Cách đây khoảng 2 năm, tôi đón một người bạn tên là Nick đến Việt Nam lần đầu tiên. Nick là một chàng trai yêu thiên nhiên, thích khám phá và luôn tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới để dấn thân. Tôi hẹn Nick tới chung cư 42 Nguyễn Huệ - một "biểu tượng" của Sài Gòn với đầy những hàng quán hay ho nhất lúc ấy. Sẽ là một buổi chiều "đưa bạn đi chơi" bình thường như bao buổi chiều khác, cho đến khi order hết Nick hoảng hốt gọi với theo bạn nhân viên: “Đừng cho ống hút nhựa vào ly của tôi nhé".
Câu nói ấy khiến tôi chú ý ngay lập tức. Tôi khi đó từng được đọc và nghe nhiều về những chiến dịch bảo vệ môi trường, rồi giảm thiểu rác thải nhựa - nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chủ động làm một việc gì đó để góp phần bảo vệ môi trường, chưa bao giờ.
Ở bên cạnh tôi, Nick lấy ra một chiếc ống hút inox mang theo, được cậu đặt trong một cái túi nhỏ sạch sẽ. Nick thoải mái dùng ống hút để uống cafe, và đứng dậy vào nhà WC rửa sạch, lau khô trước khi lại cất vào túi. "Có phải là quá lằng nhằng không?" - Tôi khi đó nhún vai. "Chúng ta dùng hút là xong mà".
Trước con mắt ngạc nhiên của tôi, Nick nói ngắn gọn: “What we save, save us” - Tiết kiệm cái gì rồi thì thứ đó sẽ cứu lấy chúng ta.
Một hành động rất nhỏ, một chiếc ống hút bé xíu thôi - làm sao có thể tạo ra sự khác biệt lớn lao? Tôi gạt đi và lái câu chuyện sang một chủ đề khác. Ngày ấy, bảo vệ môi trường còn là một khái niệm xa xôi và to lớn với hầu hết các bạn trẻ - giống như tôi. Dường như, đó là một trách nhiệm của ai đó và một tổ chức nào đó, chứ không phải của tôi và cũng chẳng phải của quán cafe nọ trên chung cư Nguyễn Huệ.
Nhìn lại câu chuyện ấy, chúng ta mới thấy ở thời điểm hiện tại - tất cả mọi thứ đã thay đổi. Khi tất cả cộng đồng cùng coi việc bảo vệ môi trường là ưu tiên số 1. Tôi không thấy phiền khi là người luôn cầm theo một túi nhỏ đựng ống hút inox hay cốc thuỷ tinh nữa, và rất rất nhiều bạn trẻ khác cũng vậy. Chỉ trong một thời gian ngắn, dường như tất cả cộng đồng xung quanh đều thức tỉnh và quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề về môi trường và rác thải.
Hãy nói về câu chuyện của Starbucks. Chỉ trong 1 năm trở lại đây, những chiếc cốc sứ, cốc thuỷ tinh, cốc giữ nhiệt của Starbucks đã thực sự trở thành một trào lưu, một must-have-item với rất nhiều bạn trẻ. Với thông điệp bảo vệ môi trường, giảm thiểu cốc nhựa, ở thời điểm hiện tại, việc cầm theo cốc của riêng bạn mỗi khi đi ra ngoài, đi cafe take-away,.. đã trở thành một phần của thói quen sinh hoạt hàng ngày của rất nhiều người trẻ hiện đại.
Điều tuyệt vời hơn, rất nhiều những nhà hàng, quán cafe không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của "làn sóng" bảo vệ môi trường. Họ hào hứng tham gia lan toả phong cách sống này bằng những hành động hoặc sự thay thế nho nhỏ.. Ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút inbox. Túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải. Bên cạnh đó là những cam kết và ưu đãi dành cho khách hàng hưởng ứng phong trào sống xanh, giảm thiểu nhựa.
Thay đổi được thói quen khi ngồi quán xá, nhiều bạn trẻ đã thay đổi cả suy nghĩ và biến sống xanh không chỉ còn là một trào lưu mà đã trở thành một phong cách sống mới.
Có lẽ, bây giờ khi Nick trở lại Việt Nam, cậu sẽ không phải nói câu “đừng cho ống hút nhựa vào ly của tôi" nữa. Vì đơn giản là ở rất nhiều quán xá ở Hà Nội và Sài Gòn đã vắng bóng hoàn toàn ống hút nhựa và túi nilon.
Chỉ mới xuất hiện vào khoảng cuối năm 2018, thế nhưng cho đến hiện tại, All Day Coffee đã trở thành một trong những địa chỉ cà phê quen thuộc của giới trẻ Hà Nội. Với không gian có nhiều góc lên hình cực Tây và câu chuyện về specialty coffee, ngay từ những ngày đầu, nơi này đã nhanh chóng chiếm spotlight trên mọi mặt trận và được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố như đồ uống ngon, không gian cảm xúc, nhân viên thân thiện và nhiệt tình, người ta còn chú ý đến All Day thông qua cả những chi tiết rất nhỏ mà quán đang góp phần bảo vệ môi trường.
Ngay từ những ngày đầu, trong menu của quán đã gửi gắm những thông điệp nhắn nhủ mọi người cùng giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường: "100% đồ uống phục vụ kèm ống hút giấy, mềm hơn ống hút nhựa và thân thiện hơn với môi trường". Tuy đơn giản thôi, nhưng thông điệp này quả thật rất dễ thương. Nó nhắc nhở người ta rằng việc giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không phải là một trào lưu mà cần trở thành ý thức và trách nhiệm của mỗi người.
Là một trong những hàng quán đi đầu trào lưu less plastic ở Hà Nội, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, All Day Coffee đã từng thử nghiệm qua nhiều loại ống hút thân thiện với môi trường như ống hút giấy, ống hút tre... Sau khi nhận được nhiều phản hồi, All Day đã có những thay đổi tích cực nhằm chọn ra loại ống hút vừa thân thiện với môi trường, vừa khiến cho khách hàng cảm thấy hài lòng nhất.
Cùng với việc thay đổi ống hút nhựa thành ống hút giấy, quán còn dùng cốc giấy và túi giấy cho đồ uống take away. Việc giảm thiểu rác thải nhựa được áp dụng triệt để nhất ở mọi khâu, mọi quá trình...
Giữa không gian hiện đại của thủ đô tấp nập, tuy chỉ nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ trên khu phố cổ Hàng Tre nhưng Hidden Gem Coffee tạo nên sự khác biệt hoàn toàn. Toàn bộ 4 tầng của quán đều được trang trí bằng đồ tái chế, từ bàn, ghế, lọ hoa, hộp đựng giấy cho đến các món đồ trang trí trên tường, trần nhà, cốc chén đựng đồ uống... Tất cả cùng hoà vào nhau, góp phần tạo nên một không gian vô cùng "môi trường".
Lớn lên từ một ngôi làng ung thư với nỗi ám ảnh về cái chết, anh Thơ (chủ quán Hidden Gem) đã có rất nhiều trăn trở về vấn đề rác thải nhựa, môi trường sống... Cũng chính từ đó, ý tưởng về một quán cà phê mang thông điệp sống xanh - suy nghĩ xanh - hành động xanh nảy ra trong anh, Hidden Gem Coffee ra đời như một "viên ngọc ẩn" giữa lòng thủ đô, nhắc nhở và truyền tải tới mọi người ý thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu tối đa rác thải.
Nghĩ là làm, anh Thơ tự mình đi tìm kiếm các vật liệu, gọt giũa, sắp xếp từng thứ một để làm nên quán cà phê như ngày hôm nay với gần 95% vật liệu từ bàn ghế, đồ trang trí, cốc chén,... đều là đồ tái chế, 5% còn lại hoàn toàn thân thiện với môi trường. Ống hút được sử dụng ở quán cũng là ống hút tre hoặc inox.
Đặc biệt hơn, anh Thơ còn khuyến khích khách tới và mang theo chai nhựa, nghe thì lạ lùng phải không? Nhưng bất kì vị khách nào đến quán mà mang theo chai nhựa sẽ được anh giảm giá hoặc thu mua lại. Còn nếu muốn mua đồ uống take away, bạn buộc phải mang cốc cá nhân tới, nếu không thì quán sẽ... không bán.
"Tôi không muốn rác vẫn là rác, rác phải là một nguồn tài nguyên. Đừng vội vứt bất cứ thứ gì, bạn hãy xem xét thật kỹ, biết đâu lại phát hiện ra những giá trị bất ngờ của nó". Cứ thế, anh Thơ đã cùng quán cà phê của mình truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường đến rất nhiều người.
Câu chuyện của anh Thơ và Hidden Gem thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng cũng là một niềm cảm hứng nhỏ rất thú vị cho những ai muốn theo đuổi một lối sống thân thiện với môi trường. Đừng "nhăn mặt" trước rác, đừng ghét những gì bỏ đi, một người trẻ hiểu và yêu môi trường hãy luôn tìm cách để zero waste - ngay cả với rác thải, đôi khi - bạn sẽ phải bất ngờ vì "vòng đời thứ 2" quá đỗi hữu ích của chúng đấy.
Nếu là một tín đồ của chocolate, chắc hẳn bạn cũng sẽ biết đến Maison Marou - thương hiệu chocolate đến từ Việt Nam từng được tạp chí New York Times gọi bằng cái tên vô cùng trìu mến: chocolate ngon nhất thế giới. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất chocolate, Maison Marou còn được phát triển thành cửa hàng trưng bày các sản phẩm kiêm quán cà phê. Sau khi gây tiếng vang tại Sài Gòn, cuối tháng 8/2017, thương hiệu này đã chính thức đặt chân đến Hà Nội.
Maison Marou nói chung và Maison Marou Hanoi nói riêng được xem là một trong những hàng quán có các hành động giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường vô cùng mạnh mẽ. Kể từ năm 2017 đến nay, Maison Marou đã cắt giảm hơn 52.000 ống hút nhựa và 30.000 túi nilon. Cũng theo thông tin từ cửa hàng, họ đang quyết tâm thực hiện mục tiêu tiếp theo: Chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa trong mọi hoạt động vào năm 2021.
Bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở nói, mà còn cần phải thể hiện bằng hành động. Marou thay thế một loạt bao bì nilon và nhựa bằng các chất liệu khác thân thiện hơn với môi trường như giấy, kim loại,... thậm chí, họ còn bán túi cói để khách hàng có thể tái sử dụng nhằm bảo vệ môi trường... Các sản phẩm và đồ uống take away đều được đựng trong cốc giấy và mang đi bằng túi giấy, đồng thời sử dụng ống hút giấy. Ngay trong quá trình sản xuất, việc sử dụng tấm plastic để tạo hình sản phẩm cũng đã được thay thế bằng lá chuối.
Là Việt Coffee được xem là điển hình cho những quán cà phê theo kiểu “công xưởng”. Được khai sinh tại một xưởng cà phê tại Đà Lạt nhưng khi về đến Sài Gòn, Là Việt lại được decor theo phong cách tối giản với không gian mở khá rộng rãi và thân thiện. Nơi đây còn được xem là điểm đến quen thuộc của những tín đồ cà phê tại Sài Gòn. Đến quán, ngoài việc thưởng thức những tách cà phê với hương vị tự nhiên, nguyên chất, bạn còn được tận mắt quan sát quy trình tạo ra một ly cafe nguyên chất: Từ khâu rang, xay cho đến chế biến đều được diễn ra bên trong quán.
Thời gian gần đây, khi phong trào “less plastic” ngày càng phổ biến tại Sài Gòn, Là Việt Coffee cũng là một trong những thương hiệu đồ uống hưởng ứng tích cực hơn cả. Quán phục vụ ống hút nhôm thay vì ống hút nhựa. Bên cạnh đó, tất cả đồ uống và bánh ngọt của Là Việt đều được bảo quản trong các vật dụng bằng thuỷ tinh. Những sản phẩm take-away cũng được đựng trong hộp giấy và túi giấy.
Ngoài ra, quán còn dành hẳn một không gian riêng để bày bán những loại vật dụng có chất liệu thân thiện với môi trường như: ống hút inox, phin cà phê bằng kim loại, túi vải, chén đĩa gỗ… Là Việt Coffee cũng khuyến khích khách hàng sử dụng các loại ly đựng đồ uống cá nhân để order nước tại quầy. Với thông điệp: “Một hành động nhỏ tạo nên nhiều thay đổi lớn”, Là Việt Coffee đang dần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của giới trẻ Sài Gòn ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
L’Usine được nhiều người biết đến là chuỗi cà phê – nhà hàng theo phong cách phương Tây sang trọng và hiện đại tại Sài Gòn. Không đơn thuần là một địa điểm ăn uống, L’Usine còn là thương hiệu tiên phong của mô hình concept store với nhiều trải nghiệm thú vị - nơi mọi người có thể đến uống café, ăn sáng – trưa – tối, kết hợp mua sắm, xem triển lãm nghệ thuật.
