Sabeco giảm 11% lãi ròng song vẫn vượt kế hoạch, Thaibev muốn tăng cổ tức thêm ngàn tỷ: Liệu có xứng đáng?
Vietnam Beverage – công ty con gián tiếp của tỷ phú Thaibev Charoen Sirivadhanabhakdi - đã nhận hơn 1.200 tỷ đồng từ 2 đợt chia cổ tức năm 2018. Như vậy, nếu kế hoạch tăng cổ tức được thông qua, đơn vị này sẽ nhận thêm khoảng 515 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco.
Sabeco (SAB) vừa công bố dự thảo ĐHĐCĐ thường niên sắp tới đây, điểm đáng chú ý Công ty dự kiến trình cổ đông tăng tỷ lệ chia cổ tức lên 50%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 5.000 đồng, tương đương Công ty sẽ chi thêm 1.000 tỷ đồng cổ tức. Động thái này diễn ra sau khi Vietnam Beverage củng cố vị trí và cơ cấu nhân sự trong nội bộ Sabeco.
Trước đó vào tháng 10 và tháng 11/2018, Sabeco đã chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng tỷ lệ 35%. Tương ứng Vietnam Beverage – công ty con gián tiếp của tỷ phú Thaibev Charoen Sirivadhanabhakdi - đã nhận hơn 1.200 tỷ đồng từ 2 đợt này. Nếu được thông qua, Sabeco sẽ chi cổ tức hơn 3.200 tỷ đồng, tăng thêm 960 tỷ đồng. Riêng Thaibev sẽ nhận thêm khoảng 515 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco.
Lợi nhuận giảm, còn bỏ ngỏ việc cưỡng chế thuế và phạt thuế
Được biết, kể từ khi Thaibev tham gia Sabeco, tỷ lệ cổ tức doanh nghiệp bắt đầu tăng mạnh 17% lên mức 35% trong năm 2017. Năm 2018, con số này theo kế hoạch tăng gần gấp đôi lên 50%, gây chú ý dư luận. Khi mà, thị trường kỳ vọng Thaibev sẽ giúp Sabeco củng cố vị thế "anh cả" trong ngành bia Việt Nam trước sự chuyển dịch của khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, song song hỗ trợ tăng hiệu suất sinh lời Tổng Công ty; song, tất cả những thông tin nhận được đến hôm nay tỷ lệ cổ tức tăng cao, vấn đề thuế vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi lợi nhuận 2018 suy giảm so với cùng kỳ. Đây cũng là năm đầu tiên lợi nhuận ròng Sabeco sụt giảm kể từ năm 2013.
Giải trình, Sabeco cho biết do chi phí nguyên vật liệu và thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn khiến lợi nhuận gộp giảm; đồng thời lợi nhuận từ liên doanh liên kết giảm và chi phí tài chính cao hơn khiến lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm 11%, về 4.403 tỷ đồng.
Thực tế, ngành bia thời gian qua gặp phải nhiều khó khăn dẫn đến tỷ suất sinh lời của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều giảm, không riêng Sabeco. Mặc dù giảm sút tuy nhiên Sabeco vẫn vượt kế hoạch đề ra, theo đó bên cạnh cổ tức, Sabeco còn dự trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, trong đó đề xuất tăng tất cả các khoản trích quỹ gồm khen thưởng phúc lợi, đầu tư phát triển và công tác xã hội.
Ước tính sau khi chia cổ tức, lợi nhuận chưa phân phối của Sabeco còn khoảng 6.714 tỷ đồng. Chưa kể, Sabeco vẫn còn bỏ ngỏ sự việc cưỡng chế thuế và tiền phạt thuế lên tới 3.140 tỷ đồng từ phía Cục thuế Tp.HCM bằng hình thức trích tiền từ tài khoản. Sabeco cũng đã có công văn gửi lên Cục thuế Tp.HCM, đăng tải thông tin lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), HoSE bày tỏ sự không đồng ý với quyết định này. Ngày 3/1/2019, Sabeco chính thức thông tin được Thủ tướng chỉ đạo dừng cưỡng chế truy thu thuế.
Kế hoạch tối ưu chi phí sẽ mang lại kết quả rõ ràng hơn trong năm 2019
Trở lại với vấn đề cổ tức mong muốn được tăng cổ tức, liệu có xứng đáng khi thời gian qua đóng góp của Thaibev cho Sabeco vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư? Nói là vậy, nhưng xét trên khía cạnh khác, Thaibev với những động thái về truyền thông quảng cáo đã nâng thị phần Sabeco tăng 1,8 điểm phần trăm giai đoạn từ tháng 7 - 12/2018, số liệu từ Nielse.
Điểm lại, đầu tháng 7/2018 ThaiBev đã hợp tác với CLB bóng đá Leicester City, trong đó thương hiệu "Bia Sài Gòn" của Sabeco được gắn trên tay áo thi đấu chính thức của CLB Leicester City cho mùa giải 2018/2019. Cùng với một số chương trình khác như Festival Biển, tài trợ cho giải AFF Suzuki Cup trong tháng 10-11/2018, Pride of Vietnam… chi phí quảng cáo và khuyến mãi của Sabeco tăng mạnh 42% trong quý 4/2018 (so với cùng kỳ năm 2017) sau khi giảm mạnh 30% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Ghi nhận trong lần viếng thăm doanh nghiệp cuối tháng 1/2019, Chứng khoán Bản Việt (VDSC) nhận định các kế hoạch tối ưu chi phí từ phía lãnh đạo kỳ vọng sẽ mang lại kết quả rõ ràng hơn trong năm 2019. Bởi:
+ SAB bắt đầu tiến hành tập trung hoạt động thu mua nguyên liệu giữa các đơn vị trong công ty cũng như hợp tác với ThaiBev; được kỳ vọng sẽ giúp giá mua nguyên liệu tốt hơn do mua với số lượng lớn.
+ Chi phí lon nhôm và giấy carton dự kiến sẽ giảm trong năm 2019.
+ Ban lãnh đạo đang cân nhắc giảm số lượng nhà kho trong hệ thống Sabeco.
+ SAB đang nỗ lực số hóa nhiều quy trình vận hành nhất có thể để cải thiện hiệu quả.
+ SAB vừa cắt giảm diện tích văn phòng của trụ sở tại TP. HCM cũng như đóng văn phòng ở Hà Nội.
+ Ban lãnh đạo cho biết sẽ có thêm nhiều dự án tối ưu chi phí mang lại kết quả rõ ràng hơn trong năm 2019.
Mặt khác, chia sẻ sâu hơn với VCSC về việc sụt giảm lợi nhuận năm qua, Sabeco cho biết doanh thu báo cáo năm 2018 bị ảnh hưởng do việc giảm hàng tồn kho ở các nhà phân phối, vốn để cải thiện độ mới của sản phẩm cũng như giải phóng vốn lưu động. Theo ban lãnh đạo Công ty, hiện tại tại các điểm bán, các sản phẩm của Sabeco đang được lưu hành không quá một tháng kể từ ngày sản xuất đối với bia chai và không quá hai tuần đối với bia lon.
Về vị thế hiện tại, Sabeco khá mạnh mẽ ở khu vực nông thôn nhưng kém hơn ở thành thị; Công ty cũng đang tăng trưởng nhanh chóng ở miền Bắc. Ban lãnh đạo nhấn mạnh việc tăng thị phần là điều bắt buộc cho Sabeco và củng cố thị phần tại các thành phố lớn là điều quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.
Đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019, Sabeco kỳ vọng doanh thu 38.871 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 4.717 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 8% và 7% so với thực hiện năm 2018. Mức cổ tức dự kiến năm nay ở mức 35%.
Chiến lược kinh doanh cho năm 2019, Sabeco dự kiến tập trung xây dựng thương hiệu và các hoạt động phát triển thị trường. Trong đó, Công ty chủ trương giữ vững thị phần tại khu vực nông thôn, không ngừng mở rộng độ phủ tại các thị trường thành thị cũng như đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. Sabeco mục tiêu tổng lượng tiêu thị 1.908 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với con số 1.796 tỷ thực hiện trong năm 2018.
Một điểm đáng chú ý khác, quý 2/2019, Sabeco dự kiến chính thức đưa bộ phận Kiểm toán Nội bộ của Công ty đi vào hoạt động.