Tăng trưởng doanh thu 10% thấp nhất lịch sử, lợi nhuận giảm 50%, nữ phó tổng Sài Gòn Food nói gì?
“Tăng trưởng doanh thu 10% là con số thấp nhất trong lịch sử 17 năm thành lập của Sài Gòn Food (SGF) và 2020 cũng là năm đặc biệt khi SGF không tung ra thị trường sản phẩm mới nào cả, mà chỉ phát triển các vị mới cho dòng sản phẩm cũ …”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food chia sẻ tại buổi họp báo mới đây.
Doanh số tăng 10% so với cùng kì nhưng lợi nhuận giảm 50%
Chia sẻ với báo chí, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc SGF cho hay, năm 2020 SGF đạt doanh thu 2.700 tỉ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số này chỉ đạt 85% so với mục tiêu kì vọng mà doanh nghiệp đặt ra. Đồng thời, lợi nhuận cũng chỉ bằng 50% so với năm 2019.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến lợi nhuận chỉ đạt 50% so với cùng kì, bà Lâm cho hay, thời gian qua doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa sản xuất, vì thế chi phí sản xuất tăng lên. Đơn hàng thay đổi thất thường, lúc rất nhiều đơn hàng nhân viên phải làm ca 3, nhưng sau dịch, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu không mua thì hàng lại tồn kho.
Một lý do cũng ảnh hưởng khá lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp là nguồn cung ứng bị gián đoạn. Nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài có lúc có, lúc không khiến giá thành phẩm tăng.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám SGF, tăng trưởng doanh thu 10% là con số thấp nhất trong lịch sử 17 năm thành lập của Sài Gòn Food
Bên cạnh đó, một nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp là cơ cấu sản phẩm bị thay đổi. Theo ghi nhận, xu thế tiêu dùng của người tiêu dùng gần đây thay đổi rất lớn. Họ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ sử dụng sản phẩm thiết yếu, tiết kiệm, vì thế những sản phẩm giá trị gia tăng kể cả thị trường xuất khẩu và nội địa đều giảm. Mà theo bà Lâm, lợi nhuận của doanh nghiệp nhờ vào những sản phẩm hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng thì lợi nhuận mới cao, còn sản phẩm càng sơ chế, càng đơn giản thì không có lợi nhuận nhiều.
Bà Lâm cho biết, ở mảng xuất khẩu của SGF cơ cấu sản phẩm giá trị gia tăng giảm trên 10%. Trong khi thị trường nội địa, dòng cháo giá từ 17.000 – 30.000 đồng tiêu thụ chậm lại còn dòng cháo 10.000 đồng lại tăng vượt trội. Điều này làm cho lợi nhuận của SGF năm 2020 bị giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
"Doanh thu tăng 10% là con số thấp nhất trong lịch sử 17 năm thành lập SGF, trước đến nay doanh thu của doanh nghiệp đều năm trên con số này. Bên cạnh đó, cả năm 2020 SGF không tung ra thị trường dòng sản phẩm mới nào cả - cũng là năm đặc biệt nhất của SGF từ khi thành lập đến giờ, vì mỗi năm doanh nghiệp đều tung ra thị trường các sản phẩm mới, đột phá mà năm nay chỉ phát triển các vị mới cho những dòng sản phẩm cũ. Ngay cả Tết cũng không đưa ra thị trường gì mới cả, đều là từ những sản phẩm kinh doanh bình thường", bà Lâm chia sẻ.
"Liều mình" đưa ra 2.700 tấn thành phẩm mùa Tết giữa mùa dịch
Tại buổi họp báo, đại diện SGF cho biết, doanh nghiệp đưa hơn 2.700 tấn thành phẩm cho mùa Tết Tân Sửu, dự báo tăng trưởng hơn 30% so với các tháng bình thường và tăng 25 % so với cùng kỳ tết Canh Tý. Đồng thời, cùng với các đối tác phân phối trên toàn quốc, Sài Gòn Food cam kết không tăng giá sản phẩm, thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giới thiệu sản phẩm trên các hệ thống online giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng, ...
Trong đó có 2 sản phẩm nổi bật, đại diện cho dòng Bữa Ăn Tươi và Nước Dùng Cô Đặc là Cơm chiên hải sản, được sản xuất bằng công nghệ cấp đông IQF độc đáo, giữ nguyên dinh dưỡng và hương vị tươi ngon như vừa mới nấu, người tiêu dùng chỉ cần rã đông và hâm nóng trong 3 phút là dùng ngay và nước dùng cô đặc vị nấm, được sản xuất bằng công nghệ gia nhiệt hiện đại, bảo quản ở nhiệt độ thường, chay mặn đều dùng được.
SGF đưa hơn 2.700 tấn thành phẩm cho mùa Tết Tân Sửu
Khi được hỏi, với bối cảnh dịch Covid-19, xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm, với số lượng hàng hoá khá lớn như vậy, SGF tính toán điều gì, bà Lê Thị Thanh Lâm cho hay, SGF định nghĩa Tết là trước, trong và sau Tết nên hơn 2.700 tấn sản phẩm là dùng cho cả mùa Tết chứ không riêng gì cho tháng Tết. Đây đều là những sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng, có hạn sử dụng 12 tháng.
Theo bà Lâm, nếu bánh chưng hay lẩu Tết chỉ có hạn 3 tháng, qua Tết doanh nghiệp phải thu về thì năm nay do tình hình khó khăn nên với những sản phẩm thiết yếu nếu không bán hết được trong tháng Tết, doanh nghiệp có thể bán ngoài Tết (hạn sử dụng 12 tháng).
"Do năm nay dịch Covid-19, Tết mọi người sẽ ít đi du lịch, ở nhà sẽ ăn những sản phẩm tiện lợi để có thời gian nghỉ ngơi cùng gia đình. Vì thế, chúng tôi dự trù tình huống, nếu dịch có xảy ra hay không xảy ra SGF vẫn tiêu thụ tốt trong mùa Tết (vì chủ yếu là sản phẩm thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày) đó là lý do SGF mạnh dạn đưa ra sản lượng lớn hơn 2.700 tấn mùa Tết. Tình huống xấu, nếu bán không hết trong Tết thì qua Tết bán tiếp, không ảnh hưởng đến kinh doanh. Còn nếu không có phương án dự trù thì sẽ mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì quyết định táo bạo đó mà chúng tôi hi vọng không có rủi ro lớn lắm", Phó Tổng giám đốc SGF chia sẻ.