[Sách hay] Khế ước xã hội - Một trong những tác phẩm quan trọng nhất thời Khai sáng
10/10/2013 10:57 AM
|
“Khi công dân không còn quan tâm đến việc phục vụ công ích nữa, và thích phục vụ quốc gia bằng tiền hơn là chính bản thân họ, thì quốc gia đó sắp sửa tiêu vong”.
Giới thiệu chung:
Khế ước Xã hội là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ Khai sáng, mở đường cho Cách mạng Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp năm 1789.
Khế ước Xã hội đã từng bị đốt, nhưng không ai có thể tiêu diệt được tư tưởng, và tư tưởng của Rousseau đã góp phần không nhỏ vào cuộc Cách mạng Dân chủ Nhân quyền Pháp năm 1789, vào sự hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 và Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế năm 1948.
Sách gồm bốn quyển, mỗi quyển từ mười tới mười lăm chương.
Tác giả: Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778 )
Tự do là điều kiện thiết yếu để con người là một con người
Trong lời mở đầu Rousseau viết: “Với bản chất con người như ta biết, và với tính chất có thể xảy ra của luật pháp, tôi muốn tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào chắc chắn và hợp tình hợp lý...”.
Trong cuộc hành trình này, Rousseau cũng như các nhà tư tưởng trước ông như Thomas Hobbes và John Locke đều bắt đầu từ nguyên thủy, nhận diện con người trong trạng thái thiên nhiên của nó. Mở đầu chương thứ nhất Rousseau viết: “Con người sinh ra được tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích.”
Đối với Rousseau, tự do là điều kiện thiết yếu để con người là một con người. Trong trạng thái thiên nhiên mỗi con người là chủ của chính mình, nhưng từng cá nhân một không thể chống chọi với thiên nhiên để tự tồn mà phải cùng chung sống với nhau hầu có đủ sức để sống còn.
Từ xã hội sơ khai đầu tiên là gia đình, con người quần tụ thành những cộng đồng lớn hơn, nhưng trong cộng đồng lớn hơn này cần phải có luật lệ để điều hành trật tự sao cho phúc lợi và tự do của mỗi người vẫn được bảo đảm.
Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là “người” đặt ra những luật lệ này khi mỗi cá nhân đều bình đẳng như nhau? Rousseau phủ nhận mô thức chính quyền quân chủ do Grotius và Hobbes đề ra, và lý giải rằng một xã hội dân sự hợp lý, hợp tình chỉ có thể được tạo nên bởi sự thỏa thuận của mọi người tham gia. Hay nói một cách khác bởi một khế ước xã hội do mọi người cùng lập nên và mọi người phải tuân thủ.
Rousseau viết: “Cái mà con người mất đi khi chấp nhận khế ước xã hội là sự tự do thiên nhiên và sự vô giới hạn trong những việc anh ta muốn làm và những gì anh ta muốn giữ khi chiếm được; bù lại cái mà anh ta nhận được là sự tự do trong văn minh và quyền sở hữu chính đáng những gì mà anh ta có”.
Hội đồng Tối cao
“Người” có thẩm quyền làm ra luật để cai trị một cộng đồng lập nên bởi khế ước xã hội, theo Rousseau, không ai khác hơn là tất cả mọi người đồng trao quyền đó cho một con người nhân tạo gọi là “Hội đồng Tối cao” (sovereign) bao gồm tất cả mọi người; con người nhân tạo này khi được thành hình bởi khế ước xã hội có đời sống và ý chí riêng.
Ý chí riêng của con người nhân tạo này là ý chí của cả tập thể, gọi là “ý chí tập thể” (general will) nhằm đạt tới cái tốt chung cho cả cộng đồng.
Con người nhân tạo “Hội đồng Tối cao” hay Cơ cấu chính trị cũng như một con người thường, có sinh và có diệt. Rousseau ví quyền lập pháp như trái tim của nhà nước, quyền hành pháp là bộ óc điều khiển các chi thể hoạt động.
Khi bộ óc bị tê liệt, con người vẫn có thể còn sống dù chỉ sống như thực vật, nhưng khi quả tim ngừng đập thì con người sẽ chết.
Cũng cùng một thể ấy, cơ cấu chính trị sẽ chết khi người dân thờ ơ với nghĩa vụ công dân của họ, nhất là trong lãnh vực lập pháp (chương 11, q. III).
Không những chỉ trong lĩnh vực lập pháp, “khi công dân không còn quan tâm đến việc phục vụ công ích nữa, và thích phục vụ quốc gia bằng tiền hơn là chính bản thân họ, thì quốc gia đó sắp sửa tiêu vong”. Nhưng làm thế nào để bảo đảm sự trường tồn của quốc gia, của nhà nước, khi con người luôn đặt quyền lợi cá nhân lên trước quyền lợi tập thể?
Bản họa đồ xây dựng một thể chế Dân Chủ – Cộng Hòa
Khi đặt bút viết Khế ước Xã hội, Rousseau định tìm xem đâu là nguyên lý chính đáng thiết lập nên nhà nước và chính quyền dân sự. Nhà nước được lập nên bởi một khế ước do mọi người dân đồng thuận, trao quyền lực chính trị cho chính quyền là những người công bộc của dân để điều hành đất nước theo nguyện vọng và ý chí tập thể. Quyền lực chính trị của chính quyền sẽ bị thu hồi bất kỳ lúc nào nếu chính quyền không làm đúng chức năng được nhân dân giao phó.
Khế ước Xã hội, do đó, được coi là bản họa đồ xây dựng một thể chế Dân Chủ – Cộng Hòa, hiểu theo nghĩa ngày nay là một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Những vấn nạn Rousseau nêu ra về vai trò tuyệt đối vô tư của lập pháp, về sự tiếm quyền của hành pháp đã được các nhà sáng lập nước Mỹ giải quyết bằng nguyên tắc phân quyền và đại biểu dân cử.
Dĩ nhiên, không có chế độ nào được coi là hoàn hảo, nhưng như Churchill đã nói: “Dân chủ không phải là một chế độ hoàn hảo, nhưng còn khá hơn bất kỳ chế độ nào đã từng tồn tại trong lịch sử loài người”; và sau này Thủ tướng Nehru của Ấn Độ cũng đồng tình: “Dân chủ là một chế độ tốt vì mọi chế độ khác đều tệ hơn rất nhiều”.
Về tác giả
Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778 )
Là triết gia nổi tiếng thuộc trào lưu Khai sáng, tư trưởng và tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp năm 1789, tới sự phát triển của thuyết xã hội dân chủ, và chủ nghĩa dân tộc.
Nền tảng tư tưởng chính trị của Rousseau thể hiện trong Khế ước Xã hội – nhà nước được thiết lập bởi một khế ước xã hội, quyền lực chính trị thuộc về toàn dân, nhận định về vai trò tôn giáo trong xã hội – đã tấn công thẳng vào chế độ chính trị đương thời, khiến cho tác phẩm này bị liệt vào hàng các Tư tưởng Nguy hiểm, bị đốt tại Paris và Genève.
Rousseau phải lưu vong sang Anh sống dưới sự bảo bọc của David Hume (một triết gia chủ trương thuyết công lợi). Năm 1767, Rousseau trở về Pháp và qua đời năm 1778.
Khế ước Xã hội đã từng bị đốt, nhưng không ai có thể tiêu diệt được tư tưởng, và tư tưởng của Rousseau đã góp phần không nhỏ vào cuộc Cách mạng Dân chủ Nhân quyền Pháp năm 1789, vào sự hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 và Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế năm 1948.
Theo Alphabooks
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!