Quy mô GDP Việt Nam đạt 2.300 nghìn tỷ đồng, ngành nào đóng góp lớn nhất trong quý 1/2023?
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023, quy mô GDP cả nước đạt 2.300 nghìn tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội quý 1/2023 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Về cơ cấu nền kinh tế quý 1 năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Về sử dụng GDP quý 1 năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Trong quý 1/2023, quy mô GDP cả nước đạt khoảng 2.300 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngành có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước là công nghiệp chế biến, chế tạo; đạt 529,24 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2023.
Sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có đóng góp lớn thứ hai trong các ngành kinh tế. Cụ thể, ngành ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt khoảng 248,52 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2023.
Cùng với đó, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, nông nghiệp và vận tải, kho bãi nằm trong top 5 ngành có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước trong quý 1/2023. Cụ thể, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, ngành nông nghiệp và ngành vận tải, kho bãi có giá trị đạt lần lượt là 212,13 nghìn tỷ đồng; 202 nghìn tỷ đồng và 121,82 nghìn tỷ đồng.
Những ngành còn lại nằm trong top 10 ngành có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước gồm có: Xây dựng; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Giáo dục và đào tạo; Thông tin và truyền thông.
Xét về tỷ trọng các ngành trong quy mô GDP cả nước trong quý 1/2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 23% quy mô GDP chung của cả nước. Xếp thứ 2 là ngành ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 10,8% trong quy mô GDP cả nước trong quý 1/2023.
Cùng với đó, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, ngành nông nghiệp và ngành vận tải, kho bãi đóng góp lần lượt là 9,22%; 8,78% và 5,29% trong quy mô GDP cả nước quý 1/2023.
Theo đó, 5 ngành có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước đã chiếm 57,1% quy mô GDP cả nước trong quý 1/2023. Các ngành còn lại chiếm 42,9% quy mô GDP cả nước trong quý 1/2023.
Xét về tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP ở mức cao so với tốc độ tăng GDP như Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm: Bình Dương tăng 1,15%; TP. Hồ Chí Minh tăng 0,7%; Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.