Quỹ từ thiện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ được quan tâm giữa ồn ào sao kê của loạt nghệ sĩ đi từ thiện
Phạm Nhật Vượng không chỉ nổi tiếng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam mà ông còn được Forbes vinh danh là "Anh hùng thiện nguyện châu Á" với hàng loạt đóng góp cho các chương trình thiện nguyện từ giáo dục đến y tế qua Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup.
Giữa ồn ào sao kê thời gian gần đây, quỹ từ thiện của ông Phạm Nhật Vượng trong suốt 2 năm qua bất ngờ thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên vừa được Tập đoàn Vingroup công bố, trong nửa đầu năm nay, tập đoàn này tiếp tục chi 535,7 tỷ đồng cho Quỹ Thiện Tâm với mục đích từ thiện. Chi phí từ thiện phát sinh trong kỳ là 68,5 tỷ đồng.
Trước đó, cùng kỳ năm 2020, Vingroup từng chi tới 2.117,8 tỷ đồng cho mục đích từ thiện thông qua Quỹ Thiện Tâm. Chi phí từ thiện phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2020 là 738 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng góp mặt trong danh sách Anh hùng thiện nguyện châu Á của Forbes.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2020, Quỹ Thiện Tâm của ông Vượng đã xây dựng 2.700 căn nhà tình thương, nhà vượt lũ, 35 trường học và nhà ở bán trú cho học sinh tại các xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn... và nhiều hoạt động khác.
Đặc biệt, riêng năm 2020, ông Phạm Nhật Vượng đã đóng góp 77 triệu USD thông qua Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup để tài trợ cho các chương trình thiện nguyện trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục đến y tế.
Trong đó, 55 triệu USD được sử dụng vào hoạt động cứu trợ, phòng chống COVID-19 và được Forbes vinh danh trong danh sách "Anh hùng thiện nguyện châu Á".
PHẠM NHẬT VƯỢNG LÀ AI?
Phạm Nhật Vượng là một doanh nhân và tỷ phú người Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch tập đoàn Vingroup. Ông được xem là tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011 với giá trị tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1 tỷ đô la Mỹ tại thời điểm đó.
Ông cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013. Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 mới công bố của tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất tại Việt Nam với khối tài sản là 7,3 tỷ USD. Theo xếp hạng của Forbes, ông Vượng là người giàu thứ 344 trên thế giới.
Ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú USD đầu tiên được Forbes vinh danh.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được ngưỡng mộ bên cạnh sự giàu có là những điều phi thường ông làm cho Việt Nam mà hiếm ai có thể làm được.
TIỂU SỬ PHẠM NHẬT VƯỢNG
Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968. Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội tuy nhiên quê gốc ở Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Cha Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Quang (bí danh: Phạm Dương) - một quân nhân phục vụ trong lực lượng Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam. Mẹ ông là công nhân quốc phòng, khi về hưu, bà mở hàng nước ở đầu ngõ.
Ông Phạm Nhật Quang tập kết ra Bắc và lấy vợ là người gốc làng Hạ Trang, Bát Trang, An Lão, Hải Phòng. Sau đó ông bà định cư tại Hà Nội, rồi lần lượt sinh 3 người con tại đây.
Năm 1982, Phạm Nhật Vượng theo học tại trường Trung học phổ thông Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 1985, ông tốt nghiệp. Năm 1987, nhờ những thành tích học tập xuất sắc, ông đã thi đỗ chương trình du học ở Moskva (Nga) tại Trường Mỏ địa chất và theo học ngành Kinh tế Địa chất.
Sau đó, nhờ thành tích xuất sắc trong môn Toán, ông được học bổng du học ở trường Đại học Thăm dò Địa chất Liên bang Nga và tiếp tục theo ngành Kinh tế Địa chất.
Năm 1993, Phạm Nhật Vượng tốt nghiệp Đại học MGRI-RSGPU và kết hôn với một người bạn cùng học đại học là bà Phạm Thu Hương.
GIA ĐÌNH PHẠM NHẬT VƯỢNG
Vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Phạm Thu Hương. Bà đang nắm giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT của tập đoàn Vingroup.
Bà Phạm Thu Hương sinh năm 1969 tại Hà Nội, có bằng Luật tại Ukraina, là cổ đông của Technocom (tiền thân của tập đoàn Vingroup) từ năm 1994 và là người luôn đồng hành, sát cánh bên ông từ những bước khởi nghiệp đầu tiên.
Tính đến thời điểm hiện tại, bà đang nắm giữ trong tay gần 170 triệu cổ phiếu của tập đoàn Vingroup, có giá trị 15,5 nghìn tỷ VNĐ.
Ông Phạm Nhật Vượng có 3 người con: Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Minh Anh.
CON ĐƯỜNG THÀNH CÔNG CỦA TỶ PHÚ PHẠM NHẬT VƯỢNG
Trước khi trở thành tỷ phú thế giới với khối tài sản khổng lồ, ông Phạm Nhật Vượng từng có quãng thời gian khởi nghiệp từ kinh doanh nhà hàng, sản xuất mì ăn liền ở Kharkov, Ukraine. Là người đi lên từ bàn tay trắng, ông đã làm được những điều không ai tin là có thể.
Năm 3 đại học Phạm Nhật Vượng đã bắt đầu kinh doanh. Ông thuê một phòng trong DOM 5 Moskva để bán hàng, sau đó mở nhà hàng, nhập hàng từ Việt Nam để bán, buôn áo gió mùa đông. Lúc đầu lời nhiều nhưng thị trường thay đổi và thiếu kinh nghiệm nên phá sản.
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Đại học Thăm dò địa chất Liên bang Nga và kết hôn với bà Phạm Thu Hương là bạn cùng đại học, hai vợ chồng quyết định không về nước mà chuyển tới Kharkov, Ukraine. Tại đây, vợ chồng ông vay mượn tiền từ bạn bè và người thân mở một nhà hàng Việt Nam tên là Thăng Long ở Kiev, Ukraine.
Ngày 8/8/1993, Phạm Nhật Vượng vay 100.000 USD từ những người bạn Việt Nam với lãi suất 8% một tháng để bắt đầu sản xuất mì ăn liền, lấy thương hiệu Mivina. Nguyên liệu được nhập từ Việt Nam và Đài Loan. Hoạt động kinh doanh của ông Phạm Nhật Vượng tại Ukraine diễn ra rất thuận lợi.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành người đàn ông giàu nhất Việt Nam từ hai bàn tay trắng.
Năm 1995, thương hiệu mì Mivina bắt đầu xuất hiện trên thị trường rồi nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc cho hầu hết các thực phẩm ăn liền ở Ukraine. Năm 1996, sản lượng mì Mivina đạt 1 triệu gói. Ông tung ra sản phẩm rau thơm khô đóng gói năm 1999 và bột khoai tây năm 2000.
Cùng năm, Phạm Nhật Vượng đầu tư phần lớn lợi nhuận từ việc bán mì gói về quê hương Việt Nam, bắt đầu từ Nha Trang. Năm 2004, mì ăn liền Mivina chiếm tới 97% thị phần ở Ukraine. Năm 2007, doanh nghiệp của Phạm Nhật Vượng bắt đầu sản xuất thức ăn nhanh và các loại súp đóng gói.
Thành công vang dội tại đất khách, cái tên Phạm Nhật Vượng được mệnh danh là "ông vua thức ăn chế biến" tại thị trường Ukraina.
Tháng 8/2009, Đại hội đầu tiên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội. Phạm Nhật Vượng đã được Đại hội tín nhiệm bầu là chủ tịch Hiệp hội cùng 8 Phó chủ tịch khác.
Tháng 9/2009, Tập đoàn Technocom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraina) về Hà Nội (Việt Nam).
Năm 2010, công ty Nestle S.A của Thụy Sĩ đã mua lại công ty sản xuất đồ ăn nhanh Technocom của ông Phạm Nhật Vượng với giá 150 triệu USD. Vào thời điểm đó, ông Vượng còn sở hữu 2 nhà máy ở Kharkov với doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm. Công ty có khoảng 1.900 công nhân.
Sau đó Phạm Nhật Vượng quay về Việt Nam, ông nảy ra ý tưởng biến một số đảo hoang sơ tại Nha Trang thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Kết quả là Vinpearl Resort Nha Trang 225 phòng ra đời.
Một năm sau, ông khai trương Vincom Bà Triệu – tổ hợp trung tâm thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Ba năm sau, ông bổ sung 260 phòng nữa tại Vinpearl và lắp cáp treo xuyên biển dài 3,2 km. Ông cũng cho xây dựng Vincom Village với hàng trăm biệt thự cao cấp. Vincom được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007. Trong khi đó, Vinpearl vẫn là công ty kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng độc lập.
Tháng 1/2012, Công ty CP Vinpearl sáp nhập vào Công ty CP Vincom và hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng được sự tín nhiệm tuyệt đối của Đại hội đồng cổ đông, bầu vào vị trí Chủ tịch Tập đoàn.
Ông Phạm Nhật Vượng trở thành Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vào tháng 1/2012.
Tháng 2 /2012, cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) chính thức được phát hành trên sàn giao dịch đã minh chứng tiềm lực của tập đoàn.
Vingroup đã khẳng định mình với 4 nhóm thương hiệu chiến lược gồm: Vinhomes (Hệ thống Bất động sản nhà ở dịch vụ hạng sang); Vincom (Hệ thống TTTM đẳng cấp); Vinpearl (Bất động sản du lịch; dịch vụ du lịch – giải trí); đồng thời mở rộng ra các lĩnh vực như Vinmec (y tế chất lượng cao), Vinschool (giáo dục) và VinFast (ô tô).
Tập đoàn luôn được đánh giá là thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này đã liên tục có những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như Times City, Royal City, biệt thự Vinhomes Riverside hay sắp tới đây là chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.
Tòa nhà cao nhất Việt Nam, Landmark 81 tại Hồ Chí Minh cũng là công trình nổi tiếng của tập đoàn đình đám này.
Tháng 6/2018, VinSmart ra đời, khởi điểm là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV.
Vingroup cũng khiến giới kinh doanh xe hơi ngạc nhiên với thương hiệu Vinfast ra mắt tháng 10/2018. Dù là một doanh nghiệp xe hơi non trẻ nhưng VinFast khiến thị trường xe hơi Việt Nam tự hào tại Triển lãm Paris Motor Show tại Pháp.
Ngày 3/4/2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Ngày 9/5/2021, Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động nhằm tập trung hoàn toàn cho VinFast. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không còn được chứng kiến sự ra mắt của bất kỳ mẫu smartphone hay TV nào mang thương hiệu Vsmart nữa.
Ngày 3/6/2021, Vingroup đã "bắt tay" với Viet A Corp thành lập CTCP Công nghệ sinh học Vinbiocare (Vinbiocare) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup nắm chi phối với tỷ lệ sở hữu 69% vốn điều lệ, các cổ đông liên quan tới Viet A Corp sở hữu số cổ phần còn lại, sẵn sàng cho việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine chống COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Longtiếp nhận 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở do Tập đoàn Vingroup trao tặng.
Tháng 8/2021, được sự hỗ trợ của Bộ Y Tế và Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.
Tại quê nhà Hà Tĩnh, mới đây tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng lên kế hoạch xây dựng Bệnh viện Vinmec Thiện Tâm Hà Tĩnh cho Công ty Cổ phần Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Bệnh viện có tổng vốn đầu tư khoảng 728 tỷ đồng, có diện tích 3,7ha tại đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc phường Thạch Quý, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong Quý I/2023.
CÁC THƯƠNG HIỆU VINGROUP CỦA TỶ PHÚ PHẠM NHẬT VƯỢNG
Vinhomes: Hệ thống căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại cao cấp.
Vincom: Chuỗi trung tâm thương mại.
Vinpearl: Hệ thống nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí cao cấp.
Vinmec: Hệ thống bệnh viện đa khoa quốc tế.
Vinschool: Hệ thống giáo dục liên cấp.
VinFast: Công nghiệp nặng, chế tạo ô tô, xe máy.
Vinuni: Trường đại học đẳng cấp.
Vincharm: Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe.
Vintata: Hãng phim hoạt hình.
Vinfa: Nghiên cứu, sản xuất, phân phối thuốc, sinh phẩm y tế, dược mỹ phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
VinAI Research: Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI (trực thuộc Công ty VinTech) nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu.
