Rót hơn 10 tỷ USD từ năm 2018, BlackRock cùng những nhà đầu tư lớn của Ant rơi vào tình thế 'lửng lơ', không biết số tiền đã 'đi đâu về đâu'

16/01/2021 08:42 AM | Kinh doanh

Theo Financial Times, các nhà đầu tư bao gồm BlackRock, GIC và Silver Lake đã rơi vào tình thế lửng lơ với số cổ phần trong Ant Group, sau khi rót hàng tỷ USD vào đây. Trước đó, công ty fintech này đã bị giới chức Trung Quốc đình chỉ thương vụ IPO 37 tỷ USD.

Nguồn tin thân cận tiết lộ với Financial Times, các quỹ quản lý tài sản, đầu tư vốn cổ phần và quỹ đầu tư quốc gia này hiện vẫn nắm giữ 10,3 tỷ USD cổ phần kém thanh khoản đang… "treo lửng lơ" trong công ty con Ant là Ant International. Họ đã rót tiền đầu tư trong một đợt huy động vốn trước IPO ở nước ngoài vào năm 2018.

Tuy nhiên, kể từ khi đợt IPO "bom tấn" bị Bắc Kinh yêu cầu dừng thực hiện vào cuối tháng 11, nhóm nhà đầu tư này đã không được cung cấp bất kỳ thông tin rõ ràng nào về việc đợt niêm yết sẽ được tái khởi động, mức định giá và hoạt động kinh doanh sẽ như thế nào sau khi tái cơ cấu theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.

Theo một thỏa thuận giữ Ant và một nhóm được gọi là nhà đầu tư quốc tế Hạng C, số tiền mặt trên đã được đổ vào 1 công ty con ở nước ngoài mà không sở hữu bất kỳ tài sản nào. Ngoài việc không có quyền biểu quyết, có rất ít điều khoản thương mại về thỏa thuận này trong bản báo cáo bạch IPO của Ant.

Một số nhà đầu tư đang tiến hành xem xét lại tình hình, bao gồm cả cân nhắc việc kiện tụng, theo nguồn tin thân cận. Tuy nhiên, họ cho biết một số nhà đầu tư tỏ ra lưỡng lự trước viễn cảnh kiện tụng, trong khi lý do chính xác khiến Ant phải hoãn thương vụ IPO vẫn chưa rõ ràng.

Một trong những luật sư hiểu về vấn đề này nhận định, kết quả ở đây là nhà đầu tư vào Ant Financial đã gặp rắc rối. Ông nói: "Có một số thỏa thuận về những gì sẽ diễn ra trong trường hợp xấu. Nhưng những lựa chọn về kế hoạch dự phòng không bao giờ được như vậy. Đối với nhà đầu tư quốc tế, những thỏa thuận này là một sự bất ngờ đối với niềm tin của họ."

Một nhà quản lý quỹ cho biết việc thành lập công ty nước ngoài không phải là điều bất thường, đây là 1 cách để ứng phó với luật sở hữu nước ngoài của Trung Quốc trước thềm IPO. Người này nhận định, điều bất thường ở đây là sự thiếu rõ ràng về thỏa thuận trong trường hợp IPO bị hủy và quyền của cổ đông bị hạn chế.

Trung Quốc đã đình chỉ đợt niêm yết kép của Ant tại Hồng Kông và Thượng Hải chỉ vài ngày trước khi sự kiện này được khởi động. Trong khi đó, thương vụ này có thể trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho biết sẽ đưa ra những thay đổi về quy định đối với các công ty fintech.

Việc giới chức đình chỉ thương vụ IPO này diễn ra ngay sau khi Jack Ma thẳng thắn chỉ trích các cơ quan quản lý và NHTW Trung Quốc trong bài phát biểu trước công chúng. Ant là công ty "thống trị" mảng thanh toán di động ở quốc gia này, thông qua ứng dụng Alipay. Sau bài phát biểu, Bắc Kinh đã triệu tập Jack Ma cùng các giám đốc điều hành của Ant và ông cũng chưa từng xuất hiện trước công chúng kể từ đó.

Dù nhóm nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ của Ant đã được hoàn trả tiền, nhưng nhóm rót tiền cho Ant International ở nước ngoài lại đối mặt với tình trạng không chắc chắn.

Những công ty khác tham gia vào thương vụ này bao gồm công ty cổ phần tư nhân Carlyle và Warburg Pincus, ngân hàng đầu tư Credit Suisse, nhà quản lý tài sản T Rowe Price và các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn của châu Á: Temasek và Khazanah Nasional Berhad.

Dickson Ng – đối tác mảng thị trường vốn tại công ty luật Eversheds Sutherland, cho biết, nhu cầu cao đối với việc huy động được vốn ở nước ngoài cho thấy Ant đã ở trong vị thế rất quyền lực để có thể đưa ra những điều khoản thương mại mà theo đó các nhà đầu tư đều có một phần nhỏ.

Ông nói thêm: "Tôi nghi ngờ rằng họ có thể đàm phán hoặc yêu cầu về một số quyền trong trường hợp công ty không thể thực hiện IPO trong khung thời gian nhất định. Sau đó, nhà đầu tư sẽ nhận được thêm khoản hoàn trả."

Wong Kok Hoi – CFO của APS Asset Management đã nhận được khoản hoàn trả của Ant trước khi bị đình chỉ. Ông cho biết, những nhà đầu tư này đang bị mắc kẹt. Điều này có thể khiến bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nào của Ant có được lợi thế đàm phán. Wong nói thêm: "Tôi không nghĩ rằng đợt IPO sẽ diễn ra vào năm nay hay thậm chí là năm sau, do Trung Quốc vẫn chưa ban hành các quy định mới và Ant cần phải hoàn thành việc tái cơ cấu."

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM