Quỹ 1,2 nghìn tỷ USD khuyên bỏ qua báo cáo kết quả kinh doanh, mạnh tay mua cổ phiếu Mỹ
Với kinh nghiệm đầu tư hơn 4 thập kỷ, Jim McDonald, chiến lược gia trưởng tại Northern Trust Corp., khuyên các nhà đầu tư nên để tâm tới chứng khoán Mỹ và bỏ qua những tin tức tiêu cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1.
McDonald tin rằng chính sách cứu trợ chưa từng có của Chính quyền Tổng thống Donald Trump là lý do khiến các nhà đầu tư nên chú ý tới chứng khoán Mỹ hơn các nước khác. Theo vị chiến lược gia trưởng của quỹ đầu tư đang quản lý 1,2 nghìn tỷ USD, các nhà đầu tư không nên quá chú ý tới mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới. Thay vào đó, họ nên tìm hiểu xem nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi như thế nào sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Manh mối mà McDonald chỉ ra cho các nhà đầu tư là châu Âu, nơi dịch bệnh đang dần được kiểm soát và các nền kinh tế từng bước được mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa vì Covid-19 bùng phát.
"Kết quả kinh doanh sắp được công bố không thể cho chúng ta biết kinh tế sẽ phục hồi thế nào. Nó cũng không cung cấp đủ thông tin để chúng ta có thể dự báo trước được tình hình kinh doanh trong tương lai", ông McDonald cho biết.
Theo ông McDonald, việc Mỹ có những chính sách mạnh mẽ, tức thì và lớn chưa từng có chính là điều giúp bản thân ông và Northern Trust bày tỏ sử ủng hộ chới chứng khoán Mỹ. Hiện tại, S&P 500 đã tăng 28% kể từ mức thấp nhất trong tháng 3 và sự phục hồi của các đại gia công nghệ đảm bảo Nasdaq 100 không còn giảm trong năm 2020.
"Mức tăng tài chính sẽ đủ lớn để bù đắp những tổn thất do virus gây ra", ông McDonald đặt cược. "Chúng tôi nghĩ rằng người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi tiêu. Tuy nhiên, trong trường hợp tiêu cực là virus tái bùng phát trên toàn cầu, đó sẽ là một vấn đề".
Ông McDonald tiếp tục khẳng định triển vọng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sự kiểm soát dịch bệnh cũng như mở cửa trở lại các thị trường. Chính vì thế, nhìn vào kết quả của các nước châu Âu trong thời gian tới sẽ là chìa khóa để đánh giá cho những gì sẽ diễn ra ở Mỹ trong tương lai.
Hiện tại, Đức là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu bước những bước đi thận trọng để tiến tới bình thường. Bắt đầu từ 20/4, Đức đã nới lỏng một số hạn chế đối với giãn cách xã hội. Kể quả của người Đức sẽ giúp các nước khác trong và ngoài khu vực cân nhắc các thủ tục về thời điểm và cách thức đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hiện tại, thế giới có 2.404.818 trường hợp nhiễm Covid-19 với 164.922 ca tử vong. Cho đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng ở Mỹ, trong 24 giờ qua có 24.787 ca nhiễm mới.