Quy hoạch Sapa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế

01/10/2016 09:04 AM | Xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 với mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao, thu hút khoảng 5,2 triệu lượt khách du lịch...

Theo Quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Sa Pa thuộc địa bàn toàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.500 ha.

Định hướng phát triển thành 1 Đô thị du lịch Sa Pa và 4 phân khu du lịch gồm: Bản Khoang - Tả Giàng Phình (thuộc xã Bản Khoang và Tả Giàng Phình); Tả Phìn (thuộc xã Tả Phìn); Tả Van - Séo Mý Tỷ (thuộc xã Tả Van) và Thanh Kim (thuộc xã Thanh Kim), có sự kết nối với huyện Bát Xát.

Theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chính của Sa Pa hướng tới là: sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng. Trong đó, Sa Pa đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để tận hưởng khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người dân bản địa theo các chương trình du lịch “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại hấp dẫn” và “Sa Pa - Vùng đất của sự trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” gắn với đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương (huyện Sapa), đỉnh Ky Quan San và đỉnh Nhìu Cù San, thiên đường săn mây của giới trẻ (huyện Bát Xát); du lịch nghỉ dưỡng ngắm tuyết rơi vào mùa đông.

Sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: du lịch tâm linh gắn với hệ thống đền, chùa trong tổ hợp vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; các điểm di tích tâm linh trong khu vực; từng bước kết nối với các điểm di tích ở khu vực lân cận; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa truyền thống; du lịch thương mại gắn với tham quan, mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống; du lịch gắn với các hoạt động thương mại vùng biên hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc trưng của tỉnh Lào Cai; du lịch nghiên cứu, tìm hiểu sinh thái gắn với giáo dục môi trường; du lịch thể thao mạo hiểm...

Về tổ chức không gian phát triển du lịch, Sa Pa phát triển du lịch sinh thái, khám phá gắn với giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (huyện Sa Pa), khu bảo tồn tự nhiên Bát Xát (huyện Bát Xát); các điểm du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc: Cát Cát, Lao Chải, bản Dền, Nậm Cang và bản Sài (huyện Sa Pa); Lũng Pô II, bản Xèo, Sàng Ma Sáo và Dền Sáng (huyện Bát Xát); các điểm tham quan: Thung lũng Mường Hoa; bãi đá cổ, thác Bạc, thác Tình yêu và động Tả Phìn (huyện Sa Pa); cầu Thiên Sinh, cột cờ Lũng Pô và động Mường Vi (huyện Bát Xát).

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm phấn đấu đến năm 2020, Khu du lịch Sa Pa đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Trước năm 2030, Khu du lịch quốc gia Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu, và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Khu du lịch Sa Pa phấn đấu năm 2020 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách; đến năm 2030 đón khoảng 5,2 triệu lượt khách.

Được biết, hiện nay hạ tầng Sapa đang ngày càng "thay da đổi thịt". Năm 2014, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động với chiều dài 245km, đã rút ngắn một nửa thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 4 tiếng. Chính tuyến đường cao tốc này đã tạo nên sự hấp dẫn cho ngành bất động sản du lịch.

Đầu tư vào du lịch Sapa tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ kể từ năm 2015 khi Bộ GTVT chính thức "gật đầu" với dự án tuyến đường Lào Cai – Sapa mở rộng lên 4 làn xe với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án này đã được khởi công vào tháng 2/2016 và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2019.

Mới đây Bộ Giao thông – Vận tải cũng quyết định đầu tư sân bay Lào Cai sớm hơn kế hoạch. Theo dự kiến, dự án sân bay Lào Cai với vốn đầu tư gần 5.800 tỉ đồng (cho cả 2 giai đoạn) có thể được khởi công vào cuối năm 2016 và hoàn thành vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Sân bay Lào Cai sẽ có công suất 560.000 hành khách/năm và 10 năm sau công suất sẽ tăng gần gấp 3.

Chưa dừng lại ở đó, dự án hạ tầng làm thay đổi hoàn toàn BĐS du lịch Sapa chính là cáp treo Fansipan. Tuyến cáp treo được đưa vào hoạt động từ tháng 2/2016 không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển lên “nóc nhà Đông Dương” từ 2 ngày xuống còn 15 phút mà còn giúp nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước.

Theo Thanh Ngà

Cùng chuyên mục
XEM