Barbara Fried, cả hai đều là giáo sư tại Trường Luật Stanford ở California.
Thẩm phán Kaplan đã chấp nhận yêu cầu của Sam Bankman-Fried về việc không công khai tên của 2 trong số những người đã ký vào biên bản chi trả số tiền bảo lãnh cho nhà sáng lập FTX.
Luật sư của Sam cho biết cha mẹ của anh đã nhận nhiều lời đe dọa kể từ khi FTX sụp đổ. Cũng theo vị luật sư này, những cái tên đứng ra bảo lãnh cho Sam Bankman-Fried có thể cũng phải đối mặt với những hành vi quấy rối tương tự, do đó danh tính của họ được giữ kín.
Thẩm phán cũng áp đặt một điều kiện bảo lãnh mới về việc Bankman-Fried không thể tiếp cận tài sản FTX hoặc Alameda. Những cáo buộc nhắm về phía Sam Bankman-Fried mà các công tố viên đưa ra đã được củng cố bởi lời nhận tội vào tháng trước từ 2 cộng sự thân cận nhất của anh.
Caroline Ellison, CEO của Alameda, và Gary Wang, cựu giám đốc công nghệ của FTX, lần lượt nhận tội với 7 và 4 cáo buộc hình sự, đồng thời đồng ý hợp tác với các công tố viên. SBF, Ellison và Wang cũng bị kiện bởi SEC và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC). Ellison và Wang đã dàn xếp các vụ kiện dân sự đó.
CEO mới của FTX, John Ray, cho biết FTX được điều hành bởi những người "hoàn toàn thiếu kinh nghiệm".
Tham khảo: Nikkei Asia