Rủi ro tiềm tàng từ Vietnam Airlines đối với Vietcombank là bao nhiêu?

26/03/2020 16:49 PM | Kinh doanh

"Chúng tôi cho rằng dịch Covid-19 có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn do vậy trong trường hợp Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, đối với VCB chỉ có dư nợ ngắn hạn bị ảnh hưởng", VNDirect nhận định. Hiện tại VCB có mức dự phòng cao, đạt 182,0% vào cuối 2019, và nguồn dự phòng này đủ để giải quyết nợ xấu có thể phát sinh của Vietnam Airlines.

Trong báo cáo mới đây, VNDirect cho rằng, Vietcombank có nguồn lực tốt để vượt qua khó khăn ngắn hạn.

Cụ thể, do hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, tăng trưởng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng và nợ xấu có xu hướng tăng. Chính phủ đã kêu gọi các ngân hàng miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thu nhập lãi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, do đó gây áp lực tới NIM. Tuy nhiên Vietcombank cho biết ngân hàng sẽ điều chỉnh hoạt động cho vay để duy trì NIM. Theo đó, VNDirect hạ dự báo NIM cho năm 2020-21, nhưng kỳ vọng NIM sẽ tăng trở lại trong 2021-22.

"Chúng tôi cho rằng dịch bệnh sẽ tạo ra khó khăn trong 2020 nhưng VCB sẽ sớm khôi phục lại từ năm 2021", nhóm chuyên gia của VNDirect cho biết.

Lợi nhuận sau thuế của Vietcombank năm 2019 chỉ đạt 90,4% dự báo của VNDirect do VCB chưa ghi nhận khoản phí đại lý từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD Insurance (gần 400 triệu đô). Do đó, nhóm phân tích hạ dự báo EPS 2020-21 xuống 24,0%-29,4% do: 1) giảm dự báo tăng trưởng tín dụng; 2) giảm dự báo NIM; 3) tăng giả định chi phí tín dụng; 4) giả định VCB sẽ ghi nhận phí đại lý trong vòng 5 năm, so với 3 năm như dự báo trước đây.

Tuy nhiên, Covid-19 có thể khiến nhà đầu tư quan ngại về ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines đối với VCB.

VCB và Vietnam Airlines có mối quan hệ đối tác và tín dụng khá chặt chẽ. Bên cạnh việc cấp tín dụng cho Vietnam Airlines, VCB cũng cung cấp các dịch vụ thanh toán, ngoại tệ, phát hành thư tín dụng và bảo lãnh cho Vietnam Airlines. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng do nhiều chuyến bay quốc tế đang bị tạm dừng. Do đó, doanh thu của Vietnam Airlines có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực, dẫn tới giảm khả năng tài chính.

Tuy nhiên, theo VNDirect, VCB có đủ nguồn lực để giảm thiểu rủi ro tiềm tàng đến từ Vietnam Airlines. Đến cuối Quý 2/2019, Vietnam Airlines có 15.424 tỷ đồng dư nợ cần thanh toán trong vòng 12 tháng. Cũng tại thời điểm này, dư nợ với VCB là 1.267 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 5.242 tỷ đồng nợ dài hạn.

Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, do đó dư nợ của Vietnam Airlines tại các ngân hàng sẽ được cơ cấu lại thời gian trả nợ, vì thế dư nợ tại VCB cũng như các ngân hàng khác sẽ không trở thành nợ xấu trong ngắn hạn.

"Chúng tôi cho rằng dịch Covid-19 có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn do vậy trong trường hợp Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, đối với VCB chỉ có dư nợ ngắn hạn bị ảnh hưởng", VNDirect nhận định.

Hiện tại VCB có mức dự phòng cao, đạt 182,0% vào cuối 2019, và nguồn dự phòng này đủ để giải quyết nợ xấu có thể phát sinh của Vietnam Airlines.

Theo Diệp Trần

Cùng chuyên mục
XEM