Ngay từ những ngày đầu ra mắt, các loại đồ ăn, nước uống tại L'Usine đều được phục vụ trong cốc đĩa bằng thuỷ tinh hoặc đồ sành sứ kèm với muỗng nĩa bằng kim loại. Khoảng giữa năm 2018, ý tưởng “less plastic” tại L’Usine ra đời khi khái niệm này vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Quán đã thay toàn bộ ống hút nhựa bằng ống hút cỏ và ống hút giấy. Đối với thức ăn hay đồ uống take-away, L’Usine hạn chế sử dụng đồ nhựa một cách tối đa và thay vào đó là các vật liệu thân thiện với môi trường như: hộp giấy, túi giấy, bộ muỗng nĩa bằng gỗ… L’Usine còn khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải khi mua sắm thay vì túi nilon.
Đặc biệt vào năm 2018, L’Usine đã phối hợp với họa sĩ đến từ New York – Sto Len để tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Water is Life” để chuyển nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ nguồn nước trước sự ô nhiễm do các chất thải độc hại.
Mong muốn trở thành một thương hiệu “xanh”, L’Usine không chỉ thực hiện việc cắt giảm chất thải nhựa mà còn xây dựng mô hình vườn rau xanh trong khuôn viên rooftop tại các cửa hàng. Những loại rau được trồng tại đây sẽ là nguồn nguyên liệu sạch cho các món ăn của quán.
Đến L’Usine, bạn sẽ nhận thấy rằng “Less plastic” không phải là một trào lưu mà đúng hơn là một lối sống đầy trách nhiệm với cộng đồng.
Thinker&Dreamer là chuỗi cửa hàng cà phê rất “được lòng” giới trẻ Sài Gòn, được phát triển bởi hai cái tên đình đám trên MXH là nhiếp ảnh gia Thiên Minh và người mẫu Quang Đại. Đều là hai chàng trai vô cùng hiện đại và có tư duy cởi mở, từ khi phong trào sống xanh còn nhen nhóm, cả hai đã tích cực tham gia vào công cuộc "lan toả" lối sống văn minh này tới đông đảo cộng đồng. Dĩ nhiên, hệ thống quán cafe xinh xắn của hai chàng trai này cũng không nằm ngoài công cuộc đó.
Tại Thinker&Dreamer, bạn sẽ được được phục vụ ống hút inbox thay cho ống hút nhựa. Những chiếc ống hút như một “phụ kiện" giúp cho món nước vốn được decor rất xinh xắn trở nên ăn ảnh và bắt mắt hơn rất nhiều. Những chiếc ống hút này sau đó sẽ được vệ sinh kĩ lưỡng và có thể tái sử dụng rất nhiều lần. Ngoài ra, khách hàng có thể mua ống hút tre, túi vải được thiết kế đậm chất riêng của Thinker&Dreamer để sử dụng.
Quang Đại chia sẻ một kỉ niệm khiến anh thấy vui khi góp phần làm lan toả xu hướng less plastic là khi đi siêu thị và thấy các bạn trẻ sử dụng túi của Thinker&Dreamer. Thay vì lỉnh kỉnh 2-3 chiếc túi nilon thì nhiều bạn đã kiên quyết “say no" với người bán hàng và bỏ thẳng món đồ vào chiếc túi vải mình mang theo. Vượt ra khỏi không gian của một quán cà phê, nơi những chiếc ống hút inbox được phục vụ thì nhiều bạn đã chủ động lựa chọn cách sống xanh và cả thái độ sống xanh.
“What we save, save us” - đây là điều mà Quang Đại luôn tâm niệm khi đưa phong cách sống xanh thân thiện vào các hoạt động kinh doanh của mình. “Zero-waste đang dần trở thành một cơn sóng lớn thức tỉnh mọi người, ai cũng thấy là nhiệt độ và thời tiết bây giờ thay đổi nhiều lắm. Bạn bè mình cũng chọn sống xanh ngày càng nhiều, và đi đâu cũng thấy mọi người nhắc nhở nhau sống xanh. Cho nên, có thể nói zero-waste rồi sẽ trở thành một xu hướng sống mới thôi, vấn đề chỉ là sớm hay muộn.” - Quang Đại chia sẻ.
Trí thức trẻ