Reuters: Cùng kiểm soát được Covid-19, Việt Nam phục hồi du lịch tốt hơn New Zealand

27/06/2020 11:18 AM | Xã hội

Reuters nhận định sự phục hồi du lịch ở New Zealand dự kiến sẽ chậm, trái ngược với Việt Nam, ví dụ điển hình về thành công trong phòng chống Covid-19 ở châu Á.

Startup du lịch của Laura Douglas, một trang trại được bao quanh bởi những ngọn núi phủ tuyết ở phía nam New Zealand, đã thu hút hàng trăm du khách nước ngoài mỗi tháng cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào tháng 3 khiến mọi thứ bị ngừng trệ.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters, Laura cho biết: "Tôi đang phải làm thêm công việc là bác sĩ thú y để trang trải các hóa đơn trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh".

Tờ Reuters nhận định sự phục hồi của những nơi phụ thuộc và du lịch ở New Zealand dự kiến sẽ chậm, trái ngược với du lịch Việt Nam, một ví dụ điển hình về thành công trong phòng chống Covid-19 ở châu Á.

Cả hai nước đều đã dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan đến Covid-19, trừ du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong khi ngành du lịch New Zealand đang gặp khó khăn vì phụ thuộc nhiều vào khách nước ngoài, dữ liệu cho thấy du lịch Việt Nam đã hồi phục nhờ du khách nội địa.

Công ty phân tích du lịch Cirium cho biết tháng 7 thường là mùa du lịch cao điểm ở New Zealnd nhưng các chuyến bay theo lịch trình đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí nhiều chuyến đã bị hủy.

Nhu cầu đặt phòng hàng tuần trên Airbnb hay Vrbo trong tháng 7 đã giảm 55% so với năm ngoái và việc phục hồi là không thể xảy ra cho đến cuối năm nay.

Còn ở Việt Nam, câu chuyện lại rất khác bởi các tour du lịch nội địa đã giúp lấp đầy khoảng trống. Trong tháng 7, hơn 26.000 chuyến bay dự kiến sẽ cất cánh với 5 triệu hành khách, tăng 16% và 24% so với năm ngoái.

Reuters: Cùng kiểm soát được Covid-19, Việt Nam phục hồi du lịch tốt hơn New Zealand - Ảnh 1.

Khung cảnh tại đảo Phú Quốc.

Ông chủ một công ty đặt phòng ở Việt Nam cho biết đơn vị của ông đang xử lý sự tăng đột biến trong việc đặt chỗ bởi du khách trong nước đang tranh thủ lúc các doanh nghiệp giảm giá để đi du lịch.

Đề cập đến nỗ lực của chính quyền trung ương và địa phương trong việc thúc đẩy du lịch nội địa, ông cho biết: "Nhiều người trước đây không có điều kiện trải nghiệm dịch vụ 5 sao nay đã tận dụng các chương trình giảm giá để trải nghiệm".

Du lịch bằng đường hàng không đã trở thành một phương thức phổ biến ở Việt Nam và không chỉ vậy, các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay mới cũng như tung ra hàng loạt vé máy bay một chiều với giá chỉ 69.000 đồng.

Phân tích của Reuters về dữ liệu chuyến bay từ FlightRadar24 cho thấy thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng đảo Phú Quốc và vịnh Cam Ranh (hai điểm nóng du lịch của Việt Nam), là những điểm đến hàng đầu tính đến giữa tháng 6, sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ từ cuối tháng 4.

Ở New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern cũng đang kêu gọi người dân du lịch tại chỗ và trải nghiệm vẻ đẹp của nơi mình sinh sống. Bà cũng kêu gọi các doanh nghiệp xem xét chính sách làm việc 4 ngày/tuần và chính phủ nước này đang tích cực xem xét công bố thêm các ngày nghỉ lễ trong năm nay để mọi người có thêm thời gian đi du lịch.

Mới đây, bà Ardern đã tham gia khai mạc mùa trượt tuyết ở điểm du lịch nổi tiếng Queenstown với hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy du lịch nội địa.

Một số người dân New Zealand đã hướng ứng lời kêu gọi của bà Ardern và bắt đầu đi du lịch trong nước vào cuối tuần. Nhu cầu về khách sạn và cho thuê ngắn hạn tuy tăng nhưng với tốc độ chậm.

Một số công ty lữ hành cho biết gói cứu trợ trị giá 257 triệu USD mà New Zealand để hỗ trợ lương và chi phí khác cho ngành công nghiệp du lịch là không đủ vì khách nước ngoài vẫn chưa thể đến đây.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM