Ray Dalio: Vị tỷ phú mê vàng hơn tiền số, xây dựng nên quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới nhờ chơi chứng khoán từ năm 12 tuổi
"Nếu bạn dí súng vào đầu tôi để bắt chọn giữa vàng và tiền số, tôi sẽ chọn vàng", Dalio thừa nhận.
Tính đến tháng 1/2022, tạp chí Forbes ước tính tỷ phú Ray Dalio có khoảng 20 tỷ USD tài sản, xếp thứ 88 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Điều đặc biệt là sự nghiệp của vị tỷ phú này gắn chặt với vàng, loại tài sản trú ẩn đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư trong bối cảnh bất ổn địa chính trị hiện nay.
Bằng tài năng của mình, Dalio đã sáng lập và xây dựng Bridgewater Associates trở thành quỹ đầu tư phòng hộ (Hedge Fund) lớn nhất thế giới với khoảng 150 tỷ USD tài sản.
Có một câu chuyện khá thú vị về Dalio rằng ông thường xuyên tặng đồng xu vàng cho người thân vào mỗi dịp lễ hay mừng sinh nhật. Theo Dalio, đây là thứ tốt nhất để những người trẻ học về cách tiết kiệm và tài sản hữu hình thay vì những món đồ xa xỉ hay tiền bạc.
"Chúng sẽ sẽ chẳng thể tiêu những đồng vàng đó. Chúng sẽ phải để dành và chỉ có thể đem ra dùng vào lúc cần kíp nhất. Mục đích của tôi là khiến chúng truyền lại những đồng vàng này cho thế hệ con cháu để học về cách tiết kiệm và đầu tư", Dalio nói.
Bất chấp những lời chỉ trích của Warren Buffet rằng vàng chẳng có tác dụng gì, Ray Dalio vẫn cho rằng thứ tài sản này có số lượng giới hạn và là hầm trú ẩn an toàn cho mọi thời kỳ.
Có niềm tin vào vàng như vậy nhưng Dalio lại chẳng mặn mà mấy với tiền số, thứ từng được kỳ vọng là "vàng số" trong tương lai.
"Nếu bạn dí súng vào đầu tôi để bắt chọn giữa vàng và tiền số, tôi sẽ chọn vàng", Dalio thừa nhận.
Vàng là chân lý
"Nó chẳng hợp lý tý nào" là những gì mà Ray Dalio nhận định khi được hỏi liệu tiền số có thay thế được vàng và tăng giá gấp 10 lần trong 5 năm tới hay không. Với Dalio, tiền số chỉ là một trong nhiều kênh đầu tư nhằm đa dạng hóa danh mục chứ không hơn.
"Tôi sở hữu rất ít Bitcoin, tôi không phải là người hâm mộ tiền số", Dalio cho biết.
Theo vị tỷ phú này, vàng mới là chân lý. Vào năm 2019, Dalio đã có bài viết khẳng định nên đầu tư thêm vào vàng do những biến động về kinh tế làm gia tăng độ rủi ro của thị trường trong thời gian tới. Ngay lập tức, quỹ Bridgewater đã đổ hơn 400 triệu USD đầu tư vàng trong quý II/2020. Bước sang năm 2021, các ngân hàng trung ương đã nắm giữ hơn 35.000 tấn vàng, chiếm 1/5 tổng số vàng khai thác từ trước đến nay và là mức kỷ lục chưa từng có.
Với bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao nhất 40 năm qua, gần chạm ngưỡng 8% tại Mỹ thì vàng mãi là chân lý với Dalio.
Trong khi đó, Dalio cho rằng tiền số cũng phần nào chống được lạm phát nhưng tính ổn định kém, chưa kể sẽ gặp rắc rối về pháp lý ở nhiều nơi. Vào cuối năm 2021, giá tiền số đã giảm mạnh và làm tan vỡ giấc mỡ "vàng số" của hàng loạt nhà đầu tư. Giá Bitcoin đã xuống dưới mốc 36.000 USD trong khi các ngân hàng bối rối với việc tiếp tục tung tiền kích thích kinh tế hay nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Tờ Fortune nhận định giá tiền số đã mất hơn 20% kể từ đầu năm đến nay và gần như đình trệ kể từ mức đỉnh kỷ lục 69.000 USD vào tháng 11/2021. Rõ ràng, tiền số chưa thể so sánh được với vàng.
