Quỹ đầu tư 400 tỷ USD mua hụt CLB Newcastle: được bơm tiền từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của Arab Saudi, “rải” tiền khắp thế giới vào Boeing, Facebook, SoftBank

02/09/2020 14:15 PM | Kinh doanh

Được thành lập vào năm 1971 bởi Hoàng gia nước này, PIF đã tài trợ cho nhiều dự án và công ty quan trọng của Arab Saudi, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế quốc gia.

Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới, Arab Saudi đã có được những nguồn tiền khổng lồ từ việc xuất khẩu loại vàng đen này trong nhiều năm qua. Nhưng tài nguyên nào cũng có giới hạn của nó, và dầu mỏ cũng không phải là ngoại lệ.

Nhận thấy được điều này, những người đứng đầu của Arab Saudi đã không ngừng phát triển các mảng kinh doanh khác ngoài mảng kinh doanh truyền thống; một trong số đó là đầu tư vào các ngành khác trong nước cũng như nước ngoài với mục tiêu thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ trong tương lai.

Trong bối cảnh giá dầu giảm đi xuống, đây là một bước đi vô cùng đúng đắn và Arab Saudi làm điều này thông qua Quỹ đầu tư Công Arab Saudi (PIF), một trong những quỹ đầu tư quốc gia (sovereign fund) có tổng tài sản lớn nhất thế giới.

Được thành lập vào năm 1971 bởi Hoàng gia nước này, PIF đã tài trợ cho nhiều dự án và công ty quan trọng của Arab Saudi, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế quốc gia. Đứng đầu quỹ là Hoàng tử Mohammad bin Salman Al-Saud, một trong những người đi tiên phong về việc mở rộng chiến lược kinh doanh ngoài xuất khẩu dầu mỏ của Arab Saudi, nổi tiếng nhất là mục tiêu Tầm nhìn 2030.

Dự tính đến cuối năm 2020, tài sản của quỹ này có thể lên đến gần 400 tỷ USD, bao gồm những khoản đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Quỹ đầu tư 400 tỷ USD mua hụt CLB Newcastle: được bơm tiền từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của Arab Saudi, “rải” tiền khắp thế giới vào Boeing, Facebook, SoftBank  - Ảnh 1.

Hoàng tử bin Salman, người đứng đầu quỹ PIF (Ảnh: Reuters)

Mục tiêu của quỹ này cũng rất cụ thể, đó là đóng góp vào GDP của Arab Saudi cũng như tạo ra công việc cho người dân tại nước này. Cụ thể, đến hết năm 2020, PIF mong muốn sẽ đóng góp 170 tỷ SAR (đồng tiền của Arab Saudi), tương đương với 6,3% GDP của quốc gia này.

Quỹ cũng muốn tạo ra tổng cộng 20.000 việc làm trực tiếp, 9.000 việc gián tiếp cho các công dân trong nước. Mặc dù đầu tư đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng mục tiêu cuối cùng của quỹ là sử dụng nguồn tiền thu được để phát triển đất nước cũng như hỗ trợ tìm kiếm công việc cho người dân trong nước ngày một tốt hơn.

Quỹ đầu tư 400 tỷ USD mua hụt CLB Newcastle: được bơm tiền từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của Arab Saudi, “rải” tiền khắp thế giới vào Boeing, Facebook, SoftBank  - Ảnh 2.

Những mục tiêu của quỹ PIF đều hướng tới sự phát triển của quốc gia (Ảnh: PIF)

Kể từ năm 2015, PIF bắt đầu thực hiện những công cuộc đầu tư mạnh mẽ sau khi được chính quyền Arab Saudi trao thêm quyền hạn nhằm thực hiện chiến lược tầm nhìn 2030 của Hoàng tử bin Salman. Đầu tiên, quỹ này tập trung vào những doanh nghiệp trong nước với mục tiêu tạo thêm việc làm cho người dân.

Mặc dù việc đầu tư này vẫn tập trung phần nhiều vào các doanh nghiệp dầu mỏ, tuy nhiên tỷ trọng đã giảm tương đối nhiều. Quỹ cũng đã mở rộng đầu tư sang các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính, sản xuất hàng tiêu dùng cũng như thực phẩm và nông nghiệp.

Chính phủ Arab Saudi kỳ vọng sẽ tạo ra thêm được nhiều giá trị thặng dư từ những ngành này, bước đầu chuẩn bị cho việc thay thế dần ngành khai thác dầu mỏ vốn tỏ ra thiếu ổn định trong những năm gần đây; trong tương lai, đây được xem là giải pháp cho Arab Saudi khi trữ lượng dầu mỏ cạn kiệt.

Quỹ đầu tư 400 tỷ USD mua hụt CLB Newcastle: được bơm tiền từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của Arab Saudi, “rải” tiền khắp thế giới vào Boeing, Facebook, SoftBank  - Ảnh 3.

Danh mục các doanh nghiệp đầu tư trong nước của PIF (Ảnh: PIF)

Không chỉ đầu tư trong nước, PIF còn đầu tư rất nhiều vào các công ty nước ngoài. Tháng 7/ 2015, PIF mua 38% cổ phần của công ty Kỹ thuật & Xây dựng Posco, một trong những công ty xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc.

Một năm sau, quỹ này tiếp tục mua 1% cổ phần Uber – công ty tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải qua công nghệ; đồng thời PIF cũng ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập Quỹ Tầm nhìn SoftBank nhằm mục đích đầu tư tới 45 tỷ đô la trong 5 năm vào lĩnh vực công nghệ (tuy nhiên những thương vụ đầu tư của quỹ này không thực sự thành công, nổi bật nhất là thất bại trong việc đầu tư vào Uber và WeWork, khiến cho quỹ lỗ tới 17,7 tỷ USD).

Giữa năm 2017, trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ Donald Trump tới Arab Saudi, PIF đã ký các biên bản thỏa thuận với các công ty hàng đầu của Mỹ như nhà sản xuất tên lửa Lockheed Martin, General Electric và quỹ đầu tư Blackstone, trong đó có biên bản thỏa thuận hợp đồng với giá trị lên tới 20 tỷ USD với Blackstone.

Tới năm nay, trong thời điểm dịch Covid hoành hành, quỹ này đã đưa ra những quyết định đầu tư rất táo bạo vào các cổ phiếu lớn tại Mỹ với 713,7 triệu đô la đầu tư vào cổ phiếu Boeing, 522 triệu đô la mua cổ phần của Facebook và 487,6 triệu đô la cổ phần tại Bank of America. Quỹ này cũng chi ra hơn 800 triệu USD để mua cổ phần tại Công ty dầu khí BP và trở thành cổ đông của quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, Berkshire Hathaway.

Quỹ đầu tư 400 tỷ USD mua hụt CLB Newcastle: được bơm tiền từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của Arab Saudi, “rải” tiền khắp thế giới vào Boeing, Facebook, SoftBank  - Ảnh 4.

Các khoản đầu tư lớn trên thế giới của PIF tính đến hết tháng 3 năm nay (Ảnh: BusinessInsider)

Tháng 6 năm 2020, PIF đã mua 2,32% cổ phần (trị giá 1,5 tỷ USD) tại Jio Platforms của Ấn Độ, một công ty con của Reliance Industries Limited, doanh nghiệp đã đưa tỷ phú Mukesh Ambani trở thành một trong mười người giàu nhất thế giới trong năm nay.

Khá đáng tiếc là một thương vụ đầu tư khác của quỹ là mua lại 80% cổ phần của Newcastle, câu lạc bộ bóng đá tương đối nổi tiếng tại Anh, đã không được thực hiện. Nguyên nhân của việc đổ bể thương vụ này được cho là do tình hình tài chính thế giới thiếu ổn định vì dịch Covid – 19 cũng như việc phê duyệt của Ban tổ chức giải đấu diễn ra quá lâu.

Quỹ đầu tư 400 tỷ USD mua hụt CLB Newcastle: được bơm tiền từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của Arab Saudi, “rải” tiền khắp thế giới vào Boeing, Facebook, SoftBank  - Ảnh 5.

Do dịch Covid – 19, PIF đã hủy bỏ thương vụ mua lại câu lạc bộ bóng đá Newcastle (Ảnh: Skysport)

Như vậy có thể thấy, PIF đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tầm nhìn 2030 của mình một cách vô cùng quyết liệt, với các khoản đầu tư rất lớn bên ngoài quốc gia trong năm 2020, năm cuối cùng trong giai đoạn 2018 – 2020 của quỹ này.

Thông qua quỹ đầu tư này, Hoàng gia Arab Saudi muốn thể hiện tầm ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới, cũng như đa dạng hóa các ngành nghề trong nước, tránh phụ thuộcc vào ngành khai thác dầu mỏ. Đây là bước đi vô cùng khôn ngoan và tỉnh táo của nước này; và thông qua PIF, họ đã và đang tiến được những bước rất lớn trong công cuộc đổi mới của mình.

Phạm Tiến Đạt

Cùng chuyên mục
XEM