Không dễ gì để hẹn được anh Quyền Linh cho một buổi trò chuyện đúng nghĩa. Lịch trình di chuyển dày đặc vì các công tác thiện nguyện giữa những ngày giãn cách xã hội khiến lịch hẹn của chúng tôi phải rời đến 3-4 lần, để rồi cuối cùng mọi thứ diễn ra trên một chuyến xe mà anh trở về Sài Gòn từ miền Tây, trong vỏn vẹn hơn 1 tiếng điện thoại.
Dù vậy, chỉ trong 1 tiếng ấy chúng ta cũng đã có một câu chuyện thật đẹp về một con người vẫn đang mỗi ngày tích góp những điều tích cực cho Sài Gòn, cho mảnh đất yêu thương đang bệnh nặng, cho những mảnh đời đang vật lộn giữa cơn bão đại dịch khốc liệt. Ngay cả khi chạm đáy của những đau thương, ta vẫn cảm thấy thật ấm áp khi biết rằng ngoài kia, không chỉ có một Quyền Linh mà còn là rất rất nhiều người nữa, đang ngày đêm cố gắng khiến mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn...
Cái khác lớn nhất là tôi không còn khái niệm thảnh thơi nữa. Trước dịch, tôi còn ung dung ăn sáng, uống cà phê, bàn bạc về các show, trưa thì vào phim trường, quay đến tối thì về. Tối thì dẫn gia đình đi siêu thị, đi xem phim, có hôm thì lại cùng anh em lai rai để tìm các ý tưởng về nghệ thuật.
Bây giờ, mọi thứ dừng lại hết. Một ngày bình thường biến mất, nhường chỗ cho những ngày hoàn toàn khác lạ. Một ngày mà không bao giờ tôi có thể tưởng tượng ra nổi.
Trước dịch, tôi tham gia nhiều công tác thiện nguyện: Xây cầu, xây nhà, mổ tim, mổ mắt, hỗ trợ cho người nghèo, người dính chất độc màu da cam… Nhưng những công việc ấy tôi có thể làm bất cứ lúc nào. Muốn đi hôm trước thì hôm sau đi ngay, hô hào thêm bạn bè, cứ thế mà chất đồ lên xe. Một ngày thiện nguyện bình thường rất vui, vì ta được trò chuyện với mọi người dọc đường đi. Đến nơi rồi, ta sẽ gặp tận mặt người mình giúp đỡ. Ta nhìn thấy họ, bắt tay họ, cười với họ, ôm thật chặt, nói những lời động viên để thổi bùng lên tinh thần lạc quan trong họ. Ta biết tên họ, ta rõ nhân dạng họ.
Nhưng trong dịch, thiện nguyện là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ở đó ta không còn bạn bè, không còn được chủ động về thời gian. Và thay thế cho niềm vui lan tỏa kia là một sự sợ hãi vì có quá nhiều nguy hiểm. Chưa bao giờ, làm việc tốt lại gian nan như thế. Ta cần phải có giấy đi đường, phải vượt qua nhiều chốt chặn, những nhu yếu phẩm bình thường nhìn đâu cũng thấy thì bây giờ phải vất vả truy tìm. Chưa kể sự sợ hãi vì mình có thể là người tiếp theo nhiễm bệnh. Bằng hữu bên cạnh từ những ngày đầu mùa dịch cứ lần lượt rơi rụng. Có người sợ nguy hiểm cho gia đình nên dừng lại, có người đã nhiễm bệnh và đang chiến đấu trong những bệnh viện dã chiến.
Thiện nguyện trong dịch là câu chuyện cấp bách, tính bằng giờ, thậm chí bằng phút. Những tiếng kêu cứu vang lên mọi nơi không cho phép mình thảnh thơi. Và ta hoàn toàn không biết nhân dạng của họ. Những ngày đầu chỉ thị 15, người giúp và người nhận còn nhìn nhau qua đôi mắt, quà còn trao được tận tay. Bây giờ, người giúp không biết người nhận là ai, còn người nhận cũng chẳng biết mạnh thường quân là ai mà cảm ơn. Mọi thứ đều bị chia cắt bởi những hàng rào giãn cách. Mình dừng xe, để quà ở chốt rồi sẽ có người ra nhận. Mình không biết liệu quà sẽ đến tay ông Ba, ông Tư, bé Năm hay bé Hai nào đó. Những lời nói động viên không cách gì cất lên được.
Kết thúc một ngày rã rời và mỏi mệt, nằm trên giường, tôi luôn nghĩ mình vẫn còn may mắn lắm khi được di chuyển bên ngoài những hàng rào. Và ngày nào còn được ngủ bình yên trong nhà của mình là chừng đó tôi vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều so với hàng triệu người đang trong các bệnh viện dã chiến, trong những khu vực bị cách ly, hạnh phúc hơn hàng triệu người đang chiến đấu với cái đói và hàng triệu người đang không thể ra đường được. Mình đang có tất cả những thứ được gọi là hạnh phúc trong mùa dịch này: Bình an, sức khỏe, khả năng giúp đỡ và còn được ra đường nữa. Vậy mình phải cố lan tỏa hạnh phúc ấy thôi.
Tôi sợ nhiều lắm chứ. Tôi đâu còn trẻ, người cũng mang cả mớ bệnh nền. Ban ngày chạy xồng xộc không sao, nhưng đêm về thì nỗi sợ bao trùm. Sống năm chục năm trên đời, làm thiện nguyện hai chục năm rồi, có chuyện nguy hiểm nào mà mình chưa trải qua. Nhưng những hiểm nguy đã qua có gì thì mình tôi chịu, bây giờ thì nguy hiểm của mình sẽ trở thành nguy hiểm của cả gia đình. Nếu mình mắc bệnh thì vợ mình sao, hai đứa con chưa tiêm vaccine thì sao? Cứ một ngày trôi qua lại có thêm nhiều người mình biết nhiễm Covid. Muốn dừng lại lắm chứ.
Con người lý trí trong tôi nói: Quyền Linh ơi, mày đã làm được rất nhiều việc thiện rồi, đã đồng hành và chia sẻ hàng ngàn hoàn cảnh rồi, đã đi qua mọi cung đường đất nước rồi, mày nghỉ ngơi đi. Ở nhà cho vợ yên tâm, chăm vườn, xem phim, nghe nhạc và chờ dịch qua đi. Con đang lớn lên kìa, chơi với nó nhiều hơn đi. Đã rất nhiều lần tôi quyết định sẽ làm như vậy.
Nhưng sáng mở mắt ra, đọc tin nhắn và tin tức lại không chịu nổi, thế là lại chất đồ lên xe và lao ra đường lần nữa. Ban đầu bạn còn gọi mình: “Thôi đi anh ơi”, “Thôi đi Linh ơi”, sau dần ít người gọi hơn. Cuối cùng mình nhận ra: Chính tiếng nói lương tri gọi mình. Ngày nào tôi cũng chiến đấu với chính mình, ngày nào cũng thấy mình rơi vào một cuộc tiến thoái lưỡng nan. Nhưng lần nào con người lý trí của mình cũng thất bại.
Đúng rồi, làm sao mà giả vờ như mình không nghe thấy. Không chỉ nghe mà còn thấy. Thấy niềm vui của một đứa trẻ khi nhận cái bánh, của một gia đình khi nhận bao gạo, chai nước tương, thùng mì. Niềm vui ấy giúp mình vượt qua nỗi sợ hãi. Trời ơi chứ ai mà dám xưng anh hùng lúc này, ai dám đem mạng mình ra đấu với con Covid?
Như mấy ngày trước tôi đã định bỏ cuộc “lần thứ n” rồi, nhưng nghe bạn gọi: “Linh ơi nhà tao bị cách ly, xóm tao cả chục nhà trọ, ai cũng khổ hết” thì làm sao mình ở nhà nổi. Chạy đến giúp bạn thì xóm trọ kế bên chạy ra “chú Linh ơi, anh Linh ơi”. Lúc đó đã 5 giờ chiều rồi, nhưng tôi vẫn ráng tìm chỗ mua gạo. Họ chờ mình mà, họ nói với nhau là yên tâm đi Quyền Linh sắp tới rồi, sao mình có thể dập tắt cái hy vọng đó. Rồi vác gạo tới thì xóm kế bên lại “anh Linh ơi”. Cứ thế, họ cứ truyền tai nhau: “Anh Linh tới bên tao rồi sẽ qua bên mày”. Rồi làm sao mà mình dừng lại được.
Gần hai tháng rồi. Con ở ngay trong nhà mình, vậy mà muốn gặp con phải FaceTime hoặc chụp hình gửi qua Zalo, chứ đâu có dám ra khỏi phòng. Cảnh cha con rất gần mà cũng rất xa đau lòng chứ. Bình thường nghỉ hè thì cha con sẽ có nhiều thời gian ở bên cạnh nhau, đi chơi với nhau. Bây giờ thì lại xa cách ngay trong chính ngôi nhà của mình. Tôi muốn rời nhà đi chỗ khác ở tạm cho an toàn, nhưng nhà có mình mình là đàn ông thôi, nên dù về nhà với trăm mối lo vẫn phải về. Và đã về rồi thì lại phải… đi.
Tôi thú thực là mình quên luôn ngày sinh nhật của con. Không có bánh sinh nhật, không có quà cáp gì cả vào cái ngày hệ trọng đó. Nhưng bây giờ người ta đang cần ba của nó hơn, trong mùa dịch còn cần gấp trăm lần ngày thường. Nhiều người hỏi hoặc thậm chí trách tôi sao mày hy sinh tình cảm cha con? Nhưng tôi không cho đó là hy sinh gì cả. Giờ không chơi được với con thì sau dịch mình chơi. Mình buồn vì không được chơi với con, không được ôm con. Ngày xưa chiến tranh không lẽ người ta ở nhà ôm con hết thì bao giờ mới hòa bình? Con mình hiểu chứ, nó hiểu cha đang đi làm công việc. Ngay cả khi không hiểu thì nó cũng trách bây giờ thôi. Chứ lớn lên tôi tin nó sẽ hiểu cho ba nó, hiểu rồi thương khi biết chặng đường mà ba đã từng đi.
(Cười). Con người cảm xúc trong tôi phản biện lại: Quyền Linh à, mày chơi với con có vui được không, xem một bộ phim có hay được không, ăn một bữa cơm có ngon không khi biết bao nhiêu mảnh đời ngoài kia chỉ cần mình đến là họ có thể sẽ đi qua một khúc cua sinh tử. Mọi thứ bây giờ với tôi đều vô vị hết, một bộ phim hay cách mấy cũng không thể làm sao nhãng mình khỏi thực tại, một bài hát hay bao nhiêu cũng không làm mình vui lên. Đã nỗ lực vì bao mảnh đời ở miền Bắc, đã dầm mình trong mưa lũ miền Trung, sao có thể đứng ngoài nỗi đau của Sài Gòn, mảnh đất đã cho mình tất cả như vậy.
Tôi có niềm tin là không bao lâu nữa, chúng ta sẽ trở lại. Càng đi trong đường hầm lâu thì ngày thấy ánh sáng sẽ càng gần. Chúng ta đã cùng nhau băng qua hết đại dịch rồi, chỉ còn mười mấy ngày nữa thôi là tới 15/9. Nhà nước đang có một kế hoạch vĩ mô rất tốt. Hàng triệu gói an sinh đang chuyển đến, hàng trăm ngàn gói y tế đang đến. Nhưng sâu trong những con hẻm xa xôi, đâu đó ở những góc khuất của Sài Gòn, mọi thứ vẫn đến nhưng hơi chậm một xíu. Nước xa chưa cứu kịp lửa gần, thôi thì mình phụ được gì đồng bào mình thì phụ. Họ là bạn mình, là khán giả mình, là đồng bào mình mà… Không chỉ là tôi, mà còn biết bao anh em nghệ sĩ khác, biết bao mạnh thường quân khác đang hằng ngày đồng hành với mình. Có thể mình không biết họ, nhưng mình biết, họ cũng như mình, đang khao khát nhìn ngày quê hương mình khỏe lại.
Tình người. Chưa bao giờ người Việt Nam chúng ta yêu thương nhau như vậy. Trong những cơn bão này, hàng triệu trái tim sẵn sàng đùm bọc nhau. Đâu phải chỉ mình tôi, một tay vỗ làm sao kêu, có rất rất nhiều người đang góp sức ngoài kia. Có những người mà vào thời điểm bình thường, ta không nghĩ là họ can trường, mạnh mẽ đến vậy. Không chỉ đàn ông mà rất nhiều chị em lao vào vùng đỏ, để lại gia đình sau lưng. Có rất nhiều tình nguyện viên đã dính Covid, nhưng hãy nhìn vào mặt tốt, đó là trước khi dính họ đã kịp cứu được biết bao nhiêu người. Và sau khi khỏi bệnh họ lại tiếp tục công việc. Linh còn về nhà ngủ, có nhiều người họ ngủ luôn trong bệnh viện hoặc khu dã chiến. Đâu phải chỉ người trẻ mà cả những người già, những người đang có bệnh, ai cũng nói “tui còn làm được, để tui phụ mà”. Họ là những chiến binh vô cùng dũng cảm.
Chính vì nhìn họ, tôi càng thấy mình không thể dừng lại. Tôi tin rằng tình người là vũ khí tối thượng sẽ kéo chúng ta băng qua đại dịch, tình người sẽ tạo ra những vùng xanh, bớt đi vùng đỏ. Chúng ta rồi sẽ có một cuộc sống bình thường mới, chúng ta rồi sẽ học cách sống chung với dịch. Khi vaccine của Việt Nam được phê duyệt, vaccine thế giới về nhiều hơn… mọi người sẽ sớm có thể trở lại mưu sinh. Nghe tin shipper chạy lại tôi rất mừng. Họ cũng đang bó gối trong nhà trọ, khao khát được làm việc và giúp đỡ đồng bào luân chuyển nhu yếu phẩm. Họ có kinh nghiệm và họ rành đường. Người dân rất cần các anh ấy.
Tôi chỉ đi theo những việc trái tim mình mách bảo. Miễn mình còn giúp cho người khác được, người ta nghĩ xấu mình cũng được. Nếu một người nghĩ xấu mình tạo ra một năng lượng tiêu cực thì một người mình giúp sẽ tạo ra một năng lượng tích cực. Rồi mình cứ làm điều tốt đi, làm dư dư ra cũng được mà. Đôi khi thiện nguyện ở những miền quê, giúp cho nhiều nhà rồi cũng bỏ quên người khác, kiểu một trăm nhà cũng phải bỏ sót một nhà chứ, nên cũng có những hộ gia đình buồn mình, trách mình sao không giúp họ. Nhưng tôi đâu thể nghe những lời trách ấy mà buồn, tôi phải mừng vì mình đã giúp được chín mươi chín gia đình trước chứ.
Thiện nguyện đầu tiên và trên hết là cái tâm, mình làm mình biết, trời biết, đất biết, tối về ngủ ngon là được. Không điều gì ngăn mình tiếp tục làm điều đúng cả.
Vì bản chất con người tôi là như vậy, tôi muốn sống khác đi cũng không được. Khi thiếu thốn mình mong cái điện thoại để dễ liên lạc, muốn có cái xe để di chuyển cho nó tiện. Nhưng khi có cái điện thoại thì mình muốn cái đẹp hơn, có xe lại muốn xe xịn hơn, ngồi xe xịn hơn lại muốn xe xịn hơn nữa, vậy thì mình cứ chạy theo tới bao giờ đây. Câu hỏi là đến bao giờ mới đủ? Thực ra đủ là cái mình quyết định. Tôi trải qua mọi hỷ nộ ái ố rồi. Đi xe đẹp cũng sướng, mặc đồ đẹp cũng đã nhưng mà nó… cực quá. Vì hàng hiệu nó xài mình chứ đâu phải mình xài nó. Đi cái xe xịn thì sợ nó trầy, mặc đồ đẹp thì phải giặt bao nhiêu độ, rồi ủi sợ nó hư. Mang đôi giày thì sợ nó dơ, nó dính sình, thôi thì mang dép tổ ong cho nó mát. Giản đơn vậy mà nó khỏe. Khi đi diễn hay lên sân khấu, mình sẽ mặc đồ đẹp. Còn bước ra đời thì mình cũng như người ta thôi mà. Khác biệt làm gì.
Nhiều người hỏi tôi sao ăn cơm với chao, câu trả lời là ăn cơm với chao ngon gần chết. Tôi đã ăn đủ thứ cao lương mỹ vị rồi, với tôi đó là món ngon nhất. Ăn sao cũng được, miễn no là được. Xe sang hay hèn cũng được, tới nơi là được. Giày kiểu gì cũng được, thoải mái là được. Sống sao cho mọi người thương yêu mới khó, chứ mua bộ đồ đẹp dễ mà. Mà khi người ta đã thương yêu rồi thì mình mặc gì người ta cũng thương mà.
Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của một lời động viên. Đừng nghĩ nó là khách sáo, đừng nghĩ nó là câu cửa miệng, hãy động viên người khác đi vì con người chúng ta rồi sẽ có lúc cần người khác động viên. Tôi đã từng lê la khắp mọi con hẻm ở Sài Gòn, ước mơ ai đó cho mình một việc gì đó để làm, ai đó mang cho mình một ổ bánh mì. Tôi từng nhìn một nồi cháo lòng mà chảy nước miếng, từng chết thèm nhìn một miếng khoai mì. Và khi ai đó mang cho tôi những thứ ấy, tôi quý hơn vàng. Nó là những món ngon nhất trên đời mà tôi từng ăn.