Làm giàu từ 2 bàn tay trắng
Ray Dalio được sinh ra ở Jackson Heights thuộc quận Queens, thành phố New York. Ông là con một trong gia đình với mẹ là nội trợ và cha là một nhạc sĩ nhạc jazz. Cậu bé Ray Dalio khi đó rất thích thể thao và chơi với bạn bè, nhưng không thích những việc mà cậu bị yêu cầu làm ở trường, đặc biệt là học thuộc lòng.
Từ năm 12 tuổi, ông đã làm việc kéo bao gậy tại Câu lạc bộ Goft Links nơi có những khách hàng thường lui tới có Công tước xứ Windsor và cựu tổng thống Richard Nixon. Đó cũng là lúc ông dùng những đồng tiền mình kiếm được để mua cổ phiếu đầu tiên trong đời. Với khoản đầu tư 300 USD vào hãng hàng không Northeast Airlines, Dalio đã kiếm được gấp 3 lần số vốn đầu tư sau khi công ty này sáp nhập với hãng khác.
Bước vào trung học, Dalio tiếp tục chơi chứng khoán và thậm chí đầu tư trên cả thị trường hàng hóa kỳ hạn (Commodity Futures). Đến khi lên cấp 3, Dalio đã xây dựng được cả 1 danh sách đầu tư với tài sản hàng nghìn USD.
Đây cũng là thời điểm Dalio và bạn bè bắt đầu chung tay lập các công ty nhỏ, tiền thân cho quỹ Bridgewater sau này.
Khi 26 tuổi, Dalio thành lập Bridgewater Associates trong chính căn phòng 2 giường ngủ của mình tại căn chung cư ở thành phố New York. Tuy nhiên, với Dalio, thành công không phải là con đường thẳng tắp.
Bảy năm sau khi đưa công ty vào vận hành và có những thành công nhất định, ông đã đặt cược vào 1 thương vụ tồi khiến ông phải vỡ nợ và suy sụp tinh thần.
"Vì đánh giá sai thị trường và đưa ra quyết định sai, tôi mất hết tiền của mình, của khách hàng, của công ty, tôi phải để mọi người trong công ty ra đi...Lúc đó, tôi túng quẫn tới mức phải mượn 4.000 USD từ cha tôi để thanh toán các hóa đơn chi phí cho gia đình. Hai chiếc xe trong gia đình cũng phải thanh lý để trả các khoản nợ của công ty." Ray Dalio nhớ lại.
Đó là kinh nghiệm quý giá giúp Dalio rút ra chiến thuật cho riêng mình: Khuyết khích những bất đồng suy nghĩ trong những cuộc thảo luận cũng như cố gắng tạo ra những ý kiến khác nhau để có được câu trả lời cuối cùng.
May mắn thay, tài đầu tư của Dalio được chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s công nhận và ký kết, qua đó giúp quỹ Bridgewater của ông phát triển mạnh. Đến năm 1987, việc vẫn tăng trưởng trong khi thị trường đổ vỡ khiến Dalio trở nên nổi tiếng. Năm 2005, quỹ Bridgewater trở thành quỹ đầu tư phòng hộ lớn nhất thế giới.
Đôi khi, cuộc sống sẽ giáng xuống đời bạn những cú đánh đau đớn, nhưng điều đó cũng không hẳn là tồi tệ. Chỉ cần bạn có cách nhìn nhận đúng đắn, mọi kinh nghiệm đều ẩn chứa những cơ may và tỷ phú Ray Dalio là một minh chứng điển hình cho người giàu đứng lên từ thất bại.
*Nguồn: CNBC, Fortune