Vì sao tỷ phú Trung Quốc khó thành công như Mỹ?
Mỹ có nhiều công ty và sản phẩm được ngưỡng mộ trên thế giới do kinh doanh để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thay vì để giành ưu đãi của nhà nước như Trung Quốc.
Theo nghiên cứu mới nhất được tạp chí Hurun (Trung Quốc) công bố, cả thế giới hiện có 1.453 tỷ phú. Trong đó, Mỹ tập trung nhiều nhất với 409 người, theo sau là Trung Quốc với 317 người. Nhưng nếu xét số tỷ phú điều hành các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán, Trung Quốc lại đứng đầu với 212 người, nhỉnh hơn Mỹ 1 tỷ phú.
Tuy nhiên, theo danh sách các công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới, do tạp chí Fortune bình chọn, các doanh nghiệp Mỹ chiếm toàn bộ 10 vị trí dẫn đầu. Top 3 bảng xếp hạng này là Apple, Google và Amazon. Không có công ty Trung Quốc nào lọt được vào top 50.
Các công ty được lựa chọn phải thuộc top 1.000 có doanh thu lớn nhất Mỹ, hoặc doanh nghiệp nước ngoài có doanh thu trên 10 tỷ USD. Sau đó, các chuyên gia đánh giá và xếp hạng theo 9 tiêu chí, từ giá trị đầu tư đến trách nhiệm xã hội.
Một báo cáo khác thực hiện bởi tạp chí Barron hồi tháng 7/2012 cũng cho thấy phần lớn các công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới đến từ Mỹ. Các vị trí dẫn đầu lần lượt là Apple, IBM và McDonald’s. Trung Quốc chỉ có mặt từ giữa bảng xếp hạng.
Theo Forbes, điều này cho thấy có nhiều tiền bạc chưa chắc đã xây dựng được một công ty hùng mạnh và tên tuổi. Nguyên nhân nằm ở mô hình khởi nghiệp của mỗi quốc gia.
Tại Mỹ, các công ty được thành lập dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Sau đó, họ sẽ tìm cách đổi mới để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu đó, hơn là cố sức để cạnh tranh.
Đó cũng là lý do vì sao các công ty Mỹ cho ra đời những siêu phẩm như iPhone, iPad hay kính Google Glass. Những thiết bị này đã giành được cảm tình của người tiêu dùng và biến các nhà sáng lập thành tỷ phú. Forbes cho rằng khối tài sản này chính là phần thưởng cho việc xây dựng một công ty được nhiều người mến mộ.
Còn ở Trung Quốc, các công ty được thành lập dựa trên nguồn cung. Quá trình này bắt đầu với nhà sản xuất, thay vì người tiêu dùng. Đó là do Chính phủ nước này chỉ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp với rất nhiều chính sách ưu đãi và bảo đảm.
Việc này sẽ khiến các doanh nhân đầu tư phần lớn thời gian vào việc thắt chặt mối quan hệ với quan chức để có nhiều ưu tiên. Vì thế, họ cũng chẳng có nhiều thời gian nghiên cứu thị trường để cho ra sản phẩm "bom tấn" quyết định thành bại của công ty. Kết quả là Trung Quốc ít có sản phẩm gây được tiếng vang trên thế giới, dù số tỷ phú vẫn tăng lên đều đều.
Forbes kết luận tài sản của người giàu Trung Quốc không đến từ việc gây dựng doanh nghiệp thành công. Đó là kết quả của mối quan hệ với những người có quyền quyết định số phận các ngành công nghiệp nước này.
Theo Thùy Linh
vnexpress/Forbes