Quỹ Thiện Tâm (Kind Heart Foundation): Tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì mục đích nhân đạo, từ thiện,...
TÀI SẢN PHẠM NHẬT VƯỢNG
Tính đến tháng 9/2021, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vững vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán bất chấp sự biến động của cổ phiếu VIC. Giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện tại là 197.000 tỷ đồng. Ông hiện đang nắm giữ hơn 985 triệu cổ phiếu của Vingroup và sở hữu hơn 1 tỷ cổ phiếu gián tiếp thông qua 92.88% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
NHỮNG CÂU NÓI NỔI TIẾNG CỦA PHẠM NHẬT VƯỢNG
Không chỉ phát triển với giá trị cá nhân mà Chủ tịch Vingroup còn hướng đến mở rộng những hệ sinh thái mang tính cộng đồng và giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới tất cả mọi người.
Là một người ít xuất hiện trên truyền thông và tự nhận xét là nói ít làm nhiều nhưng mỗi lần xuất hiện là một lần ông để lại ấn tượng với những câu nói có tính truyền cảm hứng rất lớn. Dưới đây là một số phát ngôn ấn tượng của tỷ phú giàu nhất Việt Nam:
"Lúc nhỏ giấc mơ của tôi không hề lớn, tôi chỉ muốn giúp đỡ gia đình"
Thời ấu thơ, hoàn cảnh gia đình ông Phạm Nhật Vượng không được khá giả khi nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ phụ thuộc vào quán trà đá nhỏ của mẹ nên để có thể giúp đỡ gia đình mình, ông Vượng đã từng bước một thực hiện được từng mục tiêu nhỏ rồi hướng đến những mục tiêu lớn hơn.
"Tôi mơ ước biến những con phố của Hà Nội và Sài Gòn trở nên sầm uất như Hong Kong hay Singapore.Nếu có thể thực hiện thì kể cả mất tiền tỷ thì tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn để lại thứ gì đó cho thế hệ sau. Còn tiền dù sao cũng chẳng thể mang theo khi đã chết".
Với khát vọng kinh doanh gắn với tinh thần dân tộc, ông Vượng đã quyết định bán công ty ở Ukraina để tập trung kinh doanh ở Việt Nam, từng bước xây dựng một thương hiệu mang tính biểu tượng quốc gia bằng việc "toàn tâm toàn ý" cho Vingroup.
Chủ tịch Vingroup tự nhận mình là người "nói ít làm nhiều" nhưng mỗi lần xuất hiện là một lần ông để lại ấn tượng với những câu nói có tính truyền cảm hứng rất lớn.
"Làm gì cũng phải đam mê, nghiêm túc với công việc, học hỏi liên tục cả đối thủ"
Đây là câu trả lời của Phạm Nhật Vượng khi được hỏi về việc làm thế nào mà Vingroup có thể tự tin, kinh doanh thành công đa lĩnh vực đến vậy? Ví dụ như bất động sản, dịch vụ khách sạn, bán lẻ, y tế, giáo dục, ô tô… trong khi các lĩnh vực này hoàn toàn không liên quan với nhau và cũng chẳng phải là sở trường của ông.
"Lỡ làm người rồi không thể sống một đời phí hoài được"
"Tôi chỉ tập trung vào việc của mình, còn người khác muốn nói gì thì mặc họ"
"Nếu tôi đầu tư và không thể kiếm sinh lời, thì ít nhất thành phố cũng sẽ có những tòa nhà lớn, đẹp đẽ"
"Nghe khách hàng nói, khách hàng chê, xem khách hàng như người thầy để ra sản phẩm phục vụ khách hàng"
"Đôi lúc thực hiện công việc nên tư duy cực kì đơn giản, chỉ cần chưa chết, tương lai xài tốt, và có tính lâu dài"
"Tôi không quan tâm đến chuyện lọt top 500 người giàu nhất trên thế giới"
"Mục đích của việc sản xuất máy thở hoàn toàn là đóng góp cho xã hội vào thời điểm quan trọng này. Chúng tôi không có kế hoạch mở rộng sang phân khúc này".