Quy hoạch điện mặt trời: Sẽ chỉ các tỉnh có tiềm năng lớn được tham gia và chỉ lập 1 lần duy nhất

14/09/2017 16:41 PM | Xã hội

Điện mặt trởi trong tương lai có thể sẽ rất tiềm năng ở Việt Nam. Có rất nhiều tỉnh muốn có một dự án điện mặt trời. Thậm chí đại gia Đặng Văn Thành có lần từng tiết lộ sẽ đầu tư tới 1 tỷ USD vào năng lượng tái tạo này.

Mới đây, Bộ Công Thương đã cho công bố Thông tư 16/2017/TT-BCT về phát triển dự án điện mặt trời nối lưới, điện mặt trời mái nhà. Sau hàng loạt các Thông tư đã được tung ra trước đó cũng như hàng loạt các dự án đang hoạt động hoặc đang được thi công, Thông tư 16 mới này là một bước tiến xa hơn trong mục tiêu 'phổ cập' điện mặt trời khắp toàn quốc.

Theo đó, Thông tư nêu rõ, với Quy hoạch điện mặt trời Quốc gia thì sẽ chỉ được lập một lần duy nhất, các lần cập nhật điều chỉnh bổ sung sau được thực hiện khi lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện lực Quốc gia.

Đồng thời, với Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh) thì sẽ chỉ được lập đối với các tỉnh có tiềm năng lớn về điện mặt trời và chỉ lập một lần duy nhất. Các lần cập nhật điều chỉnh bổ sung sau được thực hiện khi lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện lực tỉnh.

Nói thêm, quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh là Đề án quy hoạch có mục tiêu xác định tổng tiềm năng điện mặt trời lý thuyết, kỹ thuật và kinh tế, phân bố tiềm năng mặt trời tại các khu vực trong phạm vi toàn tỉnh, trong từng giai đoạn đầu tư xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Điểm mặt khắp các địa phương trên cả nước đã và đang bắt đầu với điện mặt trời, có thể kể đến nổi bật nhất là Quảng Ngãi với dự án Nhà máy quang điện Thiên Tân và Bình Thuận với dự án Nhà máy điện mặt trời Tuy Phong. Thời điểm 2 nhà máy này bắt đầu khởi công vào 2 năm trước cũng chính là những giờ phút đầu tiên của điện mặt trời tại Việt Nam.

Dần dần, các dự án điện mặt trời được mở rộng đến các địa phương có lợi thế về vị trí cũng như địa chất khác. Đó là những Ninh Thuận, Khánh Hòa, Hà Tĩnh...đều đang ấp ủ những dự án về nhà máy điện mặt trời.

Năng lượng thay thế này càng thể hiện tiềm năng khi các doanh nghiệp lớn cũng đổ tiền vào ngành. Trong đó, điển hình nhất có công ty năng lượng của tập đoàn được mệnh danh vua mía đường Việt Nam - Thành Thành Công. Theo các nguồn tin, đại gia Đặng Văn Thành có ý định đầu tư tới 1 tỷ USd vào ngành năng lượng mới này.

Vì thế, những Quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh mới được công bố nói trên sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư cũng như phát triển ngành điện mặt trời của các cơ quan Nhà nước cũng như của doanh nghiệp.

Để thẩm định và phê duyệt các quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh, Thông tư 16 sẽ yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có thể thuê tư vấn thẩm tra, tư vấn phản biện phục vụ công tác thẩm định.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phải gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan và địa phương có liên quan về nội dung Đề án quy hoạch (nếu cần); các cơ quan và địa phương được lấy ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu và có văn bản trả lời gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến về Đề án quy hoạch.

Sau khi nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị có liên quan, trong vòng 10 ngày làm việc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoàn chỉnh báo cáo thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Trường hợp Đề án quy hoạch cần bổ sung, hiệu chỉnh theo ý kiến thẩm định (nếu có), trong vòng 05 ngày làm việc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức tư vấn sửa đổi, bổ sung Đề án quy hoạch.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được Đề án quy hoạch hoàn chỉnh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoàn thành báo cáo thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Đề án quy hoạch.

Thông tư 16 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/10/2017.

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời do vị trí địa lý nằm gần xích đạo, cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 4,5 - 5,5 kWh/m2/ngày. Nhằm đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030. Cụ thể: tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên khoảng 850 MW vào năm 2020; khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.

Đinh Lệ

Cùng chuyên mục
XEM