Rạng sáng mai, bầu trời xuất hiện 2 hành tinh hợp nhất

29/04/2022 22:15 PM | Công nghệ

Rạng sáng 30-4 và 1-5, chỉ bằng mắt thường, những người yêu thích thiên văn có thể quan sát 2 hành tinh sáng rõ trên bầu trời "va chạm", hợp nhất thành một thiên thể kỳ ảo duy nhất.

Theo NASA, đó sẽ là một sự hợp nhất không hoàn toàn bởi các hành tinh vẫn lệch nhau 0,2 độ, nhưng hầu như với góc nhìn bằng mắt thường, chúng ta sẽ thấy 2 thiên thể hoàn toàn tạo thành một khối. Đó là sao Kim và sao Mộc, 2 trong số các vật thể thiên văn dễ dàng quan sát nhất trên bầu trời nên bạn sẽ không gặp chút khó khăn nào để chiêm ngưỡng.

Cảnh tượng ngoạn mục này tiếp tục lặp lại vào rạng sáng 1-5, 2 hành tinh vẫn lệch nhau một chút nhưng vị trí sẽ bị đảo ngược, theo Science Alert.

Rạng sáng mai, bầu trời xuất hiện 2 hành tinh hợp nhất  - Ảnh 1.

Ảnh đồ họa của NASA mô tả cảnh tượng tương lai theo góc nhìn từ Huntsville, Alabama - Mỹ, trong đó vật thể sáng nhất trên bầu trời chính là 2 hành tinh hợp nhất - Ảnh: NASA

Tất nhiên, Sao Kim và Sao Mộc không thực sự hợp nhất theo nghĩa đen mà chỉ hợp nhất theo góc nhìn của người Trái Đất, khi chúng vô tình thẳng hàng theo phương quan sát từ phía chúng ta.

Đây là sự kết hợp hành tinh thứ 2 mà người Trái Đất có cơ hội quan sát trong tháng 4. Trước đó sao Hỏa và sao Thổ đã có một màn hợp nhất ngoạn mục như vậy.

Theo nhận định từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, màn hợp nhất vào rạng sáng 30-4 là một kết hợp "cực gần" và đáng để chiêm ngưỡng. Nếu bạn có ống nhòm hoặc kính thiên văn, bạn có thể quan sát chúng rõ ràng hơn, thậm chí một số mặt trăng của Sao Mộc có thể hiện ra qua kính thiên văn.

Theo Earth Sky, sao Kim sẽ có cường độ chiếu sáng là -4 và Sao Mộc là -2,1, đủ để quan sát rõ ràng. Thời điểm quan sát rõ nhất là 1 giờ trước bình minh. Bạn cũng sẽ không sợ ánh sáng trăng che lấp các hành tinh bởi đây là thời điểm trăng non.

Theo dự báo của NASA, một màn hợp nhất ngoạn mục hơn sẽ xảy ra vào ngày 24-6 sắp tới: tất cả các hành tinh khác của Mặt Trời sẽ thẳng hàng theo góc nhìn từ Trái Đất, gần như kết hợp thành 1 "siêu hành tinh" duy nhất. Đa số các hành tinh có thể quan sát bằng mắt thường, bạn sẽ chỉ cần kính thiên văn đối với sao Thiên Vương và sao Hải Vương.

Theo Anh Thư

Cùng chuyên mục
XEM