Rủi ro giảm phát và câu chuyện không đủ tiền thuê nhân công của ngành bán lẻ Nhật Bản

12/03/2018 10:27 AM | Xã hội

Ông Takanori Sakai, chủ của một chi nhánh siêu thị Family Mart tại Himeji-Nhật Bản đang phải tự đứng bán hàng 4 đêm mỗi tuần bởi không đủ khả năng thuê lao động làm ca đêm. Đây là một điều đáng ngạc nhiên cho nhà sở hữu một chi nhánh siêu thị.

"Ngày càng nhiều siêu thị không đảm bảo được lợi nhuận của họ", ông Sakai nói.

Trong một thị trường đầy cạnh tranh như Nhật Bản, việc thuê thêm lao động và tăng giá bán là điều khó khăn, nhất là khi người dân Nhật đã quen với việc giá cả ổn định qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, câu chuyện của ông Sakai lại phản ánh một mặt khác của cả nền kinh tế Nhật. Những siêu thị như Family Mart đang hứng chịu những ảnh hưởng từ nguy cơ giảm phát ở đất nước có dân số lão hóa nhanh nhất thế giới này. Bất chấp việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) hối thúc doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên để thúc đẩy tỷ lệ lạm phát, các doanh nghiệp như những chuỗi siêu thị lại ứng dụng công nghệ tự động hóa hoặc phương pháp khác thay vì chấp nhận mức lương cao hơn cho nhân viên.

Chính nguyên nhân này đã khiến tỷ lệ lạm phát ở Nhật chưa vượt được qua mức mục tiêu 2% bất chấp hàng loạt chính sách thúc đẩy kinh tế của chính quyền Tokyo, đồng thời chúng làm gia tăng tâm lý lo sợ giảm phát trong người dân, qua đó làm trầm trọng thêm tình hình.

Rủi ro giảm phát và câu chuyện không đủ tiền thuê nhân công của ngành bán lẻ Nhật Bản - Ảnh 1.

Số lượng siêu thị bình quân 10.000 người trên thế giới

Báo cáo của Bank of America Merrill Lynch, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản chỉ vào khoảng 2,4% nên khả năng tăng lương trên thị trường lao động là khá lớn. Dẫu vậy, tâm lý e ngại giảm phát đang tác động tiêu cực đến việc thuê thêm lao động hay chi thêm tiền cho nhân viên tại đây. Thêm vào đó, tỷ lệ lão hóa nhanh cũng khiến thất nghiệp giảm chứ không phải hoàn toàn do doanh nghiệp thuê thêm lao động.

Hãng tin Bloomberg cho hay rất nhiều siêu thị tại Tokyo và Osaka đã chuyển hướng thuê lao động nước ngoài, phụ nữ có gia đình hay người già thay vì những nhân viên trẻ khỏe để tiết kiệm chi phí nhân công. Trong khi đó những chuỗi cửa hàng lớn như Family Mart, Seven and I, Lawson… lại đang hướng đến tự động hóa nhằm duy trì hoạt động mà không phải tăng thêm chi phí.

Trong năm vừa qua, hãng Seven and I đã đầu tư tới 27 tỷ Yên (253 triệu USD) để nâng cấp các chuỗi siêu thị của mình, ứng dụng tự động hóa nhằm tiết kiệm chi phí. Không chịu kém cạnh, Family Mart cũng đầu tư tới 11 tỷ Yên trong tháng 2/2018 cho hệ thống tính tiền tự động ở các chi nhánh.

Về lâu dài, Family Mart tuyên bố muốn đầu tư mạnh cho trí thông minh nhân tạo nhằm giảm 50% lượng lao động hiện nay.

Rủi ro giảm phát và câu chuyện không đủ tiền thuê nhân công của ngành bán lẻ Nhật Bản - Ảnh 2.

Máy thanh toán tự động tại Family Mart

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp đối phó được với tình trạng lão hóa dân số, thiếu lao động cũng như phải tăng chi phí nhân công nhưng chúng lại gián tiếp ảnh hưởng đến định hướng gia tăng lạm phát, chống nguy cơ giảm phát của chính phủ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng việc ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất sẽ giúp các công ty tăng lợi nhuận và chấp nhận tăng lương cho nhân viên. Theo chuyên gia kinh tế Yuki Masujima, các công ty Nhật vẫn cần nhân lực để điều hành máy móc hoặc sử dụng cho những công việc không thể tự động hóa.

AB

Cùng chuyên mục
XEM