Quảng Ninh lần thứ 4 giữ ngôi vương năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TPHCM ở đâu?

15/04/2021 09:39 AM | Kinh doanh

Năm 2020, Quảng Ninh đã hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong Covid-19. Về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh này đứng đầu cả nước khi đưa được 525 thủ tục hành chính mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Ảnh: TTXVN.
Ảnh: TTXVN.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020.

Theo đó, Quảng Ninh lần thứ 4 liên tiếp giữ ngôi vương chỉ số PCI, với 75,09 điểm.

Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Năm 2020, Quảng Ninh đã hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong Covid-19. Về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh này đứng đầu cả nước khi đưa được 525 thủ tục hành chính mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, và Đà Nẵng.

Hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TPHCM vẫn giữ nguyên thứ hạng từ năm ngoái, với điểm số PCI tăng nhẹ.

Hà Nội giữ thứ hạng 9, được xếp hạng Tốt. TPHCM giữ thứ hạng thứ 14, được xếp hạng Khá.

Quảng Ninh lần thứ 4 giữ ngôi vương năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TPHCM ở đâu? - Ảnh 1.

Điều tra PCI 2020 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.

Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM