Rượu Mao Đài mất 8 tỷ USD vốn hóa chỉ vì một bài báo
Giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất Mao Đài “bốc hơi” khoảng 8 tỷ USD sau một bài báo của Tân Hoa Xã...
Công ty sản xuất rượu có mức vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới đã biết được thế nào là bị truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích.
Trang CNN Money cho biết, giá cổ phiếu Kweichow Moutai, nhà sản xuất rượu Mao Đài nổi tiếng của Trung Quốc, có lúc giảm 5,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi hãng thông tấn Tân Hoa Xã khuyến cáo các nhà đầu tư nên có một "cái nhìn hợp lý" về công ty này.
Cú giảm giá cổ phiếu khiến vốn hóa của Mao Đài "bốc hơi" khoảng 8 tỷ USD.
"Điều quan trọng là Kweichow Maotai, công ty có giá trị vốn hóa thị trường 900 tỷ Nhân dân tệ, cần duy trì tốc độ chậm rãi của họ", Tân Hoa Xã viết trong một bài xã luận đăng ngày thứ Năm. "Việc kéo một cái cây để khiến nó lớn lên sẽ dẫn tới nỗi đau không thể chịu đựng. Sự đầu cơ thiển cận sẽ dẫn tới thiết hại lớn đối với giá trị đầu tư".
Giá cổ phiếu Mao Đài đã tăng chóng mặt trong năm nay, với mức tăng lên tới 107%. Với mức vốn hóa 130,9 tỷ USD, Mao Đài đã vượt qua Diageo, nhà sản xuất rượu Johnie Walker.
Rượu Mao Đài là một loại rượu trắng cao cấp, được nấu từ men và gạo. Trước đây, rượu Mao Đài chỉ được phục vụ trong các buổi yến tiệc cấp cao ở Trung Quốc, nhưng hiện nay đã được bán rộng rãi ở nước này.
Ngay sau khi Tân Hoa Xã đăng bài báo với nội dung phê bình hiếm hoi, Mao Đài thừa nhận cổ phiếu của công ty "đã tăng giá nhiều".
"Mao Đài đã biết những bài báo và nghiên cứu gần đây. Chúng tôi xin được nhắc nhở các nhà đầu tư chú ý rủi ro tiềm tàng, đầu tư hợp lý và không chạy theo xu hướng một cách mù quáng", một tuyên bố sau đó của Mao Đài trên thị trường chứng khoán Thượng Hải có đoạn viết.
Ông Hao Hong, trưởng bộ phận nghiên cứu tại BOCOM International, công ty chứng khoán thuộc ngân hàng Bank of Communications của Trung Quốc, gọi bài báo của Tân Hoa Xã là "chất xúc tác" cho cú giảm giá cổ phiếu ngày thứ Sáu của Mao Đài.
"Bất kỳ dạng thông tin tiêu cực nào, nhất là từ truyền thông nhà nước, đều có thể là chất xúc tác khiến mọi người rút tiền khỏi thị trường", ông Hong nói với CNN Money.
Hiếm khi cơ quan chức năng của Trung Quốc chỉ trích một cổ phiếu cụ thể nào. Lần gần đây nhất điều này xảy ra là khi nhà chức trách chỉ trích công ty Internet Tencent để cho trẻ em dành quá nhiều thời gian chơi trò "Honor of Kings" trên điện thoại di động. Khi đó, cổ phiếu Tencent cũng bị bán tháo.
Ông Hong cho rằng nhà chức trách có thể đang cố gắng "bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ" khỏi rủi ro gia tăng.
Thời gian qua, giới đầu tư đã rất hưng phấn với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của Mao Đài, thương hiệu ngày càng được ưa chuộng của công ty, và dòng tiền hiếm gặp trong số các công ty niêm yết ở Trung Quốc nhờ giá bán sản phẩm tăng đều đặn.
Mao Đài "là một công ty rất dễ đoán, và đó là sức hấp dẫn của cổ phiếu này", ông Hong nói. "Chỉ có hai công ty khác có thể mang lại lợi nhuận lớn như vậy, là Tencent và Alibaba".
Sau cú giảm giá ngày thứ Sáu của cổ phiếu Mao Đài, phần lớn các nhà phân tích vẫn tiếp tục khuyến nghị mua vào cổ phiếu này và không một ai khuyến nghị bán ra.