Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở các quốc gia hoạt động ra sao?
Trong báo cáo Chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch - Kinh nghiệm của các nước đang phát triển, World Bank đánh giá Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Việt Nam dường như chưa hoàn thành đúng chức năng của mình.
Thái Lan đã thành lập một Quỹ bình ổn giá xăng dầu (FEPC) sau cú sốc dầu năm 1973. Quỹ này được sử dụng để làm giảm giá cả trên thị trường thế giới và trợ cấp chéo cho những loại nhiên liệu quan trọng trong xã hội. Ngoài việc trợ cấp định kỳ cho xăng và dầu diesel, quỹ này được sử dụng chủ yếu để trợ giá cho ethanol sinh học và dầu diesel sinh học trong những năm gần đây với mục đích bảo vệ môi trường.
Peru là nước nhập khẩu dầu mỏ, vì thế, giá dầu ở Peru phụ thuộc rất nhiều vào giá quốc tế. Chính phủ đã xây dựng Quỹ bình ổn giá nhiên liệu vào tháng 9 năm 2004. FEPC sử dụng biên độ giá để giúp duy trì giá nhiên liệu bán ở mức bán buôn trong nền kinh tế tại mức độ ổn định. FEPC hiện trợ giá cho 4 sản phẩm: LPG, diesel cho sử dụng cho xe cộ và diesel, nhiên liệu dầu mỏ sử dụng trong các hệ thống phát điện cách ly. Tuy nhiên, FEPC đã có tác động đáng kể đến tài khóa của Peru. Peru đang tường bước để hạn chế các tác động tài khóa của quỹ bình ổn này, họ sẽ sớm loại bỏ một số sản phẩm ra khỏi danh mục trợ cấp.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Chile thành lập năm 1991, được sử dụng để giảm thiểu việc tăng giá nhiên liệu do tác động của thảm họa thiên nhiên hoặc chiến tranh đối với khả năng lọc dầu của Vịnh Mexico. Quỹ này sẽ thiết lập giá chung ngang với giá thị trường nhập khẩu thấp nhất.
Chính phủ Colombia đã thành lập Quỹ bình ổn giá nhiên liệu vào năm 2008, quỹ này hoạt động theo nguyên tắc khắc phục chi phí. Nếu giá thế giới tăng cao thì quỹ này trợ giá, nếu giá thế giới giảm thì phần giá giảm đó sẽ được sử dụng để bù đắp cho quỹ.
Quỹ bình ổn giá nhiên liệu của Ecuador thậm chí còn áp dụng cho cả gas nấu ăn, người dân ở đây nấu ăn bằng gas với giá rất rẻ, gần như là miễn phí.
Ở Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công thương kiểm soát giá bằng cách điều chỉnh thuế nhập khẩu, thiết lập các quy tắc điều tiết giá dựa trên biến động của giá cơ sở (được tính theo công thức quy định trong Nghị định 84/2009 / Nđ‐ CP, sau đó được sửa đổi trong Nghị định 83/2014 / Nđ ‐ CP).
Tuy nhiên World Bank đánh giá, Quỹ bình ổn xăng dầu ở Việt Nam hoạt động chưa thực sự hiệu quả: "Có vẻ như Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Việt Nam đôi lúc chưa hoàn thành đúng nhiệm vụ của nó. Vào tháng 2 năm 2015, cho dù giá bán lẻ đã được hưởng lợi vì giá thế giới là rất thấp, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn được sử dụng để trợ cấp 0,12 USD mỗi lít xăng, 0,06 USD mỗi lít dầu diesel và 0,08 USD mỗi lít dầu hỏa".
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đang kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi đó tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.