Ra quân xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn toàn quốc: Không né tránh xe biển xanh, công vụ
Từ hôm nay (15/3), Bộ Công an triển khai kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn trên cả nước và kéo dài cả năm. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an).
Thiếu tướng Trung cho biết: Trước đây khi Nghị định 100 vừa có hiệu lực, lực lượng chức năng triển khai công tác tuần tra, kiểm soát trên đường người vi phạm còn có bất hợp tác, chây ì, có những ý kiến phản ứng, không đồng tình. Tuy nhiên, đến nay dư luận nhân dân đã ủng hộ hoàn toàn. Người được kiểm tra, xử lý cũng hợp tác, chấp hành tốt. Điều này đã giúp lực lượng thực thi công vụ không mất nhiều thời gian giải thích, thuyết phục. Cùng với đó, tâm lý trong nhân dân hiện nay, hễ ngồi lên xe thì không uống rượu, bia; nếu đã uống sẽ không cầm lái. Đây là sự chuyển biến về nhận thức chứ không phải là hành vi ứng phó.
Tuy nhiên, trong khi người dân đã có chuyển biến về nhận thức, một số trường hợp người vi phạm là công chức, người đi trên xe biển số xanh, công vụ lại không thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ. Một số trường hợp bị kiểm tra đã chây ì; thậm chí chống đối, có lời nói, hành vi không đúng mực với lực lượng thực thi công vụ. Quan điểm của chúng tôi là với mọi trường hợp vi phạm nồng độ cồn , kể cả người điều khiển xe biển xanh, xe công vụ hoặc bất kì ai nếu vi phạm đều phải xử lý nghiêm, không né tránh.
Rà soát trong hồ sơ để xác định có tái phạm hay không
Ông có thể cho biết những điểm mới trong chỉ đạo triển khai kế hoạch xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn,sử dụng chất ma túy lần này?
Kế hoạch lần này được thực hiện tổng thể, đồng bộ, liên tục trên cả nước và không gián đoạn theo nội dung “Người điều khiển xe trên đường trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn…”. Địa điểm tập trung của kế hoạch lần này là các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy…
Đối tượng tập trung là xe mô tô, ô tô con, ôtô chở khách, ô tô tải, xe vận tải container, xe ôtô kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc. Đặc biệt, khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, ngoài xử lý lỗi vi phạm vừa bị phát hiện CSGT còn kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để xem trường hợp này có tái phạm. Nếu bị phát hiện tái phạm, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tăng nặng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm về sử dụng cồn, chất ma túy ở mức cao theo kế hoạch này, CSGT sẽ duy trì biện pháp gửi thông báo về nơi cư trú hoặc cơ quan công tác; với ma túy có thêm nội dung tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy; kiến nghị với ngành Giao thông vận tải có biện pháp xử lý tiếp trong các lần gia hạn, nâng hạng cấp bằng lái xe tiếp theo.
Thưa ông, Bộ Công an có biện pháp gì tránh tình trạng “nóng trên nguội dưới”, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, lâu dài?
Ngay sau khi lãnh đạo Bộ Công an ký kế hoạch, lãnh đạo Cục CSGT đã trao đổi cụ thể nội dung triển khai với Giám đốc Công an các tỉnh, thành. Theo đó, tất cả lãnh đạo Công an các tỉnh, thành đều thống nhất, từ kế hoạch của Bộ Công an mỗi địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, theo đặc thù của địa bàn mình để triển khai quyết liệt, đồng bộ. Với Cục CSGT, từ 1h ngày 15/3, lực lượng CSGT đảm bảo trật tự trên các tuyến cao tốc sẽ triển khai lực lượng để kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, chất gây nghiện theo kế hoạch mới của Bộ Công an.
Lãnh đạo Công an các tỉnh, thành đã thống nhất với Cục CSGT cập nhật báo cáo tình hình thực hiện về cơ quan thường trực là Cục CSGT hằng tuần, hằng tháng. Tiếp đến, cứ 3 tháng thì tổ chức họp sơ kết, đánh giá một lần. Qua công tác này, cùng với tiếp nhận những phát sinh, tồn tại trong quá trình triển khai, từ kết quả thực hiện được báo cáo chúng tôi sẽ biết được địa phương nào làm tốt, hiệu quả; địa phương nào làm chưa tốt, chưa hiệu quả.
Từ đó, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể với lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ về những địa phương làm tốt, những địa phương làm chưa tốt và vẫn để xảy ra tai nạn nhiều do rượu bia, chất gây nghiện. Lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Chính phủ căn cứ vào đó có các chỉ đạo, nhắc nhở và yêu cầu trong thời gian tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!