Ra trường đi làm 10 năm, bạn đã mua được nhà riêng chưa?
Thời điểm sau khi ra trường, đi làm 10 năm, chúng ta khoảng 32 - 35 tuổi. Đó là độ tuổi mà dù có nhà riêng hay chưa, đó cũng là một vấn đề quan trọng trong cuộc đời của chúng ta.
Sau 10 năm đi làm, cuộc sống của chúng ta đa phần đều rẽ hướng theo một cách rất khác biệt mà những năm tháng đầu tiên vào đời, ta không thể đoán định được.
Có người đã nhanh chóng thăng tiến, có vị trí ổn định trong cơ quan, thu nhập tốt, có nhà, có xe… Có người vẫn loay hoay với những thử nghiệm, phiêu lưu trong cuộc đời. Có người chọn sống bình lặng, vui vẻ bên gia đình, không cần gồng lên kiếm tiền, mua nhà bằng mọi giá.
Nhưng dù bàng quan hay đầy những trăn trở, nhà riêng sẽ là câu chuyện chung của phần lớn chúng ta sau 10 năm đi làm. Đó sẽ là một dấu mốc quan trọng của cuộc đời, và đối diện với nó như thế nào là lựa chọn riêng của chúng ta.
“Cày như trâu” để phấn đấu mua nhà trước tuổi 35
Với vợ chồng Đỗ Thị Dung, có được một căn nhà của riêng mình là mục tiêu cực kỳ quan trọng. Cả hai đều ở tỉnh khác đến sống và làm việc tại Sài Gòn. Hồi sinh viên, mới ra trường, mới cưới, họ hoàn toàn ổn với việc ở nhà thuê. Nhưng khi có con, mua nhà trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Với giá thuê nhà ở mức khá cao như ở Sài Gòn, Dung tính toán, vợ chồng cô cần bỏ ra 8 - 9 triệu nếu muốn con có nhiều không gian hơn. Vậy là, với tổng thu nhập 10 - 12 triệu vào năm 2012, họ quyết tâm mua nhà. Căn nhà đầu tiên của họ ở Hóc Môn, rộng 24m2, xây 2 tầng và có giá 300 triệu.
Dù thu nhập không cao, nhưng Dung vẫn có tiền tiết kiệm nhờ chính sách hạn chế chi tiêu ngay từ khi cưới. Đi làm được 3 năm, vợ chồng Dung dồn được 150 triệu và vay thêm 150 triệu nữa của người thân (không tính lãi).
Có nhà riêng trước tuổi 35 không phải là ước mơ xa với, nếu bạn có kế hoạch từ khi mới ra trường. (Ảnh minh họa)
Chính sách tằn tiện vẫn được áp dụng triệt để, và sau 3 năm, vợ chồng cô trả hết nợ. Cả hai vợ chồng cũng cố gắng nâng cao thu nhập bằng cách nhận thêm việc part-time, tranh thủ học thêm để tăng cơ hội có thu nhập tốt hơn. Khi ra trường được 8 năm, năm 2017, vợ chồng Dung mua thêm được một mảnh đất nhỏ ở ngoại ô.
Quyết định mua nhà lớn hơn đến vào năm 2019, tròn 10 năm ra trường của Dung. Dồn tiền từ các nguồn: Bán miếng đất nhỏ, bán cái nhà nhỏ đang ở và vay nợ 1,2 tỷ, họ mua được căn nhà rộng hơn 75m2, giá 2,5 tỷ ở quận 12.
Thời điểm đó, tổng thu của hai vợ chồng tăng lên khoảng 45 triệu/tháng. Họ vẫn “ghìm” chi tiêu ăn uống sinh hoạt, con cái chỉ 15 triệu/tháng và toàn bộ phần còn lại gom để trả nợ ngân hàng. Sau 1 năm, họ đã trả bớt được 350 triệu. Hiện tại, gia đình Dung còn thiếu nợ khoảng 800 triệu. Với khoản chi mỗi tháng khoảng 20 triệu cho cả gia đình, họ dồn phần còn lại để trả nợ, dự kiến khoảng 2 - 3 năm.
Dù vẫn chưa thể “bung lụa” đi du lịch sang chảnh hay hưởng thụ những dịch vụ xa xỉ, nhưng với vợ chồng Dung, chỉ cần lo được cho các con học ở trường khá tốt (so với chi trả), có nhà rộng với không gian thoải mái, riêng tư để sống và môi trường tốt, thế là đủ đề đánh đổi cho những năm tháng tiết kiệm rồi!
Bế tắc, đau khổ vì đi làm 10 năm vẫn chưa an cư
Chưa có nhà thì đi thuê, bao giờ thấy ổn mua nhà cũng chưa muộn, đó là quan niệm của nhiều người, không phải của chị Ngọc Linh (Đống Đa, Hà Nội). Nói cho công bằng, không hẳn là gia đình chị chưa có nhà, mà là chưa có nhà riêng.
Hiện tại gia đình chị đang sống cùng 2 gia đình khác (bố mẹ chồng, anh trai - chị dâu chồng) trong căn nhà 40m2, 5 tầng. Nhà được bố mẹ chồng chị xây vài chục năm và cơi nới thêm để các gia đình có không gian riêng tư. Về cơ bản, đó cũng giống như một căn hộ mini, có đủ tiện ích từ bếp, toilet, phòng ngủ riêng.
Nhưng chị Linh vẫn trăn trở chuyện cái nhà, vì cho rằng mình vẫn đang “ở nhờ” nhà chồng. Hơn nữa, việc “cả thế giới” xung quanh, từ bạn cấp 3, bạn Đại học, đồng nghiệp cho đến họ hàng xung quanh, phần lớn đều đã có nhà riêng khiến chị càng cảm thấy áp lực.
“Nếu không thúc đẩy, không ép mình tiến lên thì sẽ cứ làng nhàng như thế mãi, mình sẽ chẳng bao giờ có nhà riêng. Mà một mình mình gánh vác đi vay hay trích lương để mua căn hộ cũng khó, cuộc sống thường ngày còn bao món phải lo” - Linh thở dài.
Nhà chỉ là chỗ để ở hay là tài sản tích lũy, xác định được điều đó, bạn sẽ biết mình có cần mua nhà hay không. (Ảnh minh họa)
Trong khi vợ sốt xình xịch vì cho rằng, ở tuổi 33 mà chưa có tích lũy, chưa lên kế hoạch mua nhà thật “báo động”, chồng chị thì thủng thẳng “có ở hết đâu mà vẽ chuyện”. Chồng chị Linh cho rằng, trong quận trung tâm, thế là đủ không gian để sống, tốt hơn nhiều so với đi thuê trọ.
Anh tính toán, với tổng thu nhập chỉ 23 triệu/tháng của anh chị, nếu phải bỏ ra 5 - 6 triệu để thuê nhà hoặc mua nhà dự án, sẽ rất chật vật để sống. Chưa kể đến những khả năng thay đổi công việc, biến động tài chính, những chuyện đột xuất như ốm bệnh… có thể là áp lực rất lớn khiến tất cả căng thẳng.
Với anh, đó là một cuộc đầu tư quá mạo hiểm mà khả năng có lợi không cao. Anh gợi ý, họ có thể tiết kiệm nhẹ nhàng 2 - 3 triệu/tháng trong một thời gian dài, đến khi có tấm có món thì đầu tư kinh doanh, hoặc mua đất nền ở xa xa thành phố, coi như của để dành. Còn chỗ ở, có rồi thì không cần nghĩ nhiều nữa.
Mua thì mua, chẳng mua thì thuê, sao phải vội
Vợ 36, chồng 40, con 1 đứa, tổng thu nhập sương sương khoảng 42 - 45 triệu/tháng, gia đình Mai Vân vẫn đang ở nhà thuê. Gia đình cô sống ở một chung cư cao cấp gần cầu Sài Gòn, giá thuê 12 triệu/tháng. Cô khẳng định, dù có thu nhập “không đến nỗi nào”, vợ chồng cô chưa có ý định mua nhà, ít nhất là trước khi thực sự cần kíp.
Vân quan niệm, người ta mua nhà đôi khi không phải vì không có chỗ đủ thoải mái để ở, mà để đầu tư hoặc coi như của thừa kế cho con. Với vợ chồng cô, con còn nhỏ nên chưa cần nghĩ đến việc để của cho con, cũng không quá bí bức về nơi ở. Theo tính toán của Vân, để sở hữu một căn nhà ưng ý ở Sài Gòn, sẽ cần khoảng 3 - 5 tỷ để tậu đất, cất nhà.
Phương án mua căn hộ có thể kinh tế hơn một chút, nếu căn hộ có diện tích nhỏ, hoặc xa trung tâm. Như vậy thì lựa chọn trường học cho con có thể hạn chế; mà để học trường như ý, tiện ích tối ưu, học các môn năng khiếu… có thể vất vả vì di chuyển quá xa.
Với thu nhập khá ổn định như hiện tại, nhưng gia đình hai bên đều ở quê, không thể hỗ trợ tài chính, Vân cho rằng vợ chồng cô chưa thể tự lực cánh sinh mua nhà mà không vay nợ. Cô không sẵn sàng cắt giảm sinh hoạt phí, giữ được nếp sống thoải mái, đầu tư rất nhiều vào giáo dục cho con như hiện tại để mua nhà. Do đó, Vợ chồng Vân chọn cách ở nhà thuê, sống thoải mái và tích lũy dần để không phải chịu bất kỳ khoản lãi vay lẫn áp lực nào.
Ở nhà thuê mà sang xịn, mọi thứ vui vẻ, đời sống cao hay chấp nhận áp lực để mua nhà, đó tùy thuộc vào bạn. (Ảnh minh họa)
“Tôi nghĩ quan trọng là an ninh tài chính của bạn chứ không quan trọng là bạn sở hữu những gì. An ninh tài chính tốt thì dù bạn có nhà hay không có nhà vẫn có thể sống hạnh phúc, vui vẻ và không lo lắng. Nhà là thứ mà chúng ta chỉ cần 1 chiếc, mua 1 lần trong đời, nên không cần thiết phải gồng lên mua khi chưa có đủ tích lũy. Chúng ta mua nhà là để nâng cao chất lượng sống, để an cư, chứ không phải để rước về nỗi bất an, tiêu xài gì cũng “rón rén”.
Tôi thấy không công bằng khi bắt con hy sinh cơ hội được đầu tư giáo dục, bố mẹ phải kham khổ vừa gánh nợ tiền nhà vừa phải căn ke đủ thứ, muốn đi chơi xả stress cũng phải lăn tăn. Tôi không muốn nai lưng làm 2, 3 công việc, dành từ sáng đến tối ở ngoài đường để kiếm tiền. Có thể dành thời gian đó chơi với con hoặc làm gì đó khiến bản thân dễ chịu: nấu ăn, tập luyện, xem phim, ngủ…
Đó là chưa kể, con tôi sau này chưa chắc muốn sống ở Sài Gòn. Nó có thể chọn Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng… hoặc bất cứ tỉnh thành nào nó muốn, thậm chí có thể ra nước ngoài. Tôi nghĩ nghĩa vụ của mình không phải là kiếm cái nhà để làm của để dành cho con, vì chưa biết chừng nó còn thấy đó là phiền phức, ràng buộc nữa”.
Vậy thì, sau 10 năm ra trường, theo bạn có cần quyết chí mua nhà không, hay là đi thuê? Mua hay thuê, ấy là sở thích, nhu cầu và thu nhập của mỗi người.
Với người này thì việc mua được nhà trước khi bước vào tuổi trung niên là mục tiêu quan trọng; với người khác thì có thể thuê nhà cả đời mà sống vui vẻ, gia đình hạnh phúc, nơi ở yêu thích là điều tuyệt vời. Có khi còn đáng cổ vũ hơn nai lưng mua nhà nhưng vợ chồng hằm hè nhau, con cái khoán trắng cho ông bà trông.
Căn nhà chỉ là nơi che mưa che nắng, ở lâu thân thiết gắn bó thì đâu có phân biệt nhà thuê hay nhà mua. Ở đâu cũng được, mua hay thuê cũng được, miễn sao thấy kiếm sống tốt, dư dả tiền bạc, các thành viên trong gia đình đều hài lòng, thế là ổn rồi!