Rạp chiếu phim: Hạn chế 'riêng tư' là tôn trọng chính mình
Không chỉ rạp chiếu phim mà ở mọi không gian công cộng như siêu thị, nhà sách, xe bus, thang máy... đều không tồn tại sự riêng tư.
01
Có một dạo, cư dân mạng đã bàn tán xôn xao phía dưới topic về những bí mật nghề nghiệp mà chỉ có người trong ngành mới biết. Gây choáng váng hàng đầu là chia sẻ đến từ nhân viên ở rạp chiếu phim: Bạn đang ngồi trong rạp xem phim và có ai đó đang ngồi nhìn bạn ở một phòng khác.
“Đừng nghĩ rằng bạn vô hình khi đèn trong phòng chiếu tắt đi. Bởi các rạp đều có camera hồng ngoại, không chừa bất cứ góc nào trong phòng và mọi thứ bạn làm đều bị giám sát. Vì vậy những việc làm không mấy đẹp mắt của bạn trong rạp chiếu phim đều được ghi lại hết đó nhé!” - người này nói thêm.
“Bạn đang xem một bộ phim lớn, chúng tôi đang xem một bộ phim nhỏ, chính là màn hình ghi lại hoạt động của bạn” - một người khác trong nghề đồng tình.
Ngay từ thời điểm này, câu chuyện về sự riêng tư ở rạp chiếu phim đã thu hút nhiều sự quan tâm. Có người cho rằng việc lắp camera giám sát như vậy là xâm phạm quyền riêng tư của người xem. Tuy nhiên phần lớn ý kiến đều khẳng định không có chuyện xâm phạm ở đây vì rạp chiếu phim là nơi công cộng, lắp camera là chuyện bình thường và đúng đắn.
02
Trong không gian công cộng, sự riêng tư không tồn tại.
Xe bus hay tàu điện là phương tiện di chuyển công cộng. Bạn không thể lên xe và dõng dạc hô “bao vé” rồi sử dụng như xe riêng của mình.
Công viên là nơi vui chơi công cộng. Bạn có thể chạy bộ, chơi cầu lông hay đi dạo tuỳ ý nhưng không thể xem đó như sân vườn nhà mình.
Rạp chiếu phim là không gian sinh hoạt giải trí công cộng. Khi đi xem phim, bạn không thể coi đó là nhà riêng và đòi hỏi người khác phải tôn trọng sự riêng tư của mình. Nếu muốn xem phim mà riêng tư như ở nhà thì chỉ có cách làm một phòng xem phim tại gia mà thôi.
Nhưng những ví dụ này không đồng nghĩa với việc coi thường sự riêng tư của người khác bởi bất kỳ ai cũng có quyền được bảo vệ sự riêng tư. Điều quan trọng ở đây là sự riêng tư cần được thực hiện ở đúng tình huống và đúng môi trường.
Nếu những hình ảnh trong camera giám sát ở rạp chiếu phim bị phát tán công khai thì đó là hành vi xâm phạm quyền riêng tư, cần bị chỉ trích, thậm chí xử phạt theo quy định của pháp luật. Còn nếu đi xem phim bình thường, ai cũng như ai thì rất khó để nói chuyện riêng tư. Một khi xuất hiện ở nơi công cộng là bạn đã chấp nhận được phục vụ như nhiều người khác.
03
Tất nhiên, bạn hoàn có thể chi tiền để bao cả một rạp chiếu phim, nhà hàng,... vì muốn có những giây phút thoải mái, riêng tư bên gia đình và người thân. Đây không phải chuyện hiếm với người nổi tiếng hay có đủ điều kiện kinh tế.
Năm 2003, một siêu thị tại Florida (Mỹ) đã đóng cửa, thông báo không nhận thêm khách để “ông hoàng nhạc Pop” Michael Jackson có thể đi siêu thị như người bình thường. Tại đây, Michael Jackson mua một vài món hàng, thong thả đẩy xe ngắm hàng hoá. Hoạt động tưởng rất đơn giản với nhiều người nhưng lại là ước mơ của nam ca sĩ, bởi mỗi lần anh xuất hiện đều có rất nhiều người tập trung xin chữ ký.
Thời điểm diễn ra sự việc là nửa đêm và những vị khách trong siêu thị là do người quen của Michael Jackson đóng giả. Sau khi Michael Jackson qua đời, những hình ảnh đi siêu thị này đã được đăng tải và sự thật về chúng cũng được chia sẻ khắp nơi, không còn là sự riêng tư như mong muốn ban đầu của chính chủ nữa.
Quay lại câu chuyện ở rạp chiếu phim, ngay cả khi bao rạp rồi thì sự riêng tư cũng chỉ mang tính tương đối.
Đầu tiên, phải kể đến quá trình di chuyển từ bãi đỗ xe lên phòng chiếu phim. Không khó để nhận ra nhiều rạp phim được đặt ở các trung tâm thương mại với lượng người ra vào thường xuyên. Vậy nên tỷ lệ đi xem phim ngoài rạp mà không gặp ai đó gần như bằng không.
Tiếp theo, ngay cả khi bao rạp và không bị ai bắt gặp thì như đã nói, những địa điểm như rạp chiếu phim sẽ có camera an ninh ở khắp mọi nơi ghi lại các hoạt động của bạn.
Tạm kết
Riêng tư là quyền của mỗi người và xứng đáng được tôn trọng, bảo vệ. Nhưng không phải lúc nào sự riêng tư cũng được ủng hộ, nhất là những nơi công cộng như rạp chiếu phim. Quan trọng giữ cách ứng xử văn minh, tử tế và khách quan trong mọi tình huống.