Đã bao nhiêu lần tôi muốn bỏ cuộc, nhưng rồi lại có một bàn tay đặt lên vai mình. “Sẽ ổn thôi, ráng lên”, không biết bao nhiêu lần tôi đã đứng lên bởi những lời động viên như vậy. Sài Gòn đã cho tôi quá nhiều, giờ khi thành phố bị ốm, sao mình đành lòng ở trong nhà mà hưởng thụ. Mình lo vô cùng, nhưng còn những nỗi lo… phía sau sợi dây giăng thì sao, những giọt nước mắt kia thì sao? Mình phải trả lại cho hết những ân tình đã nợ Sài Gòn suốt mấy chục năm qua.
Mẹ tôi nói con ơi nghỉ đi, tóc bạc rồi, mấy chục năm sương gió rồi, bệnh hoạn cũng nhiều rồi, nghỉ đi con. Mấy hôm nay mẹ gọi, lần nào cũng khóc. Mẹ lo quá mà. Thế là phải nói dối cụ, nói con đi… gần gần à, mấy chỗ con đi nó an toàn lắm mẹ đừng có lo. Thời gian trước tôi còn hay đăng hình trên mạng xã hội, dạo gần đây hết dám luôn, sợ mẹ buồn, mẹ lo.
Gia đình cứ gửi ảnh Cường Béo, rồi gửi cả ảnh Phi Nhung, gửi ảnh những tình nguyện viên đang phải thở máy. Ngày nào cũng phải nhận hàng nghìn tin nhắn như vậy để khuyên mình về nhà, dọa cho mình sợ. Nhưng nhắm mắt tôi cứ nhớ mãi hình ảnh 5, 6 đứa trẻ trong một con hẻm sâu, người lớn đi cách ly hết rồi. Chúng cứ bần thần nhìn ra ngoài. Đưa gạo tụi nó cũng đâu biết nấu đâu. Thế là tui nghĩ ra màn nấu bánh tét. Mấy ngày mình đưa chục đòn. Để dành ăn dần như ăn Tết vậy. Cũng mong “cái Tết” này qua mau cho tụi nó bớt khổ.
Đến tuổi này, tôi không có gì để hối tiếc nữa. Tôi chỉ tiếc là mình… già rồi, không còn trẻ để đi sáng đêm, đi xa hơn, đi sâu hơn để giúp thêm những mảnh đời mà thôi.
Tôi rất nhớ điện ảnh, nhớ ước mơ thời trẻ của mình lắm chứ. Nhưng công việc hiện nay quá nhiều, tôi không cách gì bỏ ra mấy chục ngày chỉ để quay phim mà không ảnh hưởng đến những việc khác. Tôi cũng đang chờ một vai phù hợp với mình. Biết đâu tôi sẽ là người sản xuất. Tôi có thể kêu gọi mọi người để cùng làm một bộ phim, để ghi lại những thời khắc lịch sử này.
Tôi muốn nói rằng đừng nản chí, đừng bỏ cuộc. Chúng ta chỉ thất bại nếu từ bỏ MỌI cố gắng. Còn chừng nào chúng ta còn vẫy vùng, còn nỗ lực thì chừng đó chúng ta sẽ còn hy vọng. Tôi đã từng sống trong những năm tháng mà ngày hôm nay đi ngủ, ngày hôm sau thức dậy chỉ mong có cái gì đó bỏ vào bụng, có ai đó cho mình phụ công chuyện gì đó để có chút tiền mua đồ ăn. Tôi đã từng trắng đêm nhìn lấy từng gương mặt người Sài Gòn đi qua trước mặt mình vì không có việc gì để làm. Tôi đã từng buồn chán đến cùng cực. Nhưng tôi luôn tự nhủ chỉ cần mình không nản chí, nhất định phép màu sẽ xuất hiện. Mà đại dịch này, chúng ta còn chưa thấy đủ phép màu để tin hay sao.
Chúng ta chỉ thất bại nếu từ bỏ MỌI cố gắng.
Đó là câu đã nâng bước tôi vượt qua mọi khó khăn. Đó là phương châm đã tạo nên Quyền Linh của ngày hôm nay, dù tôi từng khó khăn như các bạn, thậm chí khó khăn hơn các bạn. Chúng ta rồi sẽ bình an.
Pháp luật và bạn